Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hát văn vừa tâm linh, vừa dân gian, vừa bác học

Đỗ Hiền| 25/09/2012 06:23

(HNM) - NSƯT Văn Chương là người thành danh với nghệ thuật chèo, từng được nhiều huy chương tại các hội diễn chèo chuyên nghiệp. Trong khoảng 10 năm gần đây, anh đi sâu tìm tòi, theo đuổi hát văn và được nhiều khán giả trong và ngoài nước mến mộ.


- Nghệ sĩ dân gian làm một CD đã khó rồi, điều gì thôi thúc anh làm và cho ra mắt những 5 CD cùng một lúc?

- Tôi không cố tình làm nhiều album cho hoành tráng, mà cốt chỉ để phục vụ nhu cầu của người nghe thôi. Các bạn cũng biết hát văn không chỉ là nghệ thuật truyền thống, mà còn là hình thức lễ nhạc của tín ngưỡng thờ Mẫu. Người nghe hát văn đều muốn thưởng thức toàn bộ các bài (giá chầu) trong nghi thức thờ Mẫu. Vì thế tôi phải làm tới 5 CD gồm tất cả các bài của giá Thánh như giá Thánh Mẫu, giá Hàng Quan, giá Chầu, giá Ông Hoàng, hàng Cô và Cậu.

- Trước đây anh đã từng phát hành bộ 4 CD về hát văn, vậy bộ "Hát văn" lần này có gì mới và khác?

- Bộ 4 CD lần trước tôi thấy còn nhiều thiếu sót, vì thế mới làm bộ 5 CD này, với mong muốn thỏa mãn người nghe cả về số lượng và chất lượng. Số bài (giá chầu) trong bộ này nhiều hơn và chất lượng nghệ thuật cũng tốt hơn. Bộ trước tôi thu 2 ngày là xong, nhưng bộ này mất rất nhiều thời gian. Hát văn thuộc nghệ thuật dân gian nên không phải phối khí cho các bản thu, nhưng điều đó không có nghĩa là công việc được thực hiện nhanh chóng. Tôi thu từng bản, nghe đi nghe lại, thấy chưa ưng thì chỉnh sửa, thu lại cho tới khi hài lòng mới thôi.

- Anh đặt tiêu chí gì để có được những bản thu "hài lòng"?

- Đó là những bản thu lên tới đỉnh của cảm xúc. Nghĩa là không chỉ tiếng hát mà tiếng đàn, tiếng phách phải hòa quyện với nhau. Là một sản phẩm mà người nghe phải cảm thấy được cái tâm linh, nhưng lại có chất dân gian và cả sự bác học. Những bản thu ấy phải có cái tinh tế của dân gian mà không có sự luộm thuộm, phải có chất bác học của sự dày công tìm tòi, luyện tập và thực hiện của nghệ sĩ. Mỗi bản thu phải có tình cảm, có hồn thì tôi mới ưng.

- Trưởng thành và được vinh danh từ cái nôi chèo, nhưng lâu rồi không thấy anh xuất hiện trên sân khấu chèo?

- Hiện tại tôi là Trưởng phòng Nghệ thuật của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, công việc chính là biên tập các chương trình. Tôi cũng vẫn thu thanh các làn điệu chèo và phát trên sóng VOV, thỉnh thoảng cũng có lời mời đi diễn nhưng không thu xếp được thời gian và công việc.

- Hẳn anh phải bỏ ra một khoản lớn chi phí để thực hiện bộ 5 CD này?

- Chi phí tiền bạc là vật hiện hữu có thể đo đếm được nên ta thường cho là nó quan trọng. Nhưng cái quan trọng hơn không nhìn thấy ấy lại là công sức mình bỏ ra. Để có một sản phẩm tốt thì ngoài tiền bạc phải phụ thuộc lớn vào khả năng nghệ thuật, vào thời gian, công sức và sự sáng tạo của nghệ sĩ chứ.

- Một số người vẫn nghĩ chầu văn là một hình thức dị đoan, anh nghĩ sao khi vẫn mê mải hát và thực hiện nhiều album hát văn như vậy?

- Tôi là người yêu dân ca từ bé, tôi hiểu tiếng nhạc dân ca trước khi hiểu lời, yêu cả chèo, xẩm, ca trù, cải lương, đặc biệt yêu hát văn vì có phần lời đẹp (lời hát văn là lời thơ). Khi đi hát văn tôi được hát cái mình thích, được trả thù lao, điều đó cũng khiến cuộc sống của tôi "dễ thở" hơn. Tôi không đi sâu vào nghi thức hầu đồng, mà chỉ hát thôi.

Với tôi hát văn là một môn nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng, nhưng phải là tín ngưỡng tích cực. Người nghệ sĩ hát văn là phải bằng giọng hát của mình ảnh hưởng tích cực tới người nghe. Tôi không bao giờ hợp tác với người lợi dụng nghệ thuật này cho mục đích mê tín.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hát văn vừa tâm linh, vừa dân gian, vừa bác học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.