Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những pha tử nạn vì môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới

Theo Zing| 03/09/2016 17:03

Để thỏa mãn ước mơ chinh phục bầu trời, không ít người liều mình “giỡn” với tử thần. Từ năm 1981, hàng trăm trường hợp tử vong do tham gia môn thể thao mạo hiểm Wingsuit flying.


Wingsuit flying là môn thể thao mạo hiểm sinh tử được phát minh vào cuối những năm 1990. Người chơi khoác lên mình bộ trang phục thiết kế từ chất liệu siêu nhẹ và nhảy xuống từ các vị trí cao như đỉnh tháp, nhà chọc trời, đỉnh núi…, sau đó uốn lượn trong không trung, rồi tiếp đất bằng dù.

Wingsuit flying được đánh giá là đỉnh cao của các môn thể thao mạo hiểm, đòi hỏi người tham gia phải có thể lực tốt và thần kinh thép. Theo danh sách thống kê của Base-jumping Blinc, kể từ năm 1981, 299 vụ tử vong có nguyên nhân từ hoạt động giải trí này.

Người đam mê mạo hiểm chết vì mạo hiểm

Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 5 vụ thiệt mạng của người chơi Wingsuit flying được ghi nhận trong năm 2016.

Hôm 26/8 vừa qua, VĐV thể thao mạo hiểm người Italy - Armin Schmieder - tử nạn do nhảy Wingsuit flying từ dãy núi Dolomite (thuộc một phần của vùng núi Alps Thụy Sĩ), ở độ cao khoảng 3.000 - 3.342 m, theo Independent.

Đặc biệt, trước khi gặp nạn, chàng trai 28 tuổi còn sử dụng tính năng live stream (phát trực tiếp) trên Facebook để ghi lại trải nghiệm của mình. Chính về thế, tiếng hét thất thanh trong những phút cuối đời của Armin khiến nhiều người không khỏi ám ảnh và đau xót.

Cảnh sát phát hiện thi thể của Armin gần làng Kandersteg, Thụy Sĩ và đang tiến hành điều tra. Một người bạn của nạn nhân chia sẻ, Armin là tay nhảy Wingsuit có kinh nghiệm. Mỗi năm, anh thường bay một lần.


Chàng trai xấu số Armin Schmieder tử vong do nhảy wingsuit flying từ độ cao hơn 3.000 m hôm 26/8. Ảnh: Ilgazzettino.


Trước đó, ngày 21/8, vụ tai nạn tương tự xảy ra tại khu vực miền núi Couloir de l’Ensa, Pháp khiến Alexander Polli (31 tuổi) - một dân Wingsuit flying có tiếng trên thế giới – tử vong. Theo báo cáo của cảnh sát, Alexander đã nhảy mạo hiểm từ độ cao 1.500 m và đâm vào một cái cây. Chấn thương nghiêm trọng khiến anh qua đời.

Chàng trai người Italy - Uli Emanuele nổi tiếng vào năm 2015 nhờ màn “bay” xuyên qua khe núi chỉ rộng 2 m sau khi thả mình từ đỉnh núi Lauterbrunnen, Thụy Sĩ. Lần tái xuất hôm 18/8 vừa qua để thực hiện màn nhảy Wingsuit flying cũng trên đỉnh núi này của Emanuele không được may mắn như vậy. Anh mãi ra đi ở tuổi 29.

Hàng loạt vụ thiệt mạng đầy thương tâm cũng xảy đến với những tay “lão làng” của môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới.

Ngày 3/7/2015, Jhonathan Florez (32 tuổi) – nhà vô địch Wingsuit thế giới 2013 - qua đời sau khi nhảy từ núi Titlis, Thụy Sĩ cao 3.238 m. Tai nạn của “Birdman” (Người chim) khiến cho người hâm mộ khắp thế giới bàng hoàng và tiếc thương.

Ngay cả "huyền thoại mạo hiểm" người Mỹ - Dean Potter (42 tuổi) – cũng không tránh khỏi lưỡi hái tử thần khi thực hiện cú nhảy Wingsuit từ độ cao khoảng 2.286 m tại khu vực vách đá Taft Point thuộc công viên quốc gia Yosemite (Mỹ) hôm 16/5/2015.

Người bạn đồng hành cùng Potter là Graham Hunt, 29 tuổi, cũng thiệt mạng. Còn chú chó Whisper luôn đồng hành cùng “huyền thoại mạo hiểm” trong những chuyến “bay” thì mất tích.

