Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu cơ chế thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật

An Nhi| 20/10/2017 06:34

(HNM) - Trong công tác quản lý nhà nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, vấn đề được quan tâm nhất vẫn là việc kiểm duyệt, công bố tác phẩm và thanh tra, kiểm tra nhằm tạo môi trường hoạt động nghệ thuật lành mạnh.


Còn đó những vi phạm

Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), mỗi năm cả nước có gần 500 triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh ở các quy mô khác nhau. Với mỗi triển lãm, cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp phải thẩm định, cấp phép. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra cũng thường xuyên giám sát, hậu kiểm để phát hiện và xử lý vi phạm.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành đánh giá, trong 3 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ở trung ương đã có sự phối hợp tốt giữa Thanh tra Bộ VH-TT&DL và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm để xử lý vi phạm kịp thời. Nhưng ở các địa phương, công tác này chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng cán bộ mỏng, chuyên môn kém nên để “lọt” nhiều vi phạm.

Một triển lãm ảnh tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.


Các sai phạm trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thường xảy ra là tổ chức triển lãm không xin phép, sai nội dung xin phép, vi phạm bản quyền, sao chép tác phẩm trái phép… Những vụ việc nổi cộm có thể kể ra như: Triển lãm “Chất xúc tác” tại Đông Phong Gallery (Hà Nội) năm 2014 có tác phẩm dung tục và lồng ghép hình ảnh không phù hợp; triển lãm “Hoa nơi chiến trường” (TP Hồ Chí Minh) năm 2015 chưa được cấp phép và có nội dung cấm phổ biến; triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” (TP Hồ Chí Minh) năm 2016 có tranh giả…

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phản ánh: “Nhiều tranh sao chép tác phẩm của danh họa, nhất là những tác giả đã học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đang được bày bán công khai tại phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), Hội An (Quảng Nam), thậm chí được đưa ra nước ngoài đấu giá. Có trường hợp lấy tranh của họa sĩ Dương Bích Liên chỉnh sửa rồi in bìa báo ở Cà Mau; sao chép tranh cổ động rồi dự thi tranh về bảo vệ môi trường biển, đảo… Các cấp hội ở địa phương sát sao nhưng chỉ có thể lên án nếu tác giả vi phạm là hội viên chứ không có quyền thu giữ tác phẩm và xử lý theo quy định như cơ quan quản lý nhà nước”.

Ở một câu chuyện khác, triển lãm “Tạo tác” của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên vừa diễn ra giữa tháng 9 tại TP Hồ Chí Minh, gây chú ý trong giới mỹ thuật, nhiếp ảnh bởi đây là triển lãm chuyên đề ảnh nude đầu tiên được cấp phép ở nước ta. Trước đây, chỉ lác đác tranh, ảnh nude trưng bày xen kẽ trong triển lãm chung. Ngay các nghệ sĩ nổi tiếng theo đuổi đề tài này như nhiếp ảnh gia Thái Phiên, Lê Quang Châu… nhiều lần nộp hồ sơ nhưng cũng chưa được triển lãm.

Không chỉ có tranh, ảnh nude, nhiều sáng tác nghệ thuật đương đại vì lý do “chưa thấy bao giờ” mà bị từ chối cấp phép triển lãm.

Cần tạo điều kiện

Vấn đề đặt ra đối với những người làm quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là nên nới lỏng và thắt chặt ở những điểm nào? Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền tác giả theo luật định, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động sáng tác, mua bán, công bố tác phẩm để xử lý triệt để vi phạm. Đối với việc công bố tác phẩm, xét duyệt triển lãm, nhất là với triển lãm chuyên đề “nhạy cảm” như tranh, ảnh nude hoặc các loại hình nghệ thuật đương đại còn mới lạ, cần có sự cởi mở, tinh tường trong thẩm định. Làm sao để nghệ sĩ cảm thấy mình được tôn trọng, thúc đẩy họ sáng tạo những tác phẩm có giá trị đích thực.

Một số đại diện cơ quan quản lý văn hóa địa phương cho rằng, hiện chưa có sự thống nhất trong cấp phép triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Có nơi như Hải Phòng, việc cấp phép thuộc về UBND thành phố thay vì ủy quyền cho cơ quan quản lý văn hóa như nhiều nơi khác. Hệ thống văn bản quy định việc quản lý, xử phạt vi phạm còn chồng chéo, thiếu cụ thể.

Trong khi đó, một số nghệ sĩ khá dè dặt khi công bố tác phẩm. Họa sĩ Kù Kao Khải cho rằng: “Riêng với tranh, ảnh nude cần để công chúng tiếp cận từ từ và có sự thẩm định chặt chẽ của cơ quan quản lý bởi truyền thống người Á Đông vẫn coi trọng sự kín đáo, ý nhị”.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nhận định, cái khó của nhà quản lý là bảo vệ sáng tạo của tác giả trước tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan; tạo cơ hội cho nghệ sĩ tài năng phát huy được sở trường. Điều này cần sự nỗ lực hơn của người làm quản lý các cấp trong thời gian tới.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành: Mỹ thuật và nhiếp ảnh có tác động đến nhận thức của công chúng. Việc tăng cường công tác quản lý nhằm đưa đến công chúng những tác phẩm tốt nhất, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong việc cấp phép triển lãm hay công bố tác phẩm, cơ quan chức năng không dựa theo chủ đề mà căn cứ theo quy định, nếu hồ sơ đủ điều kiện thì cấp phép phổ biến.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cơ chế thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.