Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định phát ngôn của công chức: Cần thiết để chuẩn hóa văn hóa công chức

Hoàng Lân| 05/10/2017 09:15

(HNMO) - Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội.

Dự thảo này ngay lập tức nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến khác nhau của người dân. Để hiểu rõ hơn về Dự thảo Quy định, phóng viên HNMO đã trao đổi với ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa gia đình (Sở VH-TT) - đơn vị phụ trách soạn thảo dự thảo.

Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa gia đình (Sở VH-TT).


Dự thảo Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội vừa được trình lãnh đạo UBND TP nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thành phố đã ban hành hai Quy tắc ứng xử (QTƯX) trong đó, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc TP Hà Nội đều thuộc đối tượng phải điều chỉnh trong hai QTƯX này thì liệu Quy định về chuẩn mực phát ngôn có gây nên sự chồng chéo, thưa ông?

- Việc xây dựng dự thảo quy định này nằm trong kế hoạch siết chặt kỷ cương hành chính của TP Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội chưa có quy định nào cụ thể về quyền và trách nhiệm phát ngôn, chuẩn bị kiến thức, xử lý tình huống trong phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong QTƯX cũng đã đề cập chung nhất về ngôn ngữ giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…, quy định này sẽ quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ công chức, thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ, xử lý tình huống khi phát ngôn.

Trong Dự thảo Quy định về phát ngôn có nhiều nội dung được thể hiện khá cụ thể như quy định về tình trạng nói ngọng, nói lắp, dùng mạng xã hội… Điều này khiến cho nhiều người hiểu rằng, quy định này đang “làm khó” cho nhiều cán bộ, công chức vì những khuyết tật trong giọng nói đôi khi là do bẩm sinh, vùng miền được sinh ra chứ không phải là do lỗi kiến thức. Ông có thể giải thích kỹ hơn về nội dung này?


- Trong Dự thảo Quy định có phần “Hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ”. Hiện nay, rất nhiều người đã không hiểu đúng tinh thần của nội dung này và nghĩ rằng Dự thảo Quy định đang “làm khó” cán bộ, công chức.

Tôi khẳng định rằng đây chỉ là chuẩn mực văn hóa ứng xử của công chức chứ không phải là chuẩn mực để xét tuyển công chức. Nội dung quy định trong Dự thảo nhằm nhắc nhở cán bộ, công chức về việc phát ngôn đúng chuẩn mực tại nơi làm việc. Đầu tiên là tư thế phát ngôn, người cán bộ, công chức phải có ý thức trong việc phát ngôn, nói chuyện với người khác. Không được vừa phát ngôn vừa làm việc riêng thể hiện sự coi thường người khác; cần phải chuẩn bị kiến thức đúng chuyên môn của mình để trao đổi thẳng thắn với người đối diện nếu như được hỏi; ngoài ra, thái độ nói chuyện thể hiện sự lịch sự, chừng mực. Vừa qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra rất nhiều vụ lùm xùm trong việc thái độ của cán bộ xã, phường khi tiếp người dân, tất cả đều xuất phát từ việc phát ngôn, cách nói năng, giao tiếp của người cán bộ mà ra. Nếu như người cán bộ, công chức tiếp dân có thái độ ôn hòa, đúng mực, lịch sử khi giải thích, chia sẻ những thắc mắc của người dân thì chắc chắn đã không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy.

Còn về vấn đề ngôn ngữ nói, hạn chế nói ngọng, nói lắp, ngôn ngữ địa phương… trong Dự thảo Quy định là để nhắc nhở công chức, cán bộ có ý thức trong việc rèn luyện, sửa chữa những khiếm khuyết trong giọng nói để chuẩn hóa ngôn ngữ của mình. Ngôn ngữ mình nói phải để người đối diện nghe và hiểu được, nếu anh dùng ngôn ngữ địa phương mà chỉ mình hiểu còn không cần biết người đối diện có tiếp nhận được hay không thì cần phải xem lại. Tôi khẳng định rằng, những “tật” về giọng nói như nói lắp, nói ngọng hay sử dụng từ địa phương không mang tính phổ thông… hoàn toàn có thể sửa được nếu như cán bộ, công chức có ý thức trong việc ấy.

