Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để di sản trở thành “đặc sản”

Hoàng Lân – Phương Linh| 22/11/2017 14:52

HNMO) - Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hoá, đó là những tiềm năng lớn có thể sinh lời nếu biết khai thác tốt. Tuy nhiên, tiềm năng này có vẻ vẫn đang bị bỏ ngỏ, nhiều di tích chưa phát huy được giá trị, nhiều di sản loay hoay trong việc thu hút công chúng.


* Đừng để “thua” trên sân nhà

Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng.

Ca trù Hà Nội.


Ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể, Hà Nội được coi là một trong những “cái nôi” văn hóa Bắc Bộ với nhiều nét đặc trưng. Hiện nay, Hà Nội cũng là một trong những địa phương tiến hành tốt trong việc bảo tồn, phát huy những di sản phi vật thể, trong đó kể đến như: Ca trù, Xẩm, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn di sản, làm thế nào để công chúng quan tâm tới di sản, biến những di sản thành những “địa chỉ vàng” có thể thu hút được khách du lịch đang là bài toán khó giải cho không chỉ Hà Nội mà ở cả những địa phương đang sở hữu nhiều di sản giá trị.

Về vấn đề này, TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long, Hà Nội cho biết, việc liên kết di sản với du lịch là điều rất cần thiết và nên làm. Thực tế, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã thực hiện quảng bá, thu hút du lịch từ nhiều năm nay nhưng không phải địa chỉ nào cũng làm tốt.

Trao đổi với HNMO, anh Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình Làng Việt (nhóm này thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và bảo tồn đình làng Việt Nam), nhìn nhận: So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang có lợi thế khi sở hữu một số lượng lớn di tích, di sản. Đây là tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Tuy nhiên, thực tế là số ít di tích, di sản này thực hiện tốt việc quảng bá, thu hút du lịch.

Anh Nguyễn Đức Bình kể câu chuyện của nhóm Đình Làng Việt với những chuyến điền dã về các làng quê. Mặc dù nhiều địa phương có những di tích rất đẹp, nhiều đình, đền có niên đại, thậm chí là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia nhưng do chồng chèo về quản lý nên di tích này hầu như đóng cửa. Du khách xa muốn đến tham quan lại không được vào. “Chúng ta có hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, hàng nghìn lễ hội diễn ra trong năm… nhưng rõ ràng chúng ta thiếu tính liên kết, thiếu sự rõ ràng trong khâu quản lý, thiếu định hướng, chiến lược cho nên hầu hết các di tích chỉ hoạt động cầm chừng. So với nước bạn, họ không có nhiều di tích, di sản như chúng ta nhưng họ lại làm du lịch rất tốt, tạo dựng những sản phẩm hấp dẫn. Chúng ta lợi thế hơn nhưng lại đang bị thua ngay trên sân nhà”, anh Nguyễn Đức Bình bày tỏ.

Theo nhà nghiên cứu – TS Trần Hậu Yên Thế, một trong những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện liên kết du lịch về những miền di sản còn chưa “tới nơi tới chốn” là bởi: “Chúng ta thiếu du lịch trải nghiệm mà chủ yếu là làm những sản phẩm du lịch có sẵn kiểu công nghiệp, vì thế khách khá thụ động khi cảm nhận được cái hay, đẹp của văn hóa Việt Nam”.

Chưa kể, một nguyên nhân khác mà theo nhạc sĩ Thao Giang, người thực hiện nhiều dự án bảo tồn văn hóa âm nhạc dân gian cho biết, những người làm du lịch và văn hóa chưa ngồi được với nhau để hiểu nhau. Không phải ai làm du lịch cũng hiểu và yêu văn hóa dân gian, nên họ khó mà truyền tải được đầy đủ thông điệp về cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam với du khách.

* Những tín hiệu vui

Hà Nội là một trong những địa phương làm khá tốt công tác bảo tồn di tích, di sản và nỗ lực đưa di sản vào cuộc sống. Riêng lĩnh vực văn hóa phi vật thể, từ nhiều năm nay, Hà Nội dành sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt để bảo tồn, phát huy, tạo ra những địa chỉ thưởng thức văn hóa uy tín. Tại khu vực phố cổ Hà Nội, nhiều địa chỉ biểu diễn ca trù hấp dẫn du khách như CLB Ca trù Thăng Long của ca nương Phạm Thị Huệ biểu diễn tại đền Quán Đế (28 Hàng Buồm), CLB Ca trù Hà Nội của ca nương Bạch Vân biểu diễn tại Đình Kim Ngân… hay sân khấu tại chợ Đồng Xuân với nhiều chương trình biểu diễn văn hóa truyền thống vẫn thường xuyên thu hút du khách, đặc biệt là khách đi bộ vào ngày cuối tuần. Tại khu vực đền thờ vua Lê, từ lâu nay đã trở thành địa chỉ biểu diễn quen thuộc của nhóm Xẩm Hà thành… Những địa chỉ văn hóa này dù gặp không ít khó khăn trong việc tìm nguồn thu để duy trì hoạt động nhưng bằng tình yêu âm nhạc dân gian đã từng bước đưa di sản tới gần với công chúng.

Nhóm Xẩm Hà thành.


Tâm sự với HNMO, nhạc sĩ Thao Giang cho biết, hiện nay các CLB về âm nhạc dân gian vẫn kiên trì hoat động nhưng chủ yếu đông khách khi đó là hoạt động không thu phí. Khi bài toán về kinh tế đặt ra thì câu chuyện bảo tồn, phát huy di sản với liên kết du lịch lại khác.

Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hướng biến di tích, di sản thành những “đặc sản” du lịch hấp dẫn. Ngay như chương trình mở cửa Nhà hát Lớn với danh mục biểu diễn đều là những đặc trưng văn hóa dân gian nhưng nghe chừng sản phẩm văn hóa này vẫn loay hoay để có hướng đi đúng. Điều này để thấy rằng, để biến di sản thành “đặc sản” không thể làm vội vàng, “ăn sổi” mà cần những chiến lược, kế sách dài hạn mà ở đó vai trò của nhà quản lý văn hóa, du lịch cần phải được thể hiện rõ hơn. Bên cạnh đó, ngoài tình yêu văn hóa dân gian của những nhà văn hóa còn rất cần sự hợp tác, đồng thuận và hiểu biết của những đơn vị làm du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để di sản trở thành “đặc sản”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.