Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Chu Lai: Làm giai trong cõi người ta

TUYETMINH| 17/07/2005 18:08

Bạn bè thường vỗ vai anh tếu táo: “Chỉ thế thôi! Năm nay mày có mấy cái kịch bản, nào là “Tiếng cồng định mệnh”, hay “Càn khôn một gánh” nghe cứ như kịch bản Tuồng ấy.” Lâu lâu, chẳng ai hỏi đến, thì anh đem ra... báo cáo: “Được giải bét rồi.” Mặt mũi tưng tửng, như không: “Tầm phào hết mà. 10 năm cầm súng tương đối tử tế, 30 năm cầm bút cũng tương đối tử tế. Giờ tớ chơi! ”

Anh chỉ chơi... một mình!

30 năm nay, anh chưa chơi bao giờ. Nay anh muốn được nhàn du. Và anh chơi thật. Anh dự định từ lâu một chuyến đi xuyên Việt, trở về chiến trường xưa. Năm nay nhất định phải đi không thì anh không còn dịp nào nữa. Đã chuẩn bị khăn gói xong xuôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết đứt nửa năm, mà vẫn chưa đi được.

Cái sự chơi này của anh khiến nhiều thằng bạn thấy thú, xin theo. Rồi doanh nghiệp A doanh nghiệp B, kẻ quay phim này tờ báo nọ hay tin, hết xin tài trợ lại nhanh nhẩu đặt bài. Chưa đi mà họ đã hoắng hết cả lên. Anh bảo: “Thế thì hỏng. Người ta đi âm thầm. Các anh tạo điều kiện là các anh tài trợ à? Tôi cần quái gì! Thế đi đến đâu phải đón tiếp đến đấy, họp báo đến đấy à? Ô hay, hoá ra chuyến đi của thằng ngớ ngẩn à? Chu Lai đi một mình, bằng tiền của mình. Đi xe máy, chẳng đi với ai cả”.

Anh là vậy, bao giờ cũng thích sống với thế giới nội tâm của mình. Một mình thôi, không thì ở nhà còn hơn. Anh sẽ đi, một chuyến đi không hạn định về thời gian, không khoảng không cách nhưng phải đến được đích: chiến khu B; với một mục đích: đi để thư giãn cuộc đời, để khảo sát thị lực. Suốt 30 năm qua, dập mặt với sáng tạo rồi. Giờ là lúc Chu Lai chơi. Ừ, anh chơi... một mình. Chơi trong cô độc.

Đã lên lịch xong xuôi, mà Chu Lai nào có sai lịch bao giờ. Anh coi chuyến đi của mình chẳng có ý nghĩa gì với ai hết: “Nó chỉ có một chút ý nghĩa với tôi thôi. Đó là sau 10 năm cầm súng, 30 năm cầm bút giờ chỉ muốn đập toàn bộ cuộc đời vào chuyến đi, thả lỏng mình vào với thiên nhiên. Khước từ mọi sự đi theo. Âm thầm. Thử tưởng tượng nhé, một mình phóng xe đến đỉnh đèo Hải Vân. Thả xe, kiếm bóng mát ngồi, đốt thuốc, ngắm ngàn trùng mây trắng. Có thú không nhỉ?”.

Anh chối đây đẩy rằng đây chỉ là cuộc dạo chơi, đi như... Tây ba lô ấy mà, chứ nào đâu phải đi để nạp thêm vốn sống vào người rồi lại ôm khư khư lấy cái bàn và tiếp tục “mài bút”. Đi về rồi mới trả lời có viết tiếp hay không. Chỉ biết rằng khi đi làm “bạn tình” với chiếc xe máy, lúc về thì đừng hòng nhé, vứt chiếc xe lên xe lửa chứ: “Dại gì đi về, nếu lại đi xe máy về thì những cảm xúc tràn đầy lúc đi sẽ biến thành một thứ cảm xúc chẳng khác gì khi... yêu lại một người đàn bà? chán lắm! Còn nếu cảm thấy thật khoẻ khoắn, thì sẽ phóng xe theo con đường đỉnh núi, đường Trường Sơn ấy. Về!”. Đúng phóc cái giọng ngang tàng, sành đời của kẻ làm giai trong cõi người ta...

40 năm sống khổ nhưng tương đối tử tế

Anh tạm gác bút đúng cái lúc trong anh chưa bao giờ lại tràn đầy các ý tưởng sáng tạo như lúc này. Nhưng phải dừng thôi, mệt mỏi quá rồi. Mà 30 năm qua anh thấy mình vẫn chơi đấy chứ! - chơi với con chữ. Cô đơn như thế trong suốt 30 năm quen rồi. Đập mặt vào sự sáng tạo là đập mặt vào một sân chơi khắc nghiệt, một sân chơi mà người ta luôn cảm thấy đuối sức. Bao buồn vui cuộc đời từ trang sách chém ngược lại, riêng anh lãnh đủ. Nát lòng ra giữa bốn bức tường mà bao nhiêu nỗi đau tưởng như nghe thấu. Rút cục anh thấy mình chỉ còn lại sự mệt mỏi, rã rời. Nên tạm dừng bút lúc này là đắc địa. Thôi, chơi!

