Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao Thủ đô

Ngân Hà| 06/11/2022 07:42

(HNM) - Trong những năm qua, Hà Nội luôn duy trì ổn định vị trí dẫn đầu về phát triển phong trào thể dục, thể thao của cả nước, đặc biệt là phong trào thể thao quần chúng. Thành công của Đại hội Thể dục, thể thao Thủ đô lần thứ X năm 2022 vừa qua là minh chứng rõ nét về nền móng vững chắc, thúc đẩy sự phát triển của thể dục, thể thao Thủ đô trong tương lai.

Một trận thi đấu cầu lông tại Đại hội Thể dục, thể thao xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) lần thứ X năm 2022.

Sôi nổi ở khắp các cơ sở

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, 100% xã, phường, thị trấn và các đơn vị, ngành, đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang từ cơ sở đến thành phố trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao cấp cơ sở, thu hút hơn 800.000 người tham gia. Có hàng ngàn giải thể thao và các nội dung thi đấu, so tài tại các cơ sở trên địa bàn thành phố trong suốt gần một năm qua được tổ chức trang trọng, bài bản, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Nga, tại Đại hội Thể dục, thể thao cấp cơ sở, quận đã tổ chức thành công 25 môn thi đấu dành cho học sinh, thanh, thiếu niên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, người cao tuổi và quần chúng nhân dân, thu hút hàng nghìn người tham gia. Còn theo Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thuyên, tại Đại hội thể dục, thể thao cấp cơ sở, huyện Mỹ Đức đã tổ chức 12 môn thi: Bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông, kéo co, cờ tướng, võ thuật, giải chạy... với gần 3.000 vận động viên tham gia. Các vận động viên tham gia thi đấu nhiệt tình, đạt hiệu quả và thành tích trong thi đấu được nâng lên rõ rệt so với các kỳ đại hội trước.

Phó Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Giang Diệu Thúy cho biết, do có sự chủ động về kế hoạch triển khai, nên dù phải lùi thời gian tổ chức vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, song nhiều đơn vị đã tổ chức đại hội thể dục, thể thao quận, huyện, thị xã đạt chất lượng cả về chuyên môn, cũng như số môn thi đấu nhiều và quy mô tổ chức lớn, qua đó đã thành lập được các đội tuyển tham gia thi đấu cấp thành phố đạt kết quả cao. Đơn cử như các quận, huyện: Thanh Trì, Tây Hồ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Thạch Thất… đều tổ chức thi đấu từ 12 đến 18 môn cho các nhóm đối tượng.

Tham dự Đại hội Thể dục, thể thao Thủ đô lần thứ X năm 2022, có gần 7.000 vận động viên đến từ 30 quận, huyện, thị xã và các ngành, đoàn thể thành phố tham gia tranh tài ở 25 môn thi đấu. Trong đó, có 12 môn dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng vào dịp hè; 12 môn thanh niên, giải thể thao dành cho công nhân, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, người cao tuổi và Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 47 - Vì hòa bình năm 2022. “Qua đại hội, nhiều vận động viên trẻ, ưu tú, xuất sắc được phát hiện, tuyển chọn, bổ sung cho các đội tuyển của Hà Nội để tham gia tập huấn lâu dài”, bà Giang Diệu Thúy cho hay.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Giang Diệu Thúy, bên cạnh một số đơn vị tổ chức tốt, vẫn còn một số địa phương thiếu cơ sở vật chất thi đấu và kinh phí…, dẫn tới không chủ động được nguồn và lực để tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao cấp cơ sở hiệu quả, phải lồng ghép giữa các cơ sở xã, phường, thị trấn, thiếu sự lan tỏa không khí của đại hội tới quần chúng nhân dân.

Còn theo Trưởng phòng Quản lý Thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến, để nâng tầm các giải thể thao quần chúng, các đơn vị cần quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn công tác tổ chức để giải đấu được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn. Một trong những giải pháp tích cực đó là xã hội hóa các giải đấu. Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình từ nhiều năm nay vẫn được xem là ví dụ điển hình trong việc xã hội hóa thể thao tại Hà Nội. Ở đó có sự phối hợp tổ chức giữa cơ quan quản lý về thể dục, thể thao với đơn vị khác như Báo Hànộimới, trong việc tạo ra sân chơi lành mạnh, hấp dẫn cho những người yêu thể thao.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Dũng cho hay, huyện sẽ tích cực tìm nguồn xã hội hóa, xây dựng thêm các thiết chế thể thao, tổ chức nhiều môn thi đấu mới, phù hợp với đông đảo quần chúng để thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn huyện.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, dưới góc độ quản lý, Sở đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư các cơ sở thi đấu, tìm kiếm nguồn xã hội hóa, tổ chức thêm các môn thể thao, tạo nhiều sân chơi hữu ích, nâng cao chất lượng phong trào thể dục, thể thao. Qua đó, phát hiện các tài năng để bổ sung cho các đội tuyển của Hà Nội, tham gia cống hiến cho thể thao thành tích cao của Thủ đô cũng như cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.