Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền cho chất lượng giáo dục toàn diện

Thống Nhất| 19/04/2018 07:06

(HNM) - Trước chủ trương đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội, trong đó có bài thi tổ hợp, đang có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi, bởi trước đó đã có địa phương gặp khó khăn trong tổ chức bài thi tổ hợp.


Đổi mới cách thi để điều chỉnh cách dạy, học

Theo kế hoạch, năm học 2019-2020, thay bằng việc kết hợp xét tuyển với thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội sẽ tổ chức cho học sinh thi 3 bài, trong đó có 2 bài độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài tổ hợp. Việc quyết định sử dụng bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 3 hằng năm, trong đó bài tổ hợp 1 bao gồm 4 môn: Ngoại ngữ, vật lý, giáo dục công dân, lịch sử; bài tổ hợp 2 gồm: Ngoại ngữ, địa lý, hóa học, sinh học.

Tuyển sinh lớp 10 bằng bài thi tổ hợp sẽ thúc đẩy học sinh học toàn diện hơn. Ảnh: Nhật Nam


Chủ trương này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cán bộ, giáo viên của cả hai cấp THCS và THPT với kỳ vọng phương thức thi mới sẽ tác động đến việc đổi mới cách dạy, học. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) nhận định, phương thức thi hiện hành khiến không ít học sinh học lệch, chỉ ưu tiên môn toán, ngữ văn, bỏ quên nhiều môn học khác.

Do đó, việc đổi mới cách thi là cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu học sinh phải phát triển toàn diện, đặc biệt là về kỹ năng. Khái niệm môn chính, môn phụ; tình trạng cắt giảm tiết môn này để học môn kia vốn thường xảy ra ở các trường THCS chắc chắn sẽ dần được loại bỏ.

Theo ông Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), đội ngũ giáo viên nhà trường khá hào hứng với chủ trương này bởi nhiều học sinh trúng tuyển vào trường có điểm thi môn ngữ văn và toán cao nhưng lại không nắm được kiến thức cơ bản của các môn khác. Tình trạng này kéo dài khá nhiều năm và khiến giáo viên và học sinh khá vất vả khi dạy, học ở lớp 10. Trong chương trình THPT có rất nhiều môn cần kiến thức nền tảng từ cấp THCS, nếu áp phương thức tuyển sinh mới, chắc chắn chất lượng "đầu vào" của các trường THPT sẽ được cải thiện nhiều, học sinh sẽ có kiến thức và kỹ năng toàn diện hơn.

Liệu có quá tải?

Nhiều phụ huynh cho rằng, với chủ trương tổ chức bài thi tổ hợp học sinh sẽ bị quá tải, thay vì chỉ phải thi 2 môn như hiện nay, các em sẽ phải thi tới 6 môn (gồm 2 môn độc lập là toán, ngữ văn và 4 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp). Thậm chí, các em sẽ phải căng sức học và ôn tới 9 môn vì đến tận cuối tháng 3, Sở Giáo dục và Đào tạo mới chốt bài thi tổ hợp nào.

Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo) lý giải: "Mục tiêu của cấp học THCS là giáo dục toàn diện, việc học đều tất cả các môn học trong chương trình là yêu cầu với mọi học sinh. Để không khiến học sinh bị quá tải, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và có những định hướng nhất định trong việc ra đề thi. Theo đó, phạm vi đề thi chỉ nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9. Bài thi tổ hợp có phần kiến thức riêng từng môn và có câu hỏi kiểm tra kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn. Học sinh chỉ cần chăm chỉ và học đều các môn, trong đó quan tâm cả về kiến thức và việc vận dụng kiến thức".

"Các em cũng không cần phải đi học thêm, bởi như trên đã nói, nội dung đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình hiện hành, tuyệt đối không có câu hỏi quá khó, đánh đố hoặc yêu cầu những kiến thức ngoài chương trình THCS" - ông Toản nhấn mạnh.

Trước những lo ngại về việc đổi mới thi có thể kéo theo việc dạy thêm, học thêm tràn lan, ông Phạm Quốc Toản nhận định, với định hướng thi rõ ràng như vậy, các thầy, cô giáo đã có thể chủ động trong kế hoạch giảng dạy và tổ chức ôn tập để học sinh sẵn sàng đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đề thi. Đây cũng chính là giải pháp giúp học sinh có sự định hướng học tập ngay từ bây giờ, từ đó có phương pháp học hiệu quả. Mục đích của kỳ thi nhằm tạo động lực, thúc đẩy học sinh học toàn diện hơn chứ không chỉ quan tâm tới một số môn như hiện nay, đồng thời góp phần tạo nền, nâng cao chất lượng "đầu vào" ở cấp THPT.

Bà Trần Minh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam - Angieri (quận Thanh Xuân) cho rằng, còn hơn một năm để thầy và trò cùng chuẩn bị cho phương thức thi mới nên không quá lo lắng. Nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên các môn phải đổi mới mạnh mẽ hơn về phương pháp dạy, trong đó không chỉ chú trọng trang bị kiến thức mà cả rèn kỹ năng, đẩy mạnh việc thực hành, trải nghiệm để học sinh có thêm cơ hội vận dụng kiến thức... Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành đề thi minh họa, nhà trường sẽ tiếp tục có những điều chỉnh về cách dạy, cách học cho phù hợp, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất với yêu cầu của đề thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền cho chất lượng giáo dục toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.