Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Đề án đăng cai SEA Games 31-2021: Đề cao tính hiệu quả và thiết thực

Mai Hoa| 10/08/2019 08:47

(HNM) - Dự thảo Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31-2021 (SEA Games 31-2021) đã được nỗ lực hoàn thiện, lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan hữu quan. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh khẳng định, Đề án đặc biệt đề cao tính hiệu quả và thiết thực nhằm đạt được những kết quả tốt nhất cho kỳ đại hội thể thao này.

Nhà thi đấu Hoàng Mai (Hà Nội) từng là địa điểm thi đấu ở SEA Games 22-2003 và Đại hội Thể thao châu Á trong nhà năm 2009. Ảnh: Minh Hoàng

- Là người nằm trong nhóm trực tiếp xây dựng Đề án, ông có thể chia sẻ đôi điều về quy mô và chương trình thi đấu dự kiến của SEA Games 31?

- Thông qua quá trình xây dựng Đề án và lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, chúng tôi dự kiến SEA Games 31 sẽ diễn ra từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2021 với sự tham gia của hơn 10.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của 11 đoàn thể thao thuộc 11 quốc gia Đông Nam Á.

Về chương trình thi đấu, dự kiến SEA Games 31 sẽ tổ chức từ 36 đến 40 môn, gồm 2 môn bắt buộc thuộc nhóm 1 là điền kinh và thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu), 23 môn thể thao trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD thuộc nhóm 2.

Còn lại là các môn thể thao nhóm 3, trong đó có những môn đã có trong chương trình thi đấu của các kỳ ASIAD, SEA Games và một số môn thể thao truyền thống của dân tộc ta đã được "quốc tế hóa" như đá cầu, vovinam...

- Các địa điểm tổ chức thi đấu sẽ được bố trí như thế nào, thưa ông?

- Theo dự thảo đề án đã được xây dựng, chúng tôi dự kiến Hà Nội sẽ là địa phương đăng cai chính, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và chương trình thi đấu của 25 môn thể thao. Các môn còn lại dự kiến sẽ diễn ra tại 10 địa phương khác, nhằm giảm tải cho Hà Nội về chuyện sắp xếp việc ăn, ở, giao thông... cho các đoàn trong thời gian diễn ra đại hội.

Xin lưu ý, các địa phương này có nhiều thuận tiện trong việc kết nối giao thông với Hà Nội, đều từng đăng cai một số môn thuộc SEA Games 22-2003, hoặc có nhiều kinh nghiệm tổ chức các giải thể thao quốc tế, có nền tảng cơ sở vật chất tốt, có cam kết nâng cấp công trình, bảo đảm điều kiện phục vụ các môn.

- Vậy chúng ta sẽ chuẩn bị như thế nào về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị... để công tác tổ chức thi đấu đạt yêu cầu của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á?

- Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hà Nội và các địa phương đều quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao. Vì vậy, kỳ đăng cai SEA Games 31, trên tinh thần đề cao tính hiệu quả và thiết thực, chúng ta sẽ tận dụng tối đa công trình thể thao hiện có, tiến hành sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu tổ chức đại hội.

Hiện nay, chúng ta chỉ thiếu 1 công trình - đó là cụm sân quần vợt ở khu vực phía Bắc đủ điều kiện tổ chức SEA Games. Việc kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để xây dựng cụm sân này sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Gần đây, Tổng cục Thể dục thể thao đã phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội và UBND các địa phương có liên quan, cũng như các liên đoàn thể thao quốc gia, tiến hành rà soát, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại các địa điểm dự kiến đăng cai các môn thi đấu.

Hà Nội và các địa phương đều thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ với trung ương để chuẩn bị tốt nhất cho công tác tổ chức SEA Games 31 trên nguyên tắc: Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp một số công trình như: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước và trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Còn lại, các công trình thuộc các địa phương quản lý sẽ do các địa phương chủ động kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Về trang thiết bị tổ chức các môn đấu của SEA Games 31, chúng ta dự kiến sẽ mua mới để phục vụ tốt nhất công tác chuyên môn.

- Ông có thể chia sẻ những giải pháp nhằm hoàn thành khối lượng công việc rất lớn chuẩn bị SEA Games 31?

- Theo kế hoạch, sắp tới Chính phủ sẽ chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo chung của đại hội, trong đó có sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành và các địa phương liên quan. Giải pháp quan trọng là chúng ta phải khéo kết hợp việc sử dụng 3 nguồn lực của trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, phải đặc biệt quan tâm đến khâu tổ chức và chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games đạt thành tích cao.

- Các bước tiếp theo trong lộ trình chuẩn bị SEA Games 31 sẽ thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã lấy ý kiến các đơn vị liên quan và hoàn thành nội dung đề án, rà soát để trình Chính phủ trong thời gian gần nhất. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Hà Nội để chuẩn bị cho lễ đón nhận Cờ đăng cai SEA Games 31 tại lễ bế mạc SEA Games 30-2019 ở Philippines.

Tiếp đó, phải xây dựng bộ nhận diện của SEA Games 31 để sớm kêu gọi tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa; triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao, lên danh mục mua sắm trang thiết bị, đào tạo đội ngũ tình nguyện viên, chuẩn bị lực lượng vận động viên, nhân viên, cán bộ phục vụ đại hội. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có kế hoạch thật khoa học, chi tiết.

Trên tinh thần đề cao tính hiệu quả và thiết thực, SEA Games 31 thực sự là sự kiện thể thao mang ý nghĩa chính trị - xã hội lớn, góp phần xây dựng lực lượng, phát triển thể thao, quảng bá hình ảnh của Thủ đô và các địa phương đăng cai, thu hút khách du lịch, đầu tư quốc tế. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, đòi hỏi tất cả phải nỗ lực, trách nhiệm vì thành công chung.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đề án đăng cai SEA Games 31-2021: Đề cao tính hiệu quả và thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.