Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kịch “Quẫn”: Chuyện cũ kể cách mới

An Nhi| 07/01/2017 07:12

(HNM) -

Đạo diễn Trần Lực hiện đang là giảng viên Khoa Sân khấu của Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Với anh, việc giảng dạy không gì hiệu quả hơn là được thực hành nghệ thuật. Chính vì vậy, anh chọn dựng một vở kịch cho các học trò của mình. Không phải ai cũng biết, Trần Lực xuất thân từ sân khấu. Cha anh là GS.NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, còn mẹ anh là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Anh từng đi học đạo diễn sân khấu nhiều năm ở Bulgaria. Thế nhưng, lâu nay Trần Lực có duyên với điện ảnh hơn, từ làm diễn viên, đến đạo diễn và còn lập cả Hãng phim Đông A.

Quay trở lại sân khấu là mơ ước của Trần Lực, cũng là mong mỏi của cha mẹ muốn con nối nghiệp. Vở đầu tay, Trần Lực chọn ngay “Quẫn” - kịch bản nổi bật của tác giả Lộng Chương, đã được NSND Trần Hoạt dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam, vang danh nửa thế kỷ trước. Trần Lực cũng chính là người hâm mộ vở kịch ấy từ thuở bé. Vì quá mê một kịch bản, một câu chuyện hay mà anh muốn dựng lại cho khán giả hôm nay được thưởng thức.

Đạo diễn Trần Lực chọn cách dựng kịch hiện thực ước lệ (tả ý) - thường quen trong sân khấu kịch hát hơn kịch nói. Sân khấu mở ra tối giản hết mức, có lúc không thấy đạo cụ gì, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm. Trần Lực đưa được con mắt của điện ảnh vào sân khấu nên phần "nhìn" rất đẹp, có chiều sâu. Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra "tâm" của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau. Toàn bộ vở diễn tập trung vào diễn viên - những bạn trẻ thế hệ 9X, kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước. Đó là chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...

Điều đạo diễn Trần Lực lo lắng là dàn diễn viên trẻ không ngôi sao và vở kịch được anh dựng với phong cách bi hài chứ không chỉ thuần hài. Nhưng buổi diễn chật kín khán giả, kết thúc rất lâu mà người xem vẫn nán lại chia sẻ đầy tâm đắc. Ông Đại Cát do Trương Mạnh Đạt đóng (đoạt giải vàng) hiện rõ bộ mặt “yêu” tiền, yêu của cải đến cả trong mơ cũng thèm thuồng, rồi rũ bỏ hết cả vỏ bọc giả tạo, phát cuồng lên khi hòm vàng cất giấu giữa nhà biến mất. Bà Đại Hưng vai của Ngọc Trâm đành hanh, nanh nọc... Tất cả các vai người xem không tìm thấy sự gượng ép, không cảm giác họ “khoác áo rộng” mà hòa nhập, thăng hoa trong từng nhân vật.

Câu chuyện cũ được kể theo lối mới, không chỉ là sự nhắc lại mà còn truyền thông điệp cảnh báo và định hướng lối sống cho người trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kịch “Quẫn”: Chuyện cũ kể cách mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.