Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho truyện ngắn

An Nhi| 13/05/2018 07:37

(HNM) - Hơn 3.300 tác phẩm tham dự cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015-2017 là một con số nổi bật so với kỳ trước.


“Mặt tiền” văn chương đương đại

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng ví von, nếu văn xuôi là “nền” thì truyện ngắn là “mặt tiền” của văn chương, qua đó có thể thấy được “đường đi nước bước” của văn chương hiện đại. Ở một cuộc thi mang tính chuyên môn cao được tổ chức bởi Báo Văn nghệ vốn có truyền thống 70 năm gắn bó với nền văn học nước nhà, đương nhiên tác giả sẽ cân nhắc kỹ trước khi gửi tác phẩm. Vì thế, qua cuộc thi, giới chuyên môn và bạn đọc có thể nhận diện đời sống sáng tác trong giai đoạn 2015-2017.

Các tác giả đoạt giải cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015-2017.


Trong số 3.300 truyện ngắn dự thi, có 493 truyện được công bố trên Báo Văn nghệ. Đội ngũ tác giả đông đảo, sung sức, trong đó có nhiều tác giả đã xuất hiện và được trao giải tại các cuộc thi văn chương như Hoàng Hải Lâm, Vũ Thiên Kiều, Vũ Văn Song Toàn, Nguyễn Thị Việt Hà, Dương Giao Linh, Đinh Phương, Bùi Việt Phương, Chu Thu Hằng… Những cây viết có thâm niên trên văn đàn như Nguyễn Trường, Vũ Minh Nguyệt, Lê Ngọc Minh, Đinh Ngọc Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Vũ Khánh… cũng hăng hái tham gia. Nhiều tác giả có 4-5 truyện được đăng báo và lọt vào vòng xét giải. Điều đó cho thấy năng lượng của các cây bút còn dồi dào, cần được động viên.

Về chất lượng, Ban Tổ chức đã trao 13 giải, trong đó giải Nhất thuộc về chùm tác phẩm “Quà tặng tương lai”, “Vương quốc mộng mơ”, “Mùa thanh long” của nhà văn Nguyễn Trường. Lối viết của tác giả khá “thật thà”, câu từ không nhiều đặc sắc nhưng truyện nào cũng khiến độc giả xúc động, có lẽ vì chúng khơi đúng mạch văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Cũng thể hiện câu chuyện về sự tiếp biến văn hóa, tác giả Lê Vạn Quỳnh đoạt giải Nhì với truyện ngắn “Chiếc bàn của cha”, truyền tải thành công thông điệp: Di sản cha ông để lại vẫn tiếp tục tạo ra năng lượng, tiếp sức cho cuộc sống hôm nay và mai sau.

Nhiều bạn đọc chắc chắn thích lối hành văn hiện đại, tung tẩy, phá cách ở truyện “Giữ nhà”, “Bệnh tự miễn” của Phan Đình Minh - một trong hai tác giả giành giải Nhì, hay “Trăng Tiên Yên” của Vũ Khánh - giải Ba. Tác giả Phan Đình Minh mang tới câu chuyện bài học cuộc đời, lẽ sống, rất đáng để suy nghĩ. Vũ Khánh đi vào câu chuyện đối lập xấu - tốt, sáng - tối, giúp người đọc nhìn ra sự đa dạng của cuộc sống. Những cây bút khác như Đỗ Tiến Thụy với “Mộng thám hoa”, Vũ Thiên Kiều với “Sóng lúa”, Đinh Phương với “Hoa cải trắng sông”, Lê Nguyệt Minh với “Vết chân nào trên phố”… đều đi vào phận người ở những góc khuất khác nhau, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi. Các tác giả tạo sự thú vị khi tìm ra phương pháp tư duy hình tượng khác lạ…

Khơi thông dòng chảy

Theo tổng hợp của Ban Tổ chức, có nhiều tác giả trẻ tham dự cuộc thi, tác giả có tác phẩm đầu tay gửi đến khá đông đảo và tạo được ấn tượng. Nhưng, để vươn tới giải thưởng, để đạt tới trình độ viết văn chuyên nghiệp thì họ cần trau dồi nhiều hơn nữa, dù theo nhà văn Lê Minh Khuê, viết truyện ngắn vẫn cần có tài năng. Qua cuộc thi này, họ được va chạm, hiểu mình hơn, có được những bài học mới để bước tiếp trong chặng đường viết lách khó nhọc.

Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, truyện ngắn rất cần cho đời sống. Có những truyện hay, ôm trọn số phận con người Việt hôm nay. Nó không khiến người ta phải dành nhiều thời gian như với tiểu thuyết, mà giúp mỗi người dừng lại, suy nghĩ về cuộc sống, điều chỉnh mình. Vì vậy, thể loại này cần được tiếp tục khơi dòng sáng tác.

Tuy thế, như nhà văn Nguyễn Trường thẳng thắn nhìn nhận, văn học hiện nay đang bị cạnh tranh bởi những phương tiện nghe nhìn khác. Ở bất cứ đâu cũng thấy người cầm điện thoại, máy tính thay vì cầm sách. Có lẽ bởi những phương tiện nghe nhìn hiện đại cung cấp thông tin mang tính thời sự cao. Muốn cạnh tranh, văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng phải được viết hấp dẫn, theo dòng thời sự, tinh tế và đem đến nhiều điều bổ ích hơn. Theo kinh nghiệm của tác giả này, để thành công ở thể loại truyện ngắn, người viết phải khái quát được điều xã hội quan tâm, đi sâu và nói được tâm thức của dân tộc, làm lay động người đọc. Nhà văn Văn Chinh cũng cho rằng, điểm yếu của người viết văn trẻ là chỉ đề cập những điều nhỏ nhặt ở quanh mình, chưa quan tâm đến cái phổ quát có sức ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội.

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, đặc biệt trong truyện ngắn - thể loại xung kích, thì người viết càng cần chắt lọc từ ngữ tinh tế, sắc bén. Đọc 40 tác phẩm “tinh” nhất được chọn vào chung khảo cuộc thi, độc giả chưa thấy nhiều vẻ đẹp của câu chữ, những khai phá từ ngữ, diễn đạt thâm sâu, thấm thía. Phải chăng, các tác giả ngày nay trọng ý hơn văn? Theo nhà văn Văn Chinh, các tác giả trẻ có lợi thế về năng lực biểu đạt, ngôn ngữ phong phú, mới mẻ từ sự giao thoa, hội nhập quốc tế. Nếu họ làm chủ được ưu thế đó thì truyện ngắn nói riêng và văn học nói chung sẽ có nhiều bước tiến.

Qua trang văn của Báo Văn nghệ, những người cầm bút đã gửi trao nhiều món quà cho tương lai. Với người viết, đó là nguồn năng lượng có ý nghĩa tiếp sức, cổ vũ sáng tạo. Với độc giả, đó là sự khẳng định, văn học mãi là người bạn đồng hành, mở mang kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho truyện ngắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.