Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán chuyên gia ngoại với đội tuyển vật

Minh An| 05/02/2023 06:16

(HNMCT) - Đội tuyển vật Việt Nam bước vào năm 2023 mà không có chuyên gia ngoại đồng hành như nhiều năm trước. Về lâu dài, bài toán chuyên gia ngoại cần được giải để duy trì thành tích ổn định của vật Việt Nam tại các giải đấu quốc tế quan trọng.

Vẫn cần chuyên gia ngoại để nâng tầm cho các đô vật nữ Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh

Chuyển mình cùng chuyên gia ngoại

Hơn 20 năm trước, Sở Thể dục Thể thao (TDTT) Hà Nội đã có bước đi đột phá trong công tác huấn luyện khi thuê một số chuyên gia đến từ các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) cho các đội tuyển các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic. Trong số này có đội vật Hà Nội. Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh nhận xét rằng, sự xuất hiện của các chuyên gia đã thay đổi hoàn toàn phong cách tập luyện, thi đấu của các đô vật Hà Nội, giúp các đội tuyển vật Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ. Khi ấy, phong cách và những bài tập hiện đại, phù hợp với thể trạng người Việt Nam của các chuyên gia ngoại đã góp phần giúp đội vật Hà Nội phát triển ổn định để rồi liên tục duy trì ngôi số 1 làng vật Việt Nam.

Sau này, khi đội tuyển vật quốc gia cần đến sự đổi mới trong cung cách tập luyện, huấn luyện thì các chuyên gia ngoại từng gắn bó với đội vật Hà Nội như Mindiashvili So So (nội dung vật cổ điển), Chkhartishvini Fridon (vật tự do, mới mất hồi tháng 3-2022 trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31) được mời. Khoảng thời gian ấy chứng kiến nhiều thành công của các đô vật Việt Nam, trong đó có việc giành ngôi số 1 Đông Nam Á, giành hàng loạt huy chương tại giải vô địch châu Á, ASIAD, giải trẻ thế giới và đáng kể là 3 tấm vé trực tiếp tham dự Olympic năm 2012, 2016 của các đô vật nữ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đới Đăng Hỷ, từng là VĐV, HLV đội tuyển vật Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia ghi nhận: “Các chuyên gia ngoại như Fridon, So So... đã mang đến làn gió mới cho các đội tuyển vật, giúp nâng tầm nhiều VĐV”.

Thế nhưng, quãng thời gian dài gắn bó với đội tuyển của các chuyên gia nói trên cũng khiến sự mới mẻ dần mất đi, hiệu quả huấn luyện “nhạt” dần. Trong khi đó, đội tuyển luôn cần sự tươi mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng tầm, trong đó luôn bảo đảm có VĐV tham dự Olympic.

Cuối tháng 12-2022, chuyên gia người Georgia Mindiashvili So So đã rời Việt Nam sau khoảng hơn 20 năm gắn bó với vật Việt Nam. Tổng cục TDTT lại bắt tay vào hành trình tìm chuyên gia ngoại mới cho đội tuyển vật Việt Nam, đặc biệt là cho đội vật tự do nữ.

Việc không thể thiếu

Từ nhiều năm qua, các nhà quản lý môn vật thống nhất quan điểm rằng, các đô vật Việt Nam, đặc biệt là nữ, cần vững vàng tiến ra sân chơi châu á, thế giới thay vì chỉ lo giữ ngôi vô địch ở Đông Nam á. Để hoàn thành mục tiêu đó, rất cần có chuyên gia ngoại, những người có thể giúp nâng tầm các đô vật Việt Nam. Từ cuối năm ngoái, Tổng cục TDTT đã tính tới phương án thuê chuyên gia ngoại cho đội vật tự do nữ. Trong đó, như ông Tạ Đình Đức, phụ trách môn vật (Tổng cục TDTT) khẳng định là sẽ không vội vã thuê chuyên gia ngoại mà phải có bước đi chắc chắn, bảo đảm chuyên gia sẽ giúp đội vật tự do, đặc biệt là vật tự do nữ hoàn thành các mục tiêu. Thế nên trong những ngày qua, đội tuyển vật quốc gia mới không có chuyên gia ngoại.

Vấn đề hiện tại là thuê chuyên gia cho đội vật phải phù hợp với tình hình tài chính của Tổng cục TDTT cũng như bảo đảm phát huy được hết tố chất của các đô vật Việt Nam. Về câu chuyện kinh phí, những người có trách nhiệm hy vọng có thể giải quyết được nhờ mối quan hệ tốt với Liên đoàn vật thế giới để từ đó có sự hỗ trợ nhất định cho vật Việt Nam. Cùng với đó là phương án huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để góp thêm cho việc thuê được chuyên gia giỏi.

Tuy nhiên, cũng không thể coi nhẹ vấn đề xây dựng lực lượng vận động viên, như thường nói là “có bột” thì các chuyên gia ngoại mới có thể “gột nên hồ”. Vấn đề đang khiến giới chuyên môn lo ngại là lực lượng có thể đua tranh tấm huy chương châu lục hay giành vé trực tiếp dự Olympic của vật nữ Việt Nam hiện không dồi dào. Đó cũng sẽ là khó khăn cho bất cứ chuyên gia ngoại nào sẽ đồng hành cùng đội vật tự do, trong đó có các đô vật nữ, trong thời gian tới.

Phương án thuê chuyên gia từ các nước thuộc Liên Xô cũ cũng đã được tính đến. Cùng với đó, phương án thuê chuyên gia Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản (vốn có nhiều đô vật nữ hạng nhẹ hàng đầu thế giới và phù hợp với mục tiêu đầu tư cho các hạng cân nhẹ của vật tự do nữ Việt Nam) cũng được mang ra bàn bạc. Trong đó, phương án thuê chuyên gia Nhật Bản đang được xem là ưu tiên.

Rõ ràng, với đội vật Việt Nam, tìm đúng chuyên gia ngoại để thực hiện trọn vẹn mục tiêu nâng tầm để môn vật có thành tích ổn định ở sân chơi châu lục và luôn giành vé trực tiếp dự Olympic là bài toán cần sớm có lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán chuyên gia ngoại với đội tuyển vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.