Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên thành quả nhờ đào tạo trẻ

Minh An| 09/07/2022 07:10

(HNMCT) - Trong nhiều năm qua, thành tích của các võ sĩ trẻ muay-kickboxing Hà Nội là kết quả của cách đầu tư “đi sau về trước” mà chức vô địch toàn đoàn của đội Hà Nội tại Giải vô địch muay trẻ quốc gia năm 2022 là ví dụ điển hình. Nhưng người trong cuộc còn muốn nhân lên thành quả từ đào tạo trẻ bằng các tấm huy chương vàng ở những sân chơi lớn hơn.

Đội muay Hà Nội tại Giải vô địch muay trẻ quốc gia năm 2022. Ảnh: Dương Ngọc

Đi sau nhưng cố gắng về trước

Có thể coi công tác đào tạo trẻ của bộ môn muay-kickboxing thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (gọi tắt là muay-kickboxing Hà Nội) đang đi đúng hướng, thể hiện qua việc các vận động viên (VĐV) Hà Nội nhiều lần giành ngôi Nhất toàn đoàn tại các giải trẻ quốc gia.

Tất cả đến từ cách đầu tư bài bản, không vì thành tích trước mắt mà bỏ qua việc xây dựng nền tảng kỹ thuật, chiến thuật, thể lực… Ở môn muay, Hà Nội thuộc diện đi sau so với thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, An Giang... Thậm chí, năm 2010, đội ngũ huấn luyện viên (HLV) của muay Hà Nội còn phải “cắp cặp” vào thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu cách đào tạo, xây dựng lực lượng để từ đó tìm lối đi cho mình. Nhớ về giai đoạn đó, phụ trách bộ môn muay-kickboxing Hà Nội Dương Ngọc Hải kể: “Chúng tôi không xấu hổ khi đến địa phương bạn học hỏi kinh nghiệm để biết được mình đang thiếu gì, cần gì”.

Ông Dương Ngọc Hải có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo trẻ, luôn bám vào nguyên tắc bảo đảm sự bài bản, chắc chắn. Hơn nữa, những người có trách nhiệm cũng chú trọng đến việc tập huấn ở nước ngoài. Với môn muay, địa điểm tập huấn được ưu tiên là Thái Lan, nơi khai sinh ra môn muay. Cũng nhờ những chuyến tập huấn với những chuyên gia hàng đầu và đội ngũ “quân xanh” hùng hậu tại Thái Lan mà các võ sĩ trẻ Hà Nội tiến bộ nhanh chóng, rút ngắn hành trình lên đỉnh cao so với tập luyện trong nước.

Sau này, các võ sĩ muay và kickboxing Hà Nội có nơi ăn, ở, tập luyện ổn định, từ đó yên tâm tập luyện, đồng thời giúp khâu quản lý của các HLV được thuận tiện hơn. Tất cả bắt đầu từ cách đây vài năm, khi các đội tuyển của đội muay-kickboxing được chuyển về địa điểm tập luyện tại Phúc Thọ - do phụ trách bộ môn muay-kickboxing Hà Nội Dương Ngọc Hải đầu tư cơ sở vật chất trên diện tích đất của gia đình.

Ở đây, các VĐV được học văn hóa, ăn ở, tập luyện khép kín. Phòng ở của các VĐV có đầy đủ điều hòa, máy giặt và các tiện nghi tối thiểu khác. Nhà vô địch SEA Games 31 ở môn kickboxing Nguyễn Quang Huy cho hay, chính điều kiện tập luyện tốt tại cơ sở ở Phúc Thọ đã giúp anh và đồng đội yên tâm tập luyện, kể cả khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Hà Nội.

Cho nên, dễ hiểu về thành công trong thời gian qua của các VĐV muay-kickboxing Hà Nội tại các giải trẻ quốc gia và gần đây nhất là những tấm HCV SEA Games 31 của Bùi Yến Ly (muay), Nguyễn Quang Huy (kickboxing). Thành quả trên thực sự bắt nguồn từ sự kiên trì tìm kiếm và ươm mầm tài năng, đầu tư công sức cùng cách làm bài bản của những người yêu muay-kickboxing.

Còn nhiều mục tiêu ở phía trước

Hiện tại, các võ sĩ kickboxing Hà Nội đang thi đấu tại Giải vô địch kickboxing trẻ quốc gia năm 2022 ở Bình Định với vị thế của ứng cử viên số 1 ngôi Nhất toàn đoàn.

Dù thế, các giải trẻ không phải là cái đích cuối của những người có trách nhiệm với bộ môn. “Đây chỉ nên xem là bước khởi đầu để thực hiện những mục tiêu xa hơn, cao hơn. Chúng tôi không muốn những lớp VĐV trẻ hiện nay bằng lòng với những tấm huy chương giải trẻ quốc gia và sau này là Giải vô địch quốc gia. Họ phải hướng đến những tấm huy chương vàng SEA Games, châu lục như lứa VĐV Bùi Yến Ly, Nguyễn Doãn Long, Nguyễn Quang Huy, Bùi Hải Linh… đạt được” - phụ trách bộ môn Dương Ngọc Hải khẳng định. Trong những VĐV kể trên, Bùi Yến Ly luôn “vô đối” tại Giải vô địch quốc gia, vừa vô địch SEA Games 31. Tương tự là trường hợp nhà vô địch môn kickboxing SEA Games 31 Nguyễn Quang Huy.

Để làm được điều đó, bộ môn vẫn âm thầm đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất của đội tại Phúc Thọ (Hà Nội). Trong đó, nhà tập, nhà ở cho VĐV của đội được mở rộng. Ngay cả diện tích đất trồng rau sạch, nuôi gà… cũng được duy trì để bảo đảm an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho VĐV. Và không thể thiếu là các chuyến tập huấn nước ngoài đang được thu xếp khẩn trương cho cả VĐV tuyến 1 cũng như tuyến trẻ.

Có lần, khi đề cập đến mô hình đào tạo của bộ môn muay-kickboxing Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng nói rằng: “Ẩn chứa trong cách làm ấy luôn là tình yêu nghề của các HLV. Điều đó giúp chúng tôi yên tâm hơn về khả năng phát triển bền vững của bộ môn”.

Trong khi đó, ông Dương Ngọc Hải cũng thực tế khi nhận định: “Còn không ít khó khăn với đội trong đó rõ nhất vẫn là việc tuyển chọn VĐV tài năng. Vì thế, khâu đào tạo càng phải bài bản, chắc chắn để giữ được VĐV và giúp các em phát huy tối đa khả năng. Từ đó, cống hiến được nhiều hơn hiện nay cho thể thao Việt Nam cũng như Thủ đô”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên thành quả nhờ đào tạo trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.