Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến trúc sư Đoàn Bắc: ''Một bức ảnh cổ không chỉ mang giá trị lịch sử''

Vân Hạ| 07/10/2021 10:14

(HNMCT) - Năm 2010, khi Thủ đô kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kiến trúc sư Đoàn Bắc đã “trình làng” bộ sưu tập hàng nghìn tư liệu, hình ảnh về Hà Nội xưa, đem lại nhiều bất ngờ cho công chúng yêu nhiếp ảnh và yêu Hà Nội. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Đoàn Bắc khi được biết anh đã trao tặng bộ sưu tập ảnh Hà Nội của mình cho Bảo tàng Hà Nội.

Kiến trúc sư Đoàn Bắc.

- Với những người yêu Hà Nội, được ngắm nhìn Hà Nội của một thời quá khứ qua từng bức ảnh cổ là những trải nghiệm hết sức thú vị. Phải chăng đó cũng là cảm giác đã đưa anh đến với “thú chơi” sưu tầm ảnh về Hà Nội?

- Đúng vậy, tôi sưu tầm ảnh Hà Nội xưa cũng tình cờ, đó là vào năm 2008. Trong quá trình tra cứu, tập hợp dữ liệu phục vụ công việc, tôi thấy trên một số diễn đàn những bức ảnh Hà Nội xưa hết sức thú vị. Nhưng khi tôi lưu về máy tính để làm tư liệu cá nhân, và để thỉnh thoảng... lấy ra ngắm chơi, thì mới nhận ra chất lượng của những bức ảnh này khá kém. Từ đó, tôi nảy ra ý muốn tìm kiếm các kênh khác để có được những bức ảnh xưa chất lượng hơn. Tìm kiếm, rồi bị cuốn vào lúc nào không hay...

Xem ảnh Hà Nội hết sức thú vị. Chẳng hạn, chỉ riêng ảnh chụp có cột đèn đường cũng lên đến mấy chục bức. Điều đặc biệt là ở mỗi giai đoạn Hà Nội lại có kiểu cột đèn đường khác nhau, nên chỉ nhìn một cột đèn là có thể biết Hà Nội trong ảnh ấy đang ở thời điểm nào...

- Chỉ có hai năm kể từ khi anh bắt đầu thú chơi này cho đến khi ra mắt bộ sưu tập hàng nghìn tư liệu hình ảnh về Hà Nội xưa, vậy các bức ảnh đã có “duyên” đến với anh như thế nào?

- Cái “nghề” sưu tầm rất đặc biệt. Khi bạn càng đam mê thì kho sưu tập của bạn càng giàu có thêm từ những nguồn mà bạn không ngờ tới.

Gia đình tôi ở Hà Nội lâu đời, bố tôi là một nhà giáo dạy lịch sử, trong gia đình cũng có những người làm nghề ảnh nên lưu giữ được khá nhiều ảnh. Ngoài việc tìm kiếm ảnh từ các kênh trên internet hay trong các thư viện, tôi còn có nguồn ảnh “đi xin” từ các gia đình Hà Nội gốc, từ bè bạn. Sau đó, có những người yêu Hà Nội đã chủ động tìm tôi để tặng những bức ảnh mà họ có, nhất là sau khi tôi công bố bộ ảnh cổ đầu tiên về Hà Nội.

Ấn tượng nhất phải kể là một đôi vợ chồng người Pháp đã theo những bức ảnh ông nội họ chụp ngày xưa mà tìm đến Hà Nội. Họ đã nhờ cậu hướng dẫn viên người Việt đưa đến những địa điểm trong các bức ảnh của ông nội họ, một bác sĩ quân y người Pháp từng sang Việt Nam, để tham quan. Nhờ sự kết nối của anh bạn hướng dẫn viên ấy, tôi và gia đình có cơ hội quen biết với gia đình ông Pierre Sadoul. Thật tuyệt vời vì gia đình ông vẫn còn giữ được nhiều bức ảnh chụp Hà Nội xưa, phim, máy ảnh, và cả nhật ký có dán ảnh của cụ Louis Sadoul. Sau đó, gia đình ông đã tặng tôi 40 bức ảnh do cụ Louis Sadoul chụp, trong đó có những bức đặc tả Hoàng thành Thăng Long trước khi bị tàn phá.

- Năm 2010 anh công bố bộ sưu tập lên tới 1.820 bức ảnh. Sau này bộ ảnh ấy đã phát triển như thế nào? Anh có thể “bật mí” cách anh quản lý hàng nghìn tư liệu ảnh ấy ra sao?

- Cho đến nay, bộ ảnh “Ký ức Hà Nội xưa 1870 - 1954” có khoảng hơn 4.000 bức ảnh với rất nhiều chủ đề. Khi triển lãm "Ký ức Hà Nội xưa" vào năm 2010, tôi chia ảnh thành 24 chủ đề trong 5 phần khác nhau: "Toàn cảnh thành phố", "Đất Thăng Long - Kẻ Chợ", "Hà Nội thời Pháp thuộc", "Con người và cuộc sống", "Những giai đoạn lịch sử".

Cách quản lý ảnh của tôi cũng cơ bản chia theo chủ đề vậy thôi. Tôi may mắn là có trí nhớ khá tốt về hình ảnh nên khi bắt gặp một bức ảnh Hà Nội xưa là có thể nhận ra tôi đã có phiên bản ảnh này hay chưa. Tôi chia kho ảnh theo mấy mảng. Như ảnh về con người thì chia theo chủ đề đàn ông, phụ nữ, trẻ em, tầng lớp quan lại, dân thường, người nước ngoài... Ảnh phong cảnh thì chia theo chủ đề phố, nhà, công trình công cộng, di tích, làng mạc... Ảnh địa chính chia theo khu phố cổ, phố cũ, ngoại thành. Ảnh đời sống sẽ có thợ thủ công, làng nghề, phố hàng, chợ, Tết...

- Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Việc sưu tầm ảnh cũng đòi hỏi người chơi không chỉ chịu khó tìm kiếm mà còn phải thành thạo “ngón nghề” phục chế, đặc biệt là với những bức ảnh chọn làm triển lãm, phải vậy không, thưa anh?

- Rất nhiều người phục chế ảnh chỉ nghĩ về kỹ thuật, thời gian phục chế nhanh hay chậm, độ phân giải ảnh sau phục chế cao hay thấp... Còn tôi, tôi chỉ nghĩ chủ yếu về giá trị nội dung trong ảnh. Khi phục chế ảnh, tôi cho rằng phải dám đặt mình vào người chụp ở thời điểm đó, để hiểu hơn thông điệp đằng sau bức ảnh mà tác giả muốn gửi gắm, từ đó mới dùng kỹ thuật để tái hiện lại hình ảnh về người xưa, cảnh xưa. Phục chế bức ảnh không phải đơn thuần là thành thạo kỹ thuật, mà còn phải biết nội dung bức ảnh là gì, nhân vật trong bức ảnh là ai, thậm chí phải tìm hiểu bức ảnh này được chụp bằng máy ảnh gì, ống kính nào...

Có hiểu về bức ảnh thì mới có thể tái tạo tốt nhất thần thái nhân vật, bối cảnh trong bức ảnh. Quan điểm của tôi khi sưu tầm, phục dựng ảnh là muốn đưa bức ảnh trở về nơi nó đã sinh ra.

- Gần đây có nhiều cuốn sách về ảnh Việt Nam xưa, Hà Nội xưa đã được ra mắt. Anh từng nghĩ đến việc hợp tác xuất bản một cuốn sách ảnh về Hà Nội xưa hay không?

- Tôi không nghĩ đến việc ra mắt sách ảnh, bởi một cuốn sách ảnh đạt chất lượng thì giá thành khá cao, không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận. Đưa ảnh đến với công chúng, cá nhân tôi cho rằng cách tốt nhất là thông qua các trưng bày, triển lãm. Điều này tôi đã thực hiện từ nhiều năm qua, không chỉ với ảnh Hà Nội xưa, mà còn với ảnh về Hạ Long, Sài Gòn, ảnh về các chủ đề như Tết Trung thu…

Năm 2020, tròn 10 năm sau khi bộ ảnh “Ký ức Hà Nội xưa” được công bố, tôi đã tặng phiên bản số hóa bộ sưu tập hơn 4.000 bức ảnh Hà Nội xưa cho Bảo tàng Hà Nội, trong đó có hơn 20% ảnh đã phục chế với chất lượng cao. Tôi cho rằng, bảo tàng là nơi lưu giữ tư liệu tốt nhất, cũng là nơi có thể tổ chức thường xuyên các cuộc triển lãm ảnh, và là “đầu mối” để có thể huy động được nhiều người cùng tham gia tìm kiếm ảnh xưa.

Tôi mong muốn sẽ có nhiều người cũng tìm kiếm và phục dựng ảnh xưa, đặc biệt là lớp trẻ. Bởi với lớp trẻ bây giờ, một bức ảnh xưa cũ không chỉ mang giá trị lịch sử, mà có thể trên nền những bức ảnh ấy, họ sẽ học hỏi, sẽ khám phá, sáng tạo thêm bằng cách chụp 3D, số hóa, tạo hiệu ứng...

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: ''Một bức ảnh cổ không chỉ mang giá trị lịch sử''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.