Theo CNN, năm 2008, Dean Potter đã chinh phục đỉnh núi Eiger cao gần 4.000 m ở Thụy Sĩ chỉ với đôi tay trần trước khi thực hiện màn nhảy dù cũng từ độ cao đó.

Năm 2012, ông đã thực hiện một màn đi dây thăng bằng ngoạn mục ở hẻm núi Enshi thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong thời gian chỉ hơn 2 phút.

VĐV thể thao mạo hiểm người Mỹ Dean Potter luôn mang theo chú chó Whisper trong mỗi chuyến hành trình khi còn sống. Ảnh: LAtimes.



Giải mã môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới

Ra đời vào cuối những năm 1990, môn thể thao Wingsuit Flying (bay bằng bộ đồ wingsuit) biến giấc mơ được bay trên đôi cánh của con người thành hiện thực. Tuy nhiên, chơi môn thể thao này đồng nghĩa việc người tham gia luôn phải đối mặt tử thần.

Ca thử nghiệm “bay” bằng wingsuit đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào 4/2/1912 bởi một thợ may 33 tuổi người Pháp, tên Franz Reichelt. Người này quyết định nhảy từ đỉnh tháp Eiffel trong bộ đồ kết hợp giữa dù và cánh do chính mình thiết kế, tương tự bộ wingsuit hiện đại. Không may, thử nghiệm thất bại, chàng thợ may rơi xuống đất tử vong, theo Gallica.

Bộ cánh "bay" đầu tiên được sử dụng vào năm 1930 bởi chàng trai người Mỹ tên là Rex Finney (19 tuổi), theo Flying Magazine. Còn Patrick de Gayardon - người Pháp - là người đặt nền móng cho thiết kế wingsuit hiện đại vào giữa những năm 1990. Khác với bộ wingsuit làm bằng chất liệu siêu nhẹ như bây giờ, những bộ cánh đầu tiên được làm bằng vải, gỗ, lụa, thép,...

Địa điểm để cho các vận động viên ''cụ thể hóa'' giấc mơ bay là vách núi dựng đứng, tòa nhà cao chọc trời… có độ cao hàng nghìn mét. Vùng núi Alpes Thụy Sĩ với những dãy núi cao hơn 3.000 m, là nơi thu hút nhiều người tới trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới. Tất nhiên, đây cũng là nơi có nhiều động viên phải bỏ mạng nhất.


Chàng thợ may 33 tuổi người Pháp - Franz Reichelt - không may thiệt mạng do thử nghiệm "bộ đồ bay" do chinh mình thiết kế. Ảnh: Tour Eiffel.


Có thể khẳng định, những người chơi môn thể thao này, phải có thể lực cực tốt và điều quan trọng hơn là họ cần có ''thần kinh thép”. Bởi khi rơi với vận tốc trung bình lên tới 100 km/h, nếu để xảy ra dù chỉ sơ xuất nhỏ, thì tính mạng của họ sẽ khó được đảm bảo.

Wingpack (bộ đồ bay làm bằng sợi carbon, theo Daily Mail), wingsuit BASE, Jet-powered wingsuits (bộ đồ bay trang bị cánh phản lực, theo Dropzone) là biến thể của Wingsuit flying. Có chút biến đổi trong khâu thiết kế, song cảm giác mạo hiểm vẫn không hề giảm đi.

Nguy hiểm, thách thức, cả những cái chết trông thấy..., song tất cả những điều trên không thể ngăn được tình yêu, giấc mơ được chinh phục không trung của những VĐV dám đánh đổi mạng sống để chinh phục thử thách cực đại.

Một số kỷ lục của Wingsuit flying tính đến thời điểm hiện tại:

- Bay với tốc độ nhanh nhất: 363 km/h, do VĐV thể thao mạo hiểm người Nhật Shin Ito thiết lập vào ngày 28/5/2011, theo Guinness World Records.

- Thời gian lâu nhất và độ cao điểm xuất phát kỷ lục: Lần lượt là 9 phút 6 giây và 11.358 m do Jhonathan Florez (người Columbia) thiết lập vào 20 - 21/4/2012 tại La Guajira, Columbia.

- Hạ cánh không cần mở dù: Kỷ lục đặc biệt này do diễn viên đóng thế người Anh Gary Connery thiết lập ngày 23/2/2012.

Theo Telegraph, Connery an toàn hạ cánh sau cú nhảy wingsuit từ máy bay trực thăng ở độ cao hơn 730 m trên “đường băng” gồm 18.600 hộp các tông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những pha tử nạn vì môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.