Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú hích cho văn hóa đọc

Mai Hoa| 26/03/2017 07:41

(HNM) - Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017.

Đây là "cú hích", khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL để làm rõ hơn vấn đề này.

- Bà có thể cho biết ý tưởng xây dựng Đề án và đâu là những điểm khác biệt so với các đề án Ngày sách Việt Nam, Phố sách...?

- Chúng tôi xây dựng ý tưởng cho Đề án chính từ việc học tập và làm theo Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác Hồ luôn mong muốn dân tộc Việt Nam trở thành một trong những dân tộc thông thái. Chính vì thế, Bác luôn quan tâm đến việc đọc sách của người dân. Thông qua Đề án này, chúng tôi mong người dân đọc sách nhiều hơn, với mục tiêu tích lũy tri thức, trau dồi đạo đức, tài năng, góp phần xây dựng đất nước cường thịnh.

Còn nhớ, trong dịp tổng kết hoạt động của Bộ VH-TT&DL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo, cần phải tăng cường phát triển văn hóa đọc để mọi người có tâm hồn phong phú hơn, trí tuệ sắc sảo hơn. Để trở thành một con người toàn diện, chúng ta nhất thiết phải quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc.

Mỗi đề án đều có những điểm khác biệt riêng trong cách thức xây dựng và cơ chế thực hiện. Ở Đề án này, chúng tôi đã xác định hệ thống các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc đọc, trong đó có nhiều điểm mới như: Đề xuất trao tặng giải thưởng cho những người có công phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa thông qua việc vận động sự tham góp của đông đảo các tổ chức, cá nhân vào thúc đẩy việc xây dựng và phát triển đọc trong cộng đồng...

- Bà có thể nói rõ hơn về hệ thống giải pháp này?

- Đầu tiên chính là việc tuyên truyền quảng bá, làm thay đổi nhận thức, vì có thay đổi nhận thức mới thay đổi được hành vi. Đây là việc lớn, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan truyền thông, nhà trường, gia đình và xã hội. Thứ hai là giải pháp về giáo dục, bởi bên cạnh việc thích đọc cũng phải rèn kỹ năng đọc. Vì vậy, chúng tôi đưa ra các hướng dẫn cho mỗi lứa tuổi để mọi người biết và thực hành phương pháp đọc. Trên thực tế, qua quá trình giảng dạy trong các trường đại học, tôi thấy sinh viên cũng không biết kỹ năng đọc sách. Trong khi đó, phương pháp đọc, kỹ năng đọc cũng là một yếu tố góp phần tạo nên thành công. Thứ ba là giải pháp nâng cao năng lực, hiện đại hóa hệ thống thư viện để đáp ứng nhu cầu người đọc. Song song với đó là xây dựng cơ chế chính sách, tạo động lực cho những người tham gia phát triển văn hóa đọc, giúp mọi người đọc sách hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự chung tay của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước...

- Theo bà, cần sự hỗ trợ như thế nào để Đề án phát huy hiệu quả trong thực tế?

- Những người xây dựng Đề án, như cá nhân tôi, rất hy vọng thông qua đề án sẽ làm chuyển biến nhận thức của xã hội trong việc phát triển văn hóa đọc. Ngay trong quá trình xây dựng Đề án, Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) đã nỗ lực kêu gọi nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ.

Ví như năm 2016, Tập đoàn Vingroup và một số tổ chức trong nước, nước ngoài đã chung tay cùng chúng tôi góp phần tạo được nhiều cơ hội đọc sách, báo cho người dân ở vùng kinh tế khó khăn thông qua việc trang bị sách cho các thư viện tỉnh; xe thư viện lưu động đem sách đến vùng sâu, vùng xa... Với việc Đề án được phê duyệt, có sự quan tâm, sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự chung tay của cộng đồng, tôi tin rằng, văn hóa đọc sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn rất nhiều.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cú hích cho văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.