Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc trưng bày ''Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê''

Nguyễn Thanh| 13/09/2022 16:12

(HNMO) - Kỷ niệm 595 năm thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1427-2022) và 10 năm Di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (2012-2022), ngày 13-9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh khai mạc trưng bày “Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê” tại Di tích Lam Kinh, xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Trưng bày gồm ba chủ đề: Giới thiệu chung về hai khu di tích Lam kinh thời Lê, Đông Kinh thời Lê, nhằm làm sáng rõ mối liên hệ giữa Đông Kinh và Lam Kinh từ lịch sử đến hiện tại.

Cụ thể, trưng bày mang đến 36 hiện vật tiêu biểu của cả hai khu di tích cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan. Đây là lần đầu tiên những di vật, hiện vật khai quật được tại hai di tích cùng những tài liệu lịch sử liên quan được đặt cạnh nhau, góp phần làm nổi bật thêm những thành tựu của Đại Việt dưới thời Lê Sơ; đồng thời khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa hai địa danh Đông Đô - Đông Kinh và Tây Đô - Tây Kinh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi cho biết, nếu như Lam Sơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi chứa đựng nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc, thì Đông Kinh là đất đế đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước, nơi đức Thái Tổ Lê Lợi đăng quang, dựng nghiệp đế vương.

Một số hiện vật tại trưng bày.

“Từ quê hương Lam Kinh đến Kinh đô Đông Kinh có mối liên hệ mật thiết cả về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật; trong đó dấu ấn đặc biệt nhất là Chính điện Kính Thiên, không gian quan trọng, linh thiêng nhất của Kinh đô Thăng Long thời Lê. Ngày nay, cả hai địa danh trên đều trở thành những điểm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh, bảo vệ dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước”, bà Nguyễn Hồng Chi nói.

Trưng bày là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hai khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh, tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai đơn vị; góp phần chia sẻ những kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại hai đơn vị, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong thời gian tiếp theo. Trưng bày kéo dài đến hết ngày 30-9. Bên cạnh đó, trưng bày còn có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại đây.

Trưng bày thu hút đông khách tham quan.

Sau khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tại Đông Kinh (Thăng Long - Hà Nội ngày nay), lấy niên hiệu Thuận Thiên và đặt tên nước là Đại Việt. Đông Kinh trở về với vị trí thiêng liêng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Còn Lam Sơn - Lam Kinh trở thành nơi an táng, thờ cúng tổ tiên, Hoàng đế, Hoàng hậu thời Lê Sơ và là nơi gắn liền với quá trình dựng nghiệp đế vương của vương triều nhà Lê. 

Hiện nay, cả hai địa danh trên đều trở thành những điểm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh, bảo vệ dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trưng bày ''Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.