Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đại học năm 2019: Siết “đầu vào” để nâng chất lượng

Thống Nhất| 09/05/2019 07:11

(HNM) - Trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, quy định điểm sàn riêng đối với ngành Sư phạm và ngành Y... là giải pháp mạnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2019 nhằm siết chặt “đầu vào” để nâng chất lượng đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh nhằm bảo đảm an toàn cho kỳ thi trung học phổ thông sắp diễn ra.


Quyết tâm không để xảy ra tiêu cực

Sai phạm ở một số địa phương trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định. Song, những hệ lụy từ đó đã và đang đặt ra nhiều đòi hỏi trong công tác tổ chức kỳ thi. Xác định rõ điều này, thời gian qua, cùng với việc kiên quyết xử lý sai phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu để ban hành nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với mục tiêu quyết tâm không để xảy ra tiêu cực, tạo niềm tin với xã hội.

Với phương án duy trì kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhằm hai mục đích: Vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa lấy điểm để xét tuyển vào đại học, việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia còn là cơ sở để nâng cao chất lượng tuyển sinh ở bậc đại học, bớt đi những băn khoăn, hoài nghi từ dư luận xã hội và từ chính các trường đại học về chất lượng tuyển sinh.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ điều chỉnh những vấn đề trong khâu tổ chức, tức là chủ yếu liên quan đến người làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Vì vậy, các em hãy nghiêm túc, nỗ lực cao nhất trong học tập và yên tâm tuyệt đối để bước vào kỳ thi".

Một trong những điều chỉnh cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là quy định các trường đại học, cao đẳng không được tham gia tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Khâu coi thi sẽ được giám sát chặt chẽ hơn với các quy định và trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí, bảo đảm không để người này làm chồng chéo việc của người kia hoặc có thể đổ lỗi cho nhau khi xảy ra sai phạm.

Trước băn khoăn của em Nguyễn Minh Vân, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cũng như nhiều thí sinh khác về những giải pháp nhằm tạo sự công bằng, hạn chế hiện tượng gian lận điểm thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, năm 2019, khâu chấm thi sẽ được thực hiện theo hai vòng độc lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường chấm kiểm tra ngay trong tiến trình chấm hai vòng độc lập này nhằm hạn chế tối đa hiện tượng gian lận. Đây không chỉ là giải pháp bảo đảm tính khách quan, minh bạch, thực chất trong kết quả thi THPT quốc gia, mà còn là cơ sở để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả thi làm căn cứ xét tuyển “đầu vào”.

Điểm sàn riêng cho ngành Y, Sư phạm

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng quyền tự chủ cho các trường ở nhiều khâu, trong đó có việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng “đầu vào”, còn gọi là điểm sàn. Tuy nhiên, với ngành Sư phạm và ngành Y có cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định mức điểm sàn riêng. Các ngành Y có cấp chứng chỉ hành nghề phải tuân thủ quy định điểm sàn riêng trong năm 2019 gồm: Y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học, điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải: Đây là hai ngành đặc thù liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực và sức khỏe của con người, bởi vậy cần có chính sách đầu tư nhân lực riêng và lâu dài. Một số ngành khác cũng thuộc nhóm ngành Y như hóa dược, quản lý bệnh viện, y tế công cộng... không cần có điểm sàn riêng bởi không nhất thiết phải có sự quản lý đặc biệt và yêu cầu về chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn mở rộng quyền tự chủ cho các trường ở mức cao nhất để các trường phát huy trách nhiệm và năng lực đào tạo.

Trước quy định mới này, ông Hoàng Văn Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) thắc mắc: Có thông tin cho rằng, quy định điểm sàn chỉ áp dụng với các trường công lập. Nếu thí sinh dự tuyển vào ngành Sư phạm hoặc ngành Y có cấp chứng chỉ hành nghề ở các trường tư thục thì không phải tuân thủ quy định này.

Trả lời thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung này vào Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy".

Như vậy, trong kỳ tuyển sinh năm 2019, quy định điểm sàn riêng cho ngành Sư phạm và ngành Y có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được áp dụng đối với toàn hệ thống giáo dục. Thí sinh dự tuyển vào các ngành này ở trường công lập hay trường tư thục đều phải tuân thủ quy định điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, các trường không được tự ý quy định mức điểm sàn để tuyển sinh hai ngành này.

Ngoài ra, nếu thí sinh dự tuyển bằng phương thức xét học bạ để dự tuyển vào ngành Sư phạm hoặc ngành Y có cấp chứng chỉ hành nghề, các em cần lưu ý: Các trường chỉ xét tuyển thí sinh có học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi. Đây là những giải pháp siết chặt “đầu vào” của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ tuyển sinh năm 2019 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đại học năm 2019: Siết “đầu vào” để nâng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.