Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình tạo nền đào tạo golf thủ trẻ

Mai Hoa| 14/04/2019 07:40

(HNM) - Tháng 3-2013, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội ra mắt hệ thống Giải Golf trẻ “Hanoi Junior Golf Tour”.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện cùng Phụ trách bộ môn Bowling-Golf, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Nguyễn Huy Tiến, Trưởng ban Tổ chức về hành trình đào tạo các golf trẻ đầy vất vả nhưng hiệu quả này.

Niềm vui của các golf thủ nhí tham dự Giải Hà Nội Junior Tour tháng 4-2019. Ảnh: Minh Thu


- Đến thời điểm này, ông có thể nói gì về hành trình vận hành hệ thống Giải Golf trẻ “Hanoi Junior Golf Tour”?

- Hệ thống giải đấu này đã được duy trì liên tục hơn 6 mùa giải qua, mỗi mùa giải có từ 5 đến 7 giải đấu, tạo cơ hội để các golf thủ từ U8 đến U18 được thi đấu đều đặn, rèn tập. Có thể nói, thành quả lớn nhất mà hệ thống giải đấu mang lại chính là tạo bước đệm cho đà phát triển golf trẻ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó, nhiều golf thủ trẻ tiềm năng đã được phát hiện, đào tạo trở thành những gương mặt xuất sắc của làng golf Việt Nam hiện nay. Qua hơn 6 năm, hàng trăm vận động viên trẻ của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã rèn tập môn golf, nâng cao chất lượng và trình độ các golf thủ một cách bài bản, hiệu quả. Gần nhất, ở giải thi đấu đối kháng quốc gia năm 2018, cả 4 golf thủ vào đến bán kết đều dưới 15 tuổi.

- Trong bối cảnh golf được xếp vào diện môn thể thao xã hội hóa, nguồn kinh phí từ ngân sách hạn hẹp thì Ban Tổ chức đã làm gì để tạo được thành quả đó?


- Không có cách nào khác ngoài việc chủ động huy động nguồn lực từ xã hội. Sự vào cuộc của những người giỏi luật, giỏi chuyên môn trong việc xây dựng Điều lệ hoạt động của hệ thống giải đấu, hoạch định chiến lược đào tạo, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhà đầu tư (gồm các doanh nghiệp, chủ đầu tư các sân golf...) đã mang lại hiệu quả. Để hệ thống giải này “sống” được trong suốt thời gian qua, không thể không kể đến sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ. Gần nhất, liên tiếp hai mùa giải 2018 và 2019, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của Công ty cổ phần Đầu tư Du thuyền & sân Golf FLC Biscom (FLC Biscom). Các golf thủ nhí và gia đình được hỗ trợ, tạo điều kiện rất nhiều khi đến với giải đấu. Nhờ vậy, chúng ta liên tục có cơ hội tìm kiếm, phát triển những tài năng trẻ cho phong trào golf Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

- Giải đấu đầu tiên trong chuỗi 7 giải đấu của mùa giải 2019 đã được tổ chức cuối tuần qua tại sân FLC Ha Long Golf Club (Quảng Ninh) với sự góp mặt của 24 golf thủ nhí trên toàn quốc. Con số golf thủ dự giải dường như quá khiêm tốn, ông nghĩ thế nào về nhận định này?

- Chúng tôi không cần số lượng golf thủ tham dự quá đại trà nhưng thiếu chất lượng. Thực tế cho thấy, hầu hết các gương mặt hàng đầu của golf trẻ Việt Nam ở thời điểm này đều góp mặt tại giải và đó thực sự là điều đáng tự hào. Các golf thủ thi đấu theo thể thức tính gậy. Đáng lưu ý, từ nay đến tháng 12-2019, hệ thống tính điểm sẽ được áp dụng nhằm theo dõi quá trình phát triển của mỗi golf thủ nhí xuyên suốt mùa giải. Mỗi giải đấu, 5 em đứng đầu bảng (nam, nữ riêng) sẽ được cộng điểm lần lượt theo thứ hạng: Nhất 10 điểm, nhì 8 điểm, ba 6 điểm, tư 4 điểm, năm 2 điểm. Ngoài việc có được điểm thưởng qua mỗi giải đấu, các em có thể được thưởng thêm hoặc phạt điểm tùy theo tinh thần và thái độ thi đấu. Mỗi giải đấu, giải thưởng không chỉ gồm Huy chương vàng, bạc, đồng mà còn có nhiều quà tặng. Điều đặc biệt, cuối mùa giải, Ban Tổ chức sẽ dựa theo bảng tổng sắp điểm để xem xét tuyển các golf thủ giỏi vào đội tuyển golf trẻ Hà Nội. Đây sẽ là động lực khích lệ tinh thần thi đấu fairplay của tất cả các em tham dự.

- Qua thực tế vận hành hệ thống giải, ông nghĩ khó khăn lớn nhất những nhà tổ chức phải vượt qua là gì?

- Cái khó đầu tiên bao giờ cũng là chuyện tìm kiếm nhà tài trợ sân bãi, giải thưởng, kinh phí tổ chức thi đấu. Nhưng đó không phải là cái khó nhất. Với những người làm nghề như chúng tôi, muốn có sự phát triển tài năng một cách có nền tảng, các golf thủ phải được thường xuyên rèn luyện, thi đấu và có định hướng theo đuổi con đường golf thủ chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh chỉ cho con em thi đấu theo dạng nghiệp dư, vì vậy, nhiều khi chúng ta để tuột nhiều tài năng rất đáng tiếc. Tôi nghĩ trong tương lai gần, Việt Nam rất cần có học viện đào tạo golf, với chu trình tập luyện, ăn, ở, sinh hoạt, đào tạo, học văn hóa khép kín. Được thế, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều hơn những golfer chuyên nghiệp, đủ sức chinh phục các đấu trường khu vực và quốc tế trong quá trình hội nhập.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình tạo nền đào tạo golf thủ trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.