Quy định văn hóa phát ngôn để nhắc nhở cán bộ, công chức có thái độ và phát ngôn chuẩn mực.


Còn nội dung “Không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân”, rất nhiều người đang cho rằng, nội dung này nếu áp dụng không khéo sẽ có thể vi phạm quyền cá nhân của công dân. Ông lý giải thế nào về nội dung này?

- Khi Dự thảo Quy định được xây dựng chúng tôi cũng nhận được nhiều thắc mắc về vấn đề này. Cần phải nói rõ rằng, việc sử dụng mạng xã hội là nhu cầu của mỗi người, đó là quyền của cá nhân. Tuy nhiên, phát ngôn gì trên đó cũng có quy định rõ ràng, không phải anh có thể tùy tiện công kích, bôi xấu người khác hay bày tỏ quan điểm cá nhân phiến diện đi ngược với quy định, đường lối của cơ quan mình làm việc và của Đảng, Nhà nước làm ảnh hưởng tới tập thể, hình ảnh của cơ quan và của đất nước. Chỉ riêng việc phát ngôn, xuyên tạc này thôi cũng đã là vi phạm pháp luật rồi. Hơn ai hết, người cán bộ, công chức cần phải hiểu rõ những điều mình thể hiện trên mạng xã hội, nếu là phát ngôn cảm tính làm ảnh hưởng tới tập thể đều không được phép.

Còn về vấn đề nhân quyền, tôi cũng muốn nói thêm rằng, ở các nước phát triển những người là công chức, cán bộ sẽ phải thực hiện những quy định khắt khe hơn nhiều. Ví dụ như trang phục đi làm phải chỉnh tề, ngôn ngữ cử chỉ của người cấp dưới với cấp trên cũng rất chuẩn mực, có cấp bậc rõ ràng… Điều đó để thấy, dù ở xã hội nào thì trong môi trường làm việc cũng có những quy định chuẩn mực riêng phù hợp với cán bộ, công chức.

Dự thảo Quy định về phát ngôn có rất nhiều nội dung cần phải ghi nhớ, vậy đâu là điểm nhấn của quy định này thưa ông?

- Điểm nhấn là công chức ngoài việc phát ngôn chuẩn mực thì còn phải kiểm soát và kiềm chế hành vi của mình trong mọi tình huống. Ví dụ, khi thấy hành vi của người trao đổi với mình có thái độ không đúng mực như nổi nóng, hoặc thậm chí có thể tấn công bằng bạo lực thì người công chức phải biết cách kết thúc câu chuyện, kiểm soát, kìm chế bản thân chứ không tấn công lại người đang trao đổi. Việc này đặc biệt cần lưu ý ở những cơ quan có bộ phận tiếp dân. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp cán bộ nổi nóng với nhau và dẫn đến hai bên xô xát nhau.

Dự thảo Quy định nói nhiều đến việc chuẩn mực phát ngôn của cán bộ, công chức, tuy nhiên, thực tế ở nhiều cơ quan, người hay nổi nóng, quát to và có phát ngôn đôi khi thiếu kiềm chế lại là người lãnh đạo. Trong trường hợp lãnh đạo vi phạm thì ứng xử thế nào, thưa ông?


- Đó là thực tế, vì người lãnh đạo nhiều khi do áp lực công việc, hoặc do thói quen nên dễ nổi nóng, thậm chí phát ngôn không chuẩn mực. Trong trường hợp này, cán bộ, công chức hoàn toàn có thể lựa thời điểm để nhắc nhở lãnh đạo. Trong Dự thảo Quy định cũng nêu rõ, cán bộ, công chức vi phạm một số nội dung trong phát ngôn như tùy tiện phát ngôn phiến diện trên mạng xã hội, hay phát ngôn không chuẩn mực sẽ bị lãnh đạo cơ quan xử lý và có hình thức kỷ luật. Trong trường hợp lãnh đạo đơn vị vi phạm thì sẽ bị thành phố nhắc nhở và có hình thức xử lý phù hợp. Bản thân lãnh đạo đơn vị khi thực hiện quy định tại đơn vị mình cần phải hiểu rõ các nội dung và gương mẫu thực hiện, có vậy cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan mới nghiêm chỉnh chấp hành.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định phát ngôn của công chức: Cần thiết để chuẩn hóa văn hóa công chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.