Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Vũ trụ điện ảnh'' - những thương hiệu kiếm bộn tiền

Lê Thủy| 31/03/2022 09:30

(HNMCT) - Việc thực hiện các bộ phim điện ảnh theo loạt (series) với hệ thống nhân vật đan xen, chung bối cảnh, hay còn gọi là tạo ra những “vũ trụ điện ảnh”, là một cách kiếm tiền rất hiệu quả của các “đế chế” giải trí ở Hollywood.

“Vũ trụ điện ảnh Marvel” đã tạo ra một thế giới thần kỳ trên màn ảnh rộng và mang lại doanh thu nhiều tỷ USD.

Batman - bao năm vẫn “hot”

Bộ phim bom tấn "The Batman" (tựa Việt: “Batman: Vạch trần sự thật”) với sự tham gia của nam tài tử Robert Pattinson đang nhận được sự phản hồi tích cực từ các nhà phê bình phim cho tới khán giả. Với kinh phí sản xuất gần chạm mức 200 triệu USD, bộ phim dẫn đầu phòng vé Bắc Mỹ cũng như các thị trường quốc tế trong tuần đầu khởi chiếu, trở thành phim của "Vũ trụ điện ảnh DC" (DCEU - được thực hiện bởi Warner Bros, hãng Pictures phân phối) có doanh thu mở màn cao nhất năm 2022 và cao thứ 2 trong suốt thời kỳ đại dịch từ năm 2020 đến nay. Cụ thể, sau tuần đầu tiên, “The Batman” có tổng doanh thu lên đến 248 triệu USD.

Nhân vật hư cấu siêu anh hùng Batman (Người Dơi) được họa sĩ Bob Kane và tác giả kịch bản Bill Finger sáng tạo, xuất hiện lần đầu trong cuốn “Detective Comics” số 27 (tháng 5-1939). Từ đó đến nay, nhân vật này thường xuyên xuất hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình. Đặc biệt, trên màn ảnh rộng, Batman đã có những cuộc “trở đi trở lại”, mang về những khoản thu khổng lồ cho các nhà sản xuất, đặc biệt là Warner Bros.

Cuối thập niên 1980, hãng phim Warner Bros bắt đầu sản xuất một loạt phim điện ảnh về Batman, bắt đầu với phim “Batman” vào năm 1989, do Tim Burton đạo diễn và có Michael Keaton đóng. Burton và Keaton đã trở lại trong phần tiếp nối “Batman Returns” năm 1992. Năm 1995, đạo diễn của “Batman Forever” là Joel Schumacher, với Val Kilmer thủ vai chính Batman. Schumacher cũng đạo diễn phần tiếp nối năm 1997 có tựa đề “Batman & Robin”, có George Clooney đóng. Năm 2008, thương hiệu này trở lại với phim “Kỵ sĩ bóng đêm” và sau đó là “Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy” (2012), do Christopher Nolan đạo diễn. Cả hai phần phim này đều thu về hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu, nhận được sự khen ngợi của giới phê bình, trong đó, phần phim thứ hai được coi là một trong những phim siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại.

Thành công của phim siêu anh hùng này đã thúc đẩy hãng Warner Bros mở dự án “vũ trụ phim” có tên gọi DC Extended Universe vào năm 2013. Các bộ phim trong “vũ trụ phim” này tập hợp những nhân vật siêu anh hùng được chuyển thể từ truyện tranh của DC (DC Comics).

Ngoài phim về các siêu anh hùng riêng lẻ, “vũ trụ phim” này còn tạo ra một thế giới chung của các siêu anh hùng. Chẳng hạn như trong “The Batman”, người xem gặp lại Robin - anh chàng hiệp sĩ siêu giỏi võ thuật, là cộng sự quen thuộc của Batman nhưng sau đó lại được phát triển thành một siêu anh hùng khác tên là Nightwing hay siêu anh hùng Green Lantern, nhóm Liên minh công lý (Justice League)... Đó là ví dụ cho thấy mô hình “vũ trụ phim” của các “ông lớn” Hollywood vẫn rất "hot" sau nhiều thập niên dù khai thác lại những nhân vật cũ.

Những “vũ trụ điện ảnh” lừng danh

Nhiều năm qua, các hãng phim lớn ở Hollywood đã áp dụng thành công mô hình “vũ trụ điện ảnh”, mang lại nguồn thu khổng lồ. Các "vũ trụ điện ảnh" được sáng tạo thông qua việc kết hợp các yếu tố cốt truyện, bối cảnh, dàn diễn viên và nhân vật chung.

