Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại kỳ tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Giải quyết cơ bản những bất cập

Thống Nhất| 10/07/2019 07:29

(HNM) - Thời điểm này, công tác tiếp nhận học sinh trúng tuyển lớp 10 năm học 2019-2020 tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản hoàn tất. Nhìn lại gần 4 tháng triển khai, có thể nhận thấy những dấu hiệu tích cực của một kỳ tuyển sinh suôn sẻ, không còn “điểm nóng”.

Với việc đổi mới phương thức và có sự điều chỉnh ở nhiều khâu, công tác tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Hà Nội không chỉ đạt mục tiêu đánh giá kiến thức, kỹ năng của học sinh, mà còn giải quyết cơ bản những bất cập trong dạy học và thi cử. 

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm học 2019-2020 tại Hà Nội.

Không để thiếu chỗ học

Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng phương thức thi để tuyển học sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông (THPT) công lập, thay phương thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển đã thực hiện gần chục năm qua. Học sinh phải dự thi bốn môn: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ và lịch sử. Hơn 85.000 học sinh đã tham dự kỳ thi, trong đó số được tuyển vào các trường công lập là hơn 67.000 em, số học sinh còn lại theo học ở các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang khẳng định: Với nhiều giải pháp đồng bộ như đa dạng loại hình trường, lớp học; tăng cường đầu tư các điều kiện dạy, học; đổi mới phương thức tuyển sinh và những nỗ lực để tổ chức một kỳ thi trung thực, công bằng, kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay tiếp tục giải quyết căn bản mối lo thiếu trường, lớp cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở, không để học sinh nào thiếu chỗ học. Kỳ thi cũng đã đạt mục tiêu đề ra là tăng minh bạch, giảm áp lực cho học sinh và gia đình học sinh, nhận được sự đồng thuận cao.

Bà Nguyễn Thị Hà, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Cự Khối, quận Long Biên chia sẻ: “Việc phải thi 4 môn, gấp đôi số môn so với kỳ thi năm trước có thể khiến các con vất vả hơn, nhưng về lâu dài là tốt. Bởi, các nhà trường sẽ phải dạy học đều tất cả môn học, giúp học sinh có kiến thức vững, thực chất và toàn diện, chứ không chỉ tập trung vào hai môn ngữ văn và toán như trước”.

Còn ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai) cho rằng, việc thi 4 môn và không sử dụng kết quả học tập, rèn luyện trong học bạ cấp trung học cơ sở của học sinh không chỉ giải quyết hiện tượng “làm đẹp học bạ” của một số phụ huynh, mà còn là cơ sở để các trường THPT nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Không còn “điểm nóng”

Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình). Ảnh: Viết Thành

Vết gợn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay là việc lần đầu tiên Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) - ngôi trường thuộc tốp đầu của thành phố hạ từ 40 điểm, xuống còn 30 điểm để tuyển sinh bổ sung, khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng giáo dục của trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang, điểm chuẩn vào trường không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi của học sinh, mà còn căn cứ theo số lượng dự tuyển. Vì Trường THPT Thăng Long luôn có điểm chuẩn cao, năm nay, nhiều phụ huynh quá lo lắng, nên đã chọn giải pháp an toàn là đăng ký nguyện vọng cho con vào trường tốp dưới. Dữ liệu của kỳ thi cũng cho thấy rõ điều đó, chất lượng học sinh trúng tuyển vào trường có điểm số khá cao. Việc hạ điểm chuẩn để tuyển sinh bổ sung khi chưa đủ chỉ tiêu là bình thường và nằm trong quy định của ngành, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có nguyện vọng vào học tại trường.

Đến thời điểm này, thông tin từ số điện thoại đường dây nóng và từ các nhà trường chưa ghi nhận bất cứ phản hồi tiêu cực nào liên quan đến việc tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. “Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố Hà Nội, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các nhà trường đã vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm để tổ chức một kỳ thi thực chất, tạo nhiều thuận lợi nhất cho học sinh. Khâu chuẩn bị kỳ thi được thực hiện chu đáo, có sự rà duyệt nhiều lần; khâu coi thi được đánh giá nghiêm túc, khách quan; khâu chấm thi tuân thủ quy định chấm hai vòng độc lập, nhằm tăng tính minh bạch và thực chất” - ông Lê Ngọc Quang cho biết.

Đáng chú ý, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay là việc Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ chấm để công bố kết quả thi sớm hơn một tuần so với kế hoạch. Việc phê duyệt mức điểm chuẩn vào từng trường cũng được công khai ngay sau khi học sinh biết kết quả một ngày, chứ không để một tuần như trước, góp phần giải quyết căn bản những “điểm nóng” về tuyển sinh như việc các trường tự nâng mức điểm chuẩn, việc phụ huynh rút - nhập hồ sơ… Học sinh và phụ huynh học sinh cũng giảm áp lực hơn, không còn mối lo về việc thiếu chỗ học. 

Theo ông Trần Minh Khanh, phụ huynh học sinh Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), việc không “om” điểm chuẩn nhiều ngày như các năm trước, khiến phụ huynh học sinh tin tưởng vào tính minh bạch, nghiêm túc của kỳ thi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang cho biết, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội phải thực hiện đúng quy định tuyển sinh lớp 10 về thời gian, đối tượng, điểm chuẩn, chỉ tiêu... Riêng các trường ngoài công lập được phép tiếp nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển lớp 10 vượt so với chỉ tiêu được giao từ 10% đến 20%. Sở Giáo dục và Đào tạo giám sát chặt chẽ việc này, nếu đơn vị nào vi phạm quy định về tuyển sinh sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại kỳ tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Giải quyết cơ bản những bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.