Giờ mà lụi hụi viết, không tạo ra được áng văn chương hay hơn, cũng chẳng làm nên được một Chu Lai tốt hơn. Mười mấy cuốn sách bán ào ào ngoài thị trường kia, anh biết rõ đó là kết quả suốt 30 năm cật sức của mình. “Thế mà thôi - Anh chậm rồi - Có cật sức nữa thì cũng chỉ đến thế. Không phải là mình leo lên đỉnh, chưa có cái đỉnh nào cả. Dừng. Chỉ viết lắt nhắt cảm nghĩ, tản văn, tuỳ bút. Nói chung là không lên kế hoạch như 30 năm nay nữa. Lúc nào cũng tự mình khoán cho mình, cuộc đời khoán cho mình để tạo nên một chút định vị về văn chương trong  đời. Chính thế mà viết như xé thân xé xác ra”.

Nhưng lúc nào cũng thấy anh quanh quẩn với bốn bức tường, chỉ thích cô đơn, chẳng hiểu là anh lấy vốn sống ở đâu? “Là 40 năm tương đối tử tế của cái thằng tôi, vừa viết vừa sống. Đến như 10 năm làm lính đặc công, là 10 năm ôm cây súng ngồi im mồm, chỉ cần nói một tiếng, địch nó bắn chết. Cô độc thế quen rồi.

Nhưng sống hết mình với từng quãng đời thì cuộc sống cứ ùa vào, xài mãi đến giờ chưa hết. Nào là “Cuộc đời dài lắm”, rồi “Phố”... là chính cái khu phố anh sống chứ chẳng đâu xa, cứ đi qua đi lại con đường Lý Nam Đế mà thành. Mà anh thì có đi đâu, từ nhà đến cơ quan, chưa đầy cây số trong cái không gian nhỏ hẹp ấy tháng qua tháng, năm qua năm, những mảnh đời quay quắt, những giấc mơ, cơm áo vật vã... ở con phố ấy cứ thế  lặn vào trong anh, rồi rút ruột mình ra làm nên tiểu thuyết. Có ai biết cái ông bố, thời bao cấp đêm đêm mò lên mái ngói ăn cắp điện, điện giật gần chết ra làm sao để cho thằng bé con chưa đầy tuổi có được chút gió từ cái quạt tai voi, thì chính là ông bố Chu Lai chứ còn ai?

Chỉ ăn nỗi buồn cũng đủ no!

Anh bảo thế đấy! Chưa hư vì có bao nhiêu lương là anh đưa cho “bà nội” hết, để... nuôi “bố”! Đang ngơ ngác chẳng hiểu anh nói cái gì thì anh lý giải: “À, phàm đã là người lính, sinh ra được đứa con thì yêu chiều nó lắm, coi nó như bố mình. Mà người đàn bà sinh ra bố mình thì ắt là bà nội mình rồi”.

Hoá ra vậy, anh khen mình thật khéo. Đâu phải ai cũng có khả năng tự giễu, phải một kẻ biết mình biết người, tự tin lắm lắm mới đem mình ra giễu được. Chỉ cần nói vui dạo này thấy anh “lượn” trên truyền hình hơi bị nhiều, chẳng ngờ anh ăn hình thế, là anh kêu ầm lên: “Đẹp gì cái mặt tôi”. Đúng cái khẩu khí khi ai đó hỏi anh về chị nhà, hỏi gì thì hỏi, anh cứ độc một câu, âu yếm: “Béo ú!”. Khá hài hước là thế nên anh vừa ngơi tay thì lại trở thành cái nhà lắm mồm, khổ thế!

Anh bảo vậy. Rất nhiều nơi mời đi nói chuyện, mà toàn là những cuộc lớn đấy nhé. Chuyện về cuộc đời, về chiến tranh, người lính... Nói tất! “Đâu thấy thú là họ vời... cái mồm ông Chu Lai đi. Thế rồi, tự nhiên, mình lại ăn cả vào truyền hình. Thậm chí có chương trình phức tạp như cõi đàn bà trong chiến tranh cần mình làm MC mới chết chứ. Thiếu gì người hiểu họ, thế mà lại đi mời cái ông Chu Lai. Ai biết được!”

Ăn nói có duyên thế, không ít người lầm tưởng anh ăn chơi bụi bặm, ai ngờ anh chỉ thích ngồi nhà. Chẳng mấy khi trông thấy anh, nhưng cũng đủ một thì hai hoạ nhác thấy anh bóng loáng trên chiếc xe phân khối lớn, lướt trên phố “... nên cứ tưởng cái ông Chu Lai này phần hồn tha hết ra ngoài đường chứ gì. Sai bét”.  Có khi cả tháng trời anh ở lỳ trong nhà, chẳng tiếp xúc với ai. Sáng ra “bà nội” với “ông bố” con đi làm là anh lại ngồi cắm mặt vào bàn, giữa một trận giặc chữ. Đánh vật với chúng không được thì ngồi đốt thuốc, đốt đến bao giờ “bà nội” của anh về thì thôi.

30 năm cứ như vậy, buồn vui với cái thế giới bên trong của tôi. Chỉ ăn nỗi buồn của mình đã đủ no rồi. Không bao giờ tụ bạ với đám bạn bè văn nghệ sĩ, chỉ vì không biết uống rượu, không thể chịu nổi cảnh nhậu nhẹt. Ngồi làm gì cái chốn đông người, mấy thằng đàn ông với ngổn ngang những cốc là cốc, những bia là bia.” Lắm khi nể quá, tặc lưỡi, thôi thì đi. Được vài ba chén là say, bò được về đến nhà còn may chán. Đến khi tỉnh rượu tự nhiên buồn. Buồn ngang dạ, “buồn hơn sau một cuộc tình - anh bảo. Và cứ mỗi lần như thế là cái thằng Chu Lai tôi lại thề, không bao giờ đi nhậu nữa. Hỏng hết rồi còn đâu”.

Theo VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Chu Lai: Làm giai trong cõi người ta

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.