Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến toàn cầu trước “kẻ thù chung”

Minh Hiếu| 25/03/2020 07:17

(HNM) - Trong vòng chưa đầy 3 tháng bùng phát, hơn 380.000 ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với số ca tử vong vượt ngưỡng 16.000 người. Sự tăng tốc mạnh mẽ của đại dịch trên toàn cầu khiến mọi mặt của đời sống quốc tế đảo lộn, buộc các nước cùng gồng mình chống chọi trong cuộc chiến đã bước vào giai đoạn vô cùng cam go.

Đoàn bác sĩ Cuba đến Italia hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19.

Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 23-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, Covid-19 mất 67 ngày từ khi ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận để lên tới mốc 100.000 ca lần đầu, mất 11 ngày để vượt mốc 100.000 ca lần thứ hai và chỉ mất 4 ngày để đạt mốc 100.000 ca lần thứ ba. Sự lây lan nhanh chóng trong những tuần qua cho thấy vi rút gây nên thảm họa y tế toàn cầu này không phân biệt màu da, dân tộc, tôn giáo, biên giới hay quốc tịch.

Italia - một trong những quốc gia có hệ thống y tế hàng đầu châu Âu - đã trở thành tâm điểm của đại dịch với số ca dương tính nhiều thứ hai thế giới. Con số tử vong tại đất nước Hình chiếc ủng cũng đã ở mức gần gấp đôi Trung Quốc đại lục, dù thời điểm bùng phát dịch chậm hơn. Còn tại Mỹ, số ca nhiễm mới tăng mạnh và được ghi nhận tại toàn bộ 50 bang đã biến nước này thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới. Điểm nóng Trung Quốc và Hàn Quốc dần hạ nhiệt song lại tiếp tục đối mặt nguy cơ mới do làn sóng lây nhiễm từ nước ngoài vào.

Những thành trì tưởng chừng như kiên cố nhất lao đao vì dịch bệnh khiến các chính phủ phải thực hiện những biện pháp chưa có tiền lệ. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23-3, trong bối cảnh số người nhiễm Covid-19 đang tăng rất nhanh tại nước này. Trước đó, phong tỏa bắt buộc, ban bố lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập đông người, áp đặt các biện pháp cách ly tại các thành phố lớn với quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cũng được nhiều quốc gia áp dụng nghiêm ngặt. Ước tính, khoảng 1,7 tỷ người tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà, trong bối cảnh tất cả các nước đang nỗ lực đối phó với “kẻ thù vô hình” Covid-19.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, những tổn thất do Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng kinh tế hơn 1 thập niên trước do đại dịch SARS và sẽ đòi hỏi một cách phản ứng chưa từng có tiền lệ. Trong đó, các chuyên gia lo ngại vi rút SARS-CoV-2 sẽ tàn phá mạnh mẽ tại những quốc gia đang hứng chịu các cuộc xung đột và có hệ thống chăm sóc sức khỏe nghèo nàn, yếu kém. Ngày 22-3, “chảo lửa” Syria - nơi mà hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng sau 9 năm nội chiến triền miên - đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. “Đã đến lúc ngừng xung đột vũ trang, chấm dứt giao tranh, pháo kích và oanh tạc, thay vào đó là cùng nhau tập trung vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 và giải cứu sinh mạng của người dân”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẩn thiết kêu gọi như vậy trong bài diễn văn tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) hôm 23-3.

Trước đó, ông A.Guterres cảnh báo nếu thế giới để vi rút SARS-CoV-2 lây lan như cháy rừng, đặc biệt ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất của thế giới, hàng triệu người sẽ thiệt mạng. Vì vậy, cuộc chiến chống "kẻ thù chung" của nhân loại đã tăng thêm một cấp độ mới, trong một giai đoạn then chốt cần có sự phối hợp chặt chẽ trên toàn cầu, giữa tất cả các nước. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo, sẻ chia mà con người luôn đề cao mà còn nằm trong lợi ích của từng cá nhân, từng quốc gia, từ đó đóng góp cho việc xây dựng thế giới thành ngôi nhà chung an toàn, thịnh vượng của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến toàn cầu trước “kẻ thù chung”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.