Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di sản chưa được xếp hạng: Cần được bảo vệ, tôn trọng

Thanh Thủy| 03/06/2018 07:35

(HNM) - Giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản với phát triển đô thị là câu chuyện luôn được đặt ra với nhiều địa phương trên cả nước.

Dinh Thượng Thư - dãy nhà cổ theo lối kiến trúc Pháp tại số 59 - 61 Lý Tự Trọng, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Thảo


Di sản cần được bảo vệ

Lo ngại việc phá dỡ Dinh Thượng Thư (Lý Tự Trọng, quận 1, TP Hồ Chí Minh) sẽ khiến di sản ký ức đô thị của thành phố ngày một vắng bóng, mới đây, một nhóm trí thức gồm những người sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh, người Việt trong và ngoài nước đã có bản kiến nghị gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị hủy bỏ phương án xây mới trung tâm hành chính trên nền công trình cổ hơn 130 tuổi này.

Đại diện nhóm trí thức, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Ngô Viết) khẳng định: "Công trình Dinh Thượng Thư được biết đến như một công sở hành chính sớm nhất, nằm trong “vùng di sản, vùng ký ức” của thành phố, góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo nên không gian đô thị từ những buổi đầu tiên". Hiện nay ở địa phương, hầu như không còn công trình nào có tuổi đời và hình thức kiến trúc như thế tồn tại. Đây là lý do để bảo tồn công trình như một nhân chứng của lịch sử phát triển đô thị nