Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2019: Giảm tiêu cực, tăng mối lo chất lượng

Thống Nhất| 28/07/2019 06:29

(HNM) - Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay có thể khẳng định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 đã diễn ra nghiêm túc và thực chất, là cơ sở cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển đại học, cao đẳng. Với nhiều giải pháp đồng bộ và chặt chẽ, các nguy cơ tiêu cực đã giảm, song lại đặt ra bài toán nâng cao chất lượng dạy học ở bậc phổ thông, nhất là với môn lịch sử và tiếng Anh.

Nhờ thực hiện tốt khâu lựa chọn và áp dụng việc đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn, nên dù là địa phương có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước, Hà Nội vẫn tổ chức thành công kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019. Ảnh: Nhật Nam

Năm 2020 tiếp tục duy trì kỳ thi “hai trong một”

Tại hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019 đã phản ánh thực chất chất lượng dạy và học ở trường phổ thông, làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng trong việc xét tuyển. Kỳ thi đã cơ bản khắc phục được những hạn chế ở kỳ thi năm trước. Vì vậy, năm 2020, phương thức tổ chức kỳ thi “hai trong một” sẽ được duy trì.

2019 là năm thứ ba Bộ Giáo dục và Đào tạo giao sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức kỳ thi, với hai mục đích: Vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp mới để ngăn ngừa tiêu cực, như: Tăng cường lực lượng giám sát, lắp camera ở 100% các phòng chứa tủ đề thi, bài thi và nơi chấm thi; mã hóa dữ liệu bài thi và đáp án…

Là địa phương có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước, với mục tiêu bảo đảm công bằng cho thí sinh, tăng tính khách quan, ngăn ngừa các hành vi gian lận, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến khâu lựa chọn cán bộ và áp dụng việc đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn… Nhờ vậy, tại 125 điểm thi không để xảy ra sự cố nghiêm trọng nào. Là một trong 125 phó trưởng điểm thi đến từ các trường đại học tham gia làm nhiệm vụ tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Sự phối hợp giữa trường đại học và địa phương trong kỳ thi năm nay rất chặt chẽ, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm.

Không chỉ thành công ở khâu tổ chức, kỳ thi năm nay còn được ghi nhận ở sự cải thiện về kết quả thi, khi điểm trung bình các môn đều cao hơn năm trước từ 10% đến 20%; hầu hết môn có mức điểm trung bình từ 5 đến 6 điểm, cao nhất là 7,37 điểm. Cả nước có 1.287 bài thi đạt điểm 10, gấp 2,7 lần so với năm trước. Có 75% số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên ở ba môn thi theo khối. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, sự phân hóa này phản ánh thực chất kết quả dạy và học, tạo thuận lợi cho công tác xét tuyển ở bậc đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, chất lượng bài thi môn lịch sử và tiếng Anh tiếp tục là mối lo khi hai năm liền đều có mức điểm trung bình thấp nhất trong các môn của kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay, môn lịch sử có điểm trung bình là 4,3 và môn tiếng Anh là 4,36. Đây cũng là hai môn có tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình cao nhất, trong đó môn lịch sử là 70,01%, còn môn tiếng Anh là 68,74%. So với năm trước, số bài thi đạt điểm dưới trung bình đã giảm đáng kể (môn lịch sử giảm hơn 12%, môn tiếng Anh giảm 9,5%), song thực tế này vẫn đáng lo ngại. Làm thế nào để nâng chất lượng dạy học ở hai môn này là vấn đề đang được mổ xẻ, tìm giải pháp.

Vấn đề then chốt là chất lượng đội ngũ giáo viên 

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 đã diễn ra nghiêm túc và thực chất. Ảnh: Viết Thành

Nhiều nguyên nhân khiến điểm thi của môn lịch sử thấp đã được chỉ ra, trong đó, nguyên nhân chính là nhận thức về vai trò của môn học còn hạn chế, dẫn đến sự thiếu quan tâm đầu tư của nhà trường, giáo viên và học sinh đối với môn học.

Để cải thiện chất lượng dạy và học môn lịch sử, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được coi là vấn đề then chốt. Cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) nhận định: Sự quan tâm dành cho môn lịch sử trong mỗi nhà trường có sự khác biệt, nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư cho môn học của giáo viên. Cải thiện được vấn đề này chính là tạo động lực, niềm tin cho giáo viên lịch sử.

Bên cạnh đó, bản thân giáo viên giảng dạy môn lịch sử cũng phải quan tâm đầu tư cho từng giờ lên lớp để môn học có sức hút với học trò. Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung, Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: Thay vì việc đọc - chép các số liệu khô cứng, giáo viên cần “thiên biến vạn hóa” để học sinh thuộc nhanh, nhớ lâu, trong đó có việc lồng ghép các câu chuyện kể, liên kết với các sự kiện thực tế… Môi trường học tập cũng nên “mở” hơn thông qua các hoạt động ngoại khóa, thay vì chỉ bó hẹp trong khuôn viên lớp học.

Về giải pháp nâng cao chất lượng học tập ở môn tiếng Anh, vấn đề giáo viên cũng là then chốt nhưng lại ở một khía cạnh khác. Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ quốc gia cho biết, sắp tới, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn bộ học sinh sẽ phải học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm, tức là học sinh sẽ bắt buộc học tiếng Anh từ lớp 3 và phải đạt trình độ B1 vào năm lớp 12. Bởi vậy, số lượng và chất lượng giáo viên đang là bài toán nan giải. Thiếu giáo viên tiếng Anh không chỉ ở vùng xa, địa phương khó khăn, giáo viên chưa đạt chuẩn xảy ra ở cả những thành phố lớn.

Ngay tại Hà Nội, dù tỷ lệ bài thi môn tiếng Anh đạt điểm dưới trung bình thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước gần 13%, song Thủ đô cũng đang gặp nhiều khó khăn về sự chênh lệch chất lượng giữa các địa bàn. Ông Ngô Viết Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Khê, huyện Thanh Oai mong muốn nhà trường sẽ được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếng Anh để giáo viên của trường bớt phải “dạy chay”, tạo tiền đề nâng chất lượng học tập cho học sinh từ cấp tiểu học.

Theo ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng bổ sung vị trí việc làm của môn tiếng Anh, làm căn cứ cho các địa phương tuyển dụng giáo viên; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Hà Nội sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, để tạo điều kiện giảng dạy tốt nhất cho đội ngũ giáo viên, nhất là với các môn tiếng Anh, lịch sử; đồng thời, đổi mới nội dung và cách thức bồi dưỡng giáo viên, coi trọng hơn đến việc rèn luyện kỹ năng.       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2019: Giảm tiêu cực, tăng mối lo chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.