Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi đắp thương hiệu ''Hànộimới''

Mai Hoa| 23/10/2022 05:33

(HNM) - Góp phần bồi đắp và lan tỏa thương hiệu “Hànộimới”, không thể không kể đến 2 sự kiện thể thao thường niên giàu truyền thống mà Báo Hànộimới vinh dự được "gắn" tên, đồng thời giữ vai trò Thường trực Ban tổ chức: Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình, và Giải bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới.

Hai sự kiện thể thao giàu truyền thống thường niên đã góp phần bồi đắp và lan tỏa thương hiệu “Hànộimới”. Ảnh: Quang Thái

Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình: Những mốc son đáng tự hào

“Nhắc đến Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình là nhắc đến một trong các sự kiện thể thao mang ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng của Thủ đô Hà Nội, cũng là một trong những giải đấu phong trào giàu truyền thống nhất của làng điền kinh Việt Nam. Nhiều gương mặt hàng đầu của điền kinh Việt Nam trưởng thành từ giải đấu này” - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

Hưởng ứng phong trào "Sức vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Giải chạy Báo Hànộimới ra đời năm 1973 theo sáng kiến của Báo Hànộimới và Sở Thể dục, Thể thao Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao). Đến giờ, các bậc cao niên vẫn hào hứng nhắc về những cuộc chạy tập thể “đông - đều - đủ - đẹp” đầy ấn tượng trong những năm tháng ấy. Và rồi, kể từ khi Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (tháng 7-1999), các kỳ giải bắt đầu được quảng bá với tên mới "Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình”.

Bên cạnh các nội dung thi dành cho học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, người lao động - lực lượng vũ trang, Ban tổ chức bổ sung nội dung thi nâng cao dành cho vận động viên khối đội tuyển điền kinh quốc gia và đội tuyển điền kinh các tỉnh, thành, ngành, đặc biệt là có nội dung thi dành cho người nước ngoài. Từ đó, “đã thành thông lệ, cứ vào những ngày đầu tháng 10, bên hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, hàng chục nghìn người Việt Nam và bạn bè quốc tế lại háo hức cùng góp mặt tại cuộc thi chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình, cùng thực hiện nghi thức ký cờ hòa bình, gửi đi Thông điệp hòa bình, khẳng định hòa bình luôn là nền tảng vững chắc để xã hội, con người phát triển phồn vinh, thịnh vượng, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”, như chia sẻ của Phó Chủ tịch  Thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Trần Thị Phương.

Với bề dày truyền thống và ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, vừa là giải chạy phong trào hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể dục, thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”, là “nôi” ươm mầm, phát hiện tài năng cho điền kinh Việt Nam, vừa là sân chơi thu hút vận động viên đỉnh cao tranh tài cùng người nước ngoài đang học tập và làm việc trên địa bàn Thủ đô, dễ hiểu vì sao quy mô, tầm vóc, chất lượng giải liên tục được mở rộng và nâng cao qua từng kỳ giải.

Do các năm 2020 và 2021 giải đấu không được tổ chức vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mùa giải 2022 đánh dấu mốc Giải chạy tròn 47 năm tuổi, tiếp tục là sự kiện thể thao mang ý nghĩa chính trị - xã hội lớn của thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), 65 năm Ngày Báo Hànộimới hằng ngày ra số đầu (24/10/1957 - 24/10/2022). Lễ phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình lần thứ 47 - năm 2022 được tổ chức ngày 11-4 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Cuộc thi chung kết được tổ chức vào ngày 2-10, được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp. 

Hai sự kiện thể thao giàu truyền thống thường niên đã góp phần bồi đắp và lan tỏa thương hiệu “Hànộimới”. Ảnh: Quang Thái

Điểm hẹn hạnh phúc của những người đam mê bóng bàn

Gọi là “điểm hẹn hạnh phúc” cũng không ngoa, bởi với những người đam mê bóng bàn, được chơi bóng, xem thi đấu bóng bàn tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) - nơi từng diễn ra những trận đấu “huyền thoại” của môn bóng bàn luôn mang lại cảm xúc đặc biệt. Việc Giải bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới được tổ chức tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức đã tạo điều kiện cho những người tham gia có cơ hội giao lưu, cọ xát đầy niềm vui.

Đánh giá chung về giải đấu, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự khen ngợi Ban tổ chức giải, khi không phải sử dụng ngân sách nhà nước, mọi công tác tổ chức đều huy động nguồn lực xã hội hóa nhưng giải đấu đã tạo được tiếng vang và sức lan tỏa rộng lớn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của phong trào chơi bóng bàn ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung”.

Ra đời vào năm 2012 với sự phối hợp tổ chức giữa Báo Hànộimới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội, đến nay, giải đã chứng tỏ là sân chơi uy tín, một trong những điển hình về xã hội hóa thể thao của cả nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Sau một năm "lỗi hẹn" do dịch Covid-19, kỳ giải năm 2022 diễn ra từ ngày 3 đến 6-11, tiếp tục được tổ chức tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức.

Trưởng bộ môn Bóng bàn, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội Nguyễn Nam Hải cho biết: “Số lượng vận động viên dự giải tăng theo từng năm, phần nào cho thấy việc tổ chức giải này đáp ứng được nguyện vọng của các vận động viên và những người hâm mộ bộ môn này. Số lượng khán giả đến sân, số lượng khán giả theo dõi qua truyền hình trực tiếp, truyền hình trực tuyến cũng tăng theo từng năm. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu thông qua giải đấu”.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, để nâng tầm thương hiệu của giải đấu, cần tăng tính cạnh tranh hơn nữa để thu hút ngày càng đông đảo khán giả. Thứ nhất, do giải có rất nhiều vận động viên tham dự, bao gồm cả vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư, lịch thi đấu dày đặc, khán giả, người hâm mộ khó theo dõi các trận bóng hay, hấp dẫn, có tính cạnh tranh huy chương cao. Để khắc phục việc này, cần thay đổi đôi chút về luật thi đấu, như: Các trận vòng loại chỉ thi đấu 3 ván thắng 2 thay vì 5 ván thắng 3, tới vòng tranh chấp huy chương thì sẽ thi đấu theo thể thức 5 ván thắng 3 như cũ. Việc này sẽ rút ngắn thời gian thi đấu và bảo đảm thời gian thi đấu đúng theo lịch trình. Thứ hai, cần công bố, quảng cáo rộng rãi, cập nhật liên tục các nội dung có các trận thi đấu tranh chấp huy chương để khán giả nắm được thông tin. Thông thường, các trận đấu này rất hay và gay cấn, nên rất dễ thu hút được sự quan tâm theo dõi của người hâm mộ. Thứ ba, để tăng cường tương tác với khán giả tại Nhà thi đấu, Ban tổ chức có thể phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức các buổi bốc thăm trúng thưởng trong thời gian nghỉ giữa các trận đấu; phần thưởng là sản phẩm do nhà tài trợ cung cấp...

Khẳng định cả 2 sự kiện thể thao nói trên thực sự đã góp phần bồi đắp thương hiệu “Hànộimới” ngày càng vang xa, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Tổ chức sự kiện Báo Hànộimới Đặng Ngọc Hải khẳng định: “Các thành viên trong Ban tổ chức nguyện nỗ lực hết sức mình để tổ chức các giải đấu này ngày một tốt hơn, cố gắng đổi mới để tạo sân chơi thể thao công bằng, ý nghĩa cho mọi người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp thương hiệu ''Hànộimới''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.