Nổi bật nhất trong số đó là “Vũ trụ điện ảnh Marvel” (MCU). Năm 2008, Marvel cho ra mắt bộ phim “Iron Man” (“Người Sắt”), khởi xướng cho một xu hướng chưa từng có trước đây ở Hollywood: Tạo ra một bộ phim với những nhân vật siêu anh hùng từ những bộ phim khác nhau. Bộ phim mở ra một “vũ trụ” riêng của các siêu anh hùng và cũng là khởi đầu cho một “vũ trụ điện ảnh”. Kể từ phim đầu tiên là “Người Sắt” (2008) đến nay, MCU đã cho ra mắt gần 30 bộ phim. Nhiều phim trong số này lọt vào danh sách phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Tổng doanh thu toàn cầu của các phim MCU vào khoảng 25,6 tỷ USD, trong khi tổng kinh phí sản xuất chỉ từ 5,223 đến 5,412 tỷ USD.

MCU đã chứng minh cho cả thế giới thấy những điều thần kỳ mà "vũ trụ điện ảnh" có thể tạo ra. Rất nhiều hãng phim đã học tập Marvel và xây dựng "vũ trụ" với các nhân vật của riêng mình. Đáng gờm không kém là Warner Bros và Pictures với “Vũ trụ điện ảnh DC” (DCEU), được coi là mô hình thành công thứ 2 sau MCU. Năm 2013, DCEU cho ra mắt phim “Man of Steel” (“Người đàn ông thép”). Phim chia sẻ chung không gian giả tưởng với các phần phim khác, được coi là khởi đầu cho “Vũ trụ điện ảnh DC”.

Tuy nhiên, mô hình này chỉ rõ dáng vóc khi năm 2016, DCEU cho ra mắt 2 bộ phim “Batman v Superman: Dawn of Justice” và “Suicide Squad”, lần lượt thu về 873 triệu và 746 triệu USD doanh thu phòng vé. Vũ trụ giả tưởng này cũng khá giống với vũ trụ trong các truyện tranh và phim truyền hình của DC Universe, được phát triển bằng việc đan xen các yếu tố nội dung, bối cảnh, diễn viên và nhân vật chung. DCEU hiện là thương hiệu phim có doanh thu cao thứ 11 mọi thời đại, đã thu về hơn 5,8 tỷ USD tại phòng vé toàn cầu. Bộ phim có doanh thu cao nhất, "Aquaman", đã kiếm được hơn 1,15 tỷ USD trên toàn thế giới và trở thành bộ phim dựa trên DC Comics có doanh thu cao nhất tính đến nay.

Ngoài ra, Warner Bros còn sở hữu một số thương hiệu “vũ trụ điện ảnh” có quy mô nhỏ hơn, như: “Monster Verse” - tên gọi cho "vũ trụ điện ảnh" có Godzilla, King Kong và nhiều sinh vật khổng lồ; “Vũ trụ Lego” với các bộ phim về thế giới Lego như: “The Lego Batman Movie”, “The Lego Ninjago Movie”, “The Lego Movie 2: The Second Part”. Hãng Sony cũng có “Vũ trụ các nhân vật Marvel” với 900 nhân vật Marvel xoay quanh Spider Man (Người nhện). Hãng Paramount có “Vũ trụ Transformers” xoay quanh rô bốt biến hình, trong đó, phần phim có doanh thu cao nhất là “Transformers: Dark of the Moon” (năm 2013) mang về 1,12 tỷ USD. Hãng Disney có “Vũ trụ Star Wars”, trong đó, phần ngoại truyện “Rogue One: A Star Wars Story” mang về doanh thu hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu...

Ở Việt Nam, nhiều nhà làm phim cũng ấp ủ ý tưởng xây dựng những “vũ trụ điện ảnh” riêng. Với series phim “Gái già lắm chiêu”, cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito không giấu mong muốn xây dựng một “vũ trụ điện ảnh” xoay quanh các mỹ nhân với đời sống xa hoa, vương giả. Ngô Thanh Vân tham vọng xây dựng "vũ trụ cổ tích Việt Nam", bắt đầu bằng những bộ phim như “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, “Trạng Tí phiêu lưu ký” và sắp tới sẽ là những dự án đậm màu sắc dân gian, lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích như “Thạch Sanh”, “Thằng Bờm”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Thánh Gióng”... Việc xây dựng các “vũ trụ điện ảnh” sẽ giúp nhà sản xuất dễ dàng phát triển thương hiệu hơn.

So với điện ảnh thế giới, con đường hình thành “vũ trụ điện ảnh” của Việt Nam vẫn còn ở bước sơ khai mà nói như đạo diễn Bảo Nhân, đó mới chỉ là những “tiểu vũ trụ”. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt hiện nay, hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ có nhiều “vũ trụ điện ảnh” có tầm ảnh hưởng, trở thành những thương hiệu mạnh của điện ảnh nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Vũ trụ điện ảnh'' - những thương hiệu kiếm bộn tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.