Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những giải pháp phù hợp

Mai Hoa| 29/08/2018 06:45

(HNM) - Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, vừa hoàn thành khảo sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên cũng như chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên của TP Hà Nội

Hà Nội góp lực lượng đông đảo nhất tại các kỳ đại hội thể thao lớn mà Việt Nam tham dự. Ảnh: Minh Thu


- Ông có thể chia sẻ đôi điều về đợt khảo sát vừa qua?

- Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, đã tổ chức khảo sát và làm việc với nhiều đơn vị, bao gồm Nhà thi đấu huyện Hoài Đức, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Cung Thể thao Quần Ngựa, Trường Năng khiếu thể dục thể thao Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo thể dục thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội). Qua quá trình khảo sát, có thể thấy rõ hiệu quả thực sự khi những chính sách đúng đắn, giá trị được áp dụng vào thực tiễn, làm nên sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc, có chiều sâu của thể thao Thủ đô, góp phần tạo ra những thành tích toàn diện về cả thể thao phong trào và thể thao đỉnh cao của Hà Nội suốt những năm qua.

- Trong bảng vàng thành tích của thể thao Thủ đô, đâu là những điểm nhấn khiến ông thực sự ấn tượng?

- Ở đấu trường quốc nội, trong các kỳ đại hội thể dục thể thao toàn quốc từ lần thứ IV đến lần thứ VII (tổ chức 4 năm/lần), Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu, bỏ xa các đơn vị đứng sau về số huy chương đạt được. Trên đấu trường quốc tế, trong các kỳ đại hội Olympic, ASIAD, SEA Games, Hà Nội luôn đóng góp khoảng 30% số vận động viên tham gia và giành trên 30% tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam.

- Qua thực tế khảo sát, ông nghĩ gì về khả năng duy trì đà phát triển của thể thao Thủ đô trong thời gian tới?

- Thời gian qua, Hà Nội đã có cách đi đúng, đầu tư bài bản, dài hơi và đã đạt được những thành quả rất rõ ràng. Nhưng cũng còn rất nhiều điều khiến chúng tôi băn khoăn như: Các thiết chế thể dục thể thao quận, huyện, thị xã đã được đầu tư nhưng chưa khai thác hiệu quả. Vẫn tồn tại tình trạng một số quỹ đất ban đầu được quy hoạch cho thể thao, sau lại được điều chỉnh sang mục đích sử dụng khác. Công tác quản lý nhà nước về thể thao thành tích cao tuy đã có nhiều chuyển biến, song cơ chế hoạt động, tư duy quản lý còn bị động, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của thành phố, chưa bắt kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay…

- Quả là còn rất nhiều vấn đề khiến chúng ta phải trăn trở…?


- Có những vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, ví như định mức chi ngân sách nhà nước cho hoạt động thể dục thể thao chỉ ở mức 6.000 đồng/người dân/năm - còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, mức chi tiền dinh dưỡng hiện tại không còn phù hợp.

- Đó là chưa kể vấn đề “đầu ra” cho vận động viên đỉnh cao sau khi giải nghệ, thưa ông?

- Đúng vậy. Qua khảo sát, chúng tôi sẽ đề nghị UBND thành phố phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đầu ra đối với các vận động viên hết tuổi thi đấu, bao gồm: Tạo điều kiện học nghề, giải quyết việc làm, được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở thể thao của thành phố; tuyển dụng đặc cách các vận động viên đã có huy chương tại các đấu trường quốc tế (SEA Games, ASIAD, vô địch châu Á, vô địch thế giới…) sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm làm giáo viên thể dục tại các trường học của thành phố… Đặc biệt, cần quan tâm, xem xét chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đặc thù cho các vận động viên bị chấn thương, mất khả năng lao động trong tập luyện và thi đấu thể thao; có chế độ cho trọng tài của Hà Nội.

- Nói thêm về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vận động viên và tổ chức thi đấu, ông nghĩ gì về tình trạng xuống cấp của một số công trình sau hàng chục năm khai thác mà không được nâng cấp, tu bổ?

- Quá trình khảo sát cho thấy một số hạng mục công trình nhà ở phục vụ sinh hoạt cho vận động viên đã xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu còn thiếu sự đồng bộ, chưa bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đề nghị UBND thành phố quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập hiện đại, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thể dục thể thao, đáp ứng yêu cầu các giải thi đấu của quốc gia, khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh Hà Nội chuẩn bị đăng cai SEA Games năm 2021.

- Để duy trì vị thế dẫn đầu của thể thao Thủ đô, đặc biệt ở SEA Games 31 tới đây, chúng ta cần có những chính sách kịp thời nào dành cho công tác huấn luyện và đào tạo?


- Chúng tôi đề nghị UBND thành phố xem xét cấp bổ sung nguồn kinh phí sự nghiệp, điều chỉnh tăng mức chi đối với chế độ tập huấn, tham dự giải, làm nhiệm vụ tại nước ngoài và thuê chuyên gia giỏi nước ngoài huấn luyện các đội tuyển thể thao Hà Nội cho phù hợp thực tế. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, trên cơ sở các văn bản pháp lý của Nhà nước và tình hình thực tế của thành phố, cần tiến hành xây dựng và tham mưu với thành phố ban hành các văn bản về chế độ dinh dưỡng, chế độ đặc thù đối với đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao, nhằm kịp thời động viên, khuyến khích các vận động viên Hà Nội tập luyện và thi đấu giành thành tích cao nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những giải pháp phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.