Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên thành lập doanh nghiệp tư nhân hay chỉ là hộ kinh doanh?

Ban Bạn đọc| 27/06/2016 07:26

Tôi định mở hàng bán phở, nhưng còn băn khoăn không biết có nên thành lập doanh nghiệp tư nhân không hay chỉ dừng ở loại hình hộ kinh doanh. Nếu thành lập doanh nghiệp tư nhân thì sẽ phải làm sổ sách tài chính kế toán phức tạp. Hộ kinh doanh không phải báo cáo tài chính nhiều nhưng lại chỉ được sử dụng dưới 10 lao động. Lúc đông khách mà tôi thuê hơn 10 lao động phục vụ thì sẽ bị xử lý ra sao? Phạm Ngọc Hà (quận Ba Đình)

Tôi định mở hàng bán phở, nhưng còn băn khoăn không biết có nên thành lập doanh nghiệp tư nhân không hay chỉ dừng ở loại hình hộ kinh doanh. Nếu thành lập doanh nghiệp tư nhân thì sẽ phải làm sổ sách tài chính kế toán phức tạp. Hộ kinh doanh không phải báo cáo tài chính nhiều nhưng lại chỉ được sử dụng dưới 10 lao động. Lúc đông khách mà tôi thuê hơn 10 lao động phục vụ thì sẽ bị xử lý ra sao?
Phạm Ngọc Hà (quận Ba Đình)

Trả lời:


Để phân biệt hai loại hình kinh doanh này, bạn phải tìm hiểu Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn.
Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 nêu khái niệm về doanh nghiệp tư nhân:
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Trong khi đó, Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, quy định hộ kinh doanh như sau:
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Khoản 2, Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này.

Căn cứ các thông tin nêu trên, bạn cần tính toán để lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp. Bởi từ ngày 15-7-2016 khi Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có hiệu lực thi hành, nếu bạn là hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên sẽ bị kiểm tra, xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 1, Điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP). Và còn buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên thành lập doanh nghiệp tư nhân hay chỉ là hộ kinh doanh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.