Theo dõi Báo Hànộimới trên

Singapore: Chạy đua với thời gian

Quỳnh Dương| 16/07/2020 16:50

(HNNN) - Là một trong những quốc gia châu Á chịu tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, những năm gần đây, nhiều chính sách đã được chính phủ Singapore gấp rút đưa ra để ứng phó.

Một con đê ngăn nước biển dâng ở phía Tây Bắc Singapore.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình tại Singapore dự kiến tăng thêm 4,6oC. Mực nước biển sẽ tăng 1m. Trong khi đó, 30% quốc đảo này nằm ở vị trí chỉ cao hơn mực nước biển trung bình chưa tới 5m. Ngoài ra, quốc gia này có vị trí gần xích đạo nên những tác động từ tình trạng nước biển dâng sẽ nghiêm trọng hơn so với toàn cầu. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt còn có thể đe dọa nguồn cung cấp nước, thực phẩm và năng lượng.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng úng ngập do nước biển dâng, từ năm 2011, Singapore đã đầu tư khoảng 1,8 tỷ SGD (1,3 tỷ USD) vào việc nâng cấp hệ thống thoát nước. Ngoài ra, 254 điểm ngập úng đã được xử lý kể từ năm 2014 đến cuối năm 2018. Đối với các công trình mới, chính quyền yêu cầu phải xây dựng cơ sở hạ tầng thoát nước trước khi khởi công. Giám sát và nâng cấp thường xuyên hệ thống thoát nước cũng là quy định bắt buộc ở đảo quốc Sư tử.

Xác định đây là vấn đề cần thực hiện dài hạn, mới đây, Singapore đưa ra kế hoạch chi 100 tỷ SGD (75 tỷ USD) cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số biện pháp thiết thực đã được triển khai như xây dựng các lối vào ga tàu điện ngầm cao hơn để phòng lũ lụt. Trước đây, có quy định công trình xây dựng phải có nền cao hơn mực nước biển từ 3m trở lên nhưng theo quyết định mới, con số này là 4m, thậm chí là 5m đối với các công trình quan trọng như nhà ga số 5 thuộc sân bay quốc tế Changi.

Giới chuyên gia Singapore cho rằng khó tránh khỏi lũ lụt nhưng có thể kiểm soát, hạn chế tác động tiêu cực bằng chiến lược tổng thể. Cơ quan Nước quốc gia (PUB) Singapore đã phát triển các biện pháp quản lý lĩnh vực thoát nước đa chiều. Cụ thể, các dự án phát triển mới và tái phát triển ở Singapore bắt buộc phải có các biện pháp bảo vệ trước nguy cơ lũ lụt. Singapore phát triển và bảo trì mạng lưới mở rộng 8.000km đường ống thoát nước, mở rộng và đào sâu thêm hệ thống đường ống và kênh thoát nước hiện có; cập nhật định kỳ quy định về thực hiện thoát nước bề mặt, trong đó có những yêu cầu kỹ thuật tối thiểu đối với các hệ thống này.

Biện pháp có tính tổng thể hơn là xây dựng các khu lấn biển để bảo vệ bờ biển, cải tạo các hòn đảo ngoài khơi và kết nối chúng với nhau bằng các con đập nhằm tạo ra hồ chứa nước mưa. Singapore ưu tiên học hỏi kinh nghiệm của Hà Lan, quốc gia có khoảng 3.500 công trình lấn biển và thành phố được xây dựng dọc các con kênh. Cùng với đó, Singapore đã phát động một chương trình trồng cây rộng khắp, đưa ra phương án bảo vệ nguồn cung nước trong trường hợp xảy ra sự gián đoạn đột ngột. Bộ Môi trường và Nguồn nước Singapore đã thành lập Văn phòng Chương trình nghiên cứu khoa học về khí hậu (CCRS) và dành 7,5 triệu USD cho công tác nghiên cứu về mực nước biển từ nay đến năm 2024. Ngoài ra, một văn phòng khác trực thuộc CCRS cũng được thành lập nhằm đưa ra một kế hoạch tổng thể nghiên cứu khoa học về tình trạng biến đổi khí hậu. Bộ Môi trường và Nguồn nước Singapore đã triệu tập một nhóm làm việc để nghiên cứu cải thiện cách thức tái chế nguyên vật liệu, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững, ngành công nghiệp năng lượng ở Singapore đã phát triển thêm hàng trăm công ty năng lượng sạch chỉ trong hơn 10 năm qua. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, quốc gia này tăng cường sản xuất điện mặt trời - đặt mục tiêu đáp ứng khoảng 4% tổng nhu cầu tiêu thụ điện trên cả nước.

Chính phủ Singapore cũng đã triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao kiến thức của người dân về biến đổi khí hậu, từ đó cộng đồng có trách nhiệm hơn với môi trường và chung tay cùng chính phủ đối phó với mối nguy này. Nhờ các chính sách tuyên truyền, số lượng người trẻ ở Singapore quan tâm tới tác động của biến đổi khí hậu đối với tương lai của đất nước ngày càng tăng. Mới đây, khảo sát của Tập đoàn truyền thông Mediacorp cho thấy, có tới 98% người trẻ ở Singapore lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu và muốn góp phần ngăn chặn. Họ cũng muốn chính phủ có nhiều hành động hơn để tăng cường khả năng chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu phải được ưu tiên ngang tầm các chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, quan trọng hơn cả các chương trình phát triển quốc phòng. Do đó, Singapore cần phải chạy đua với thời gian để có thể bảo vệ đất nước và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Singapore: Chạy đua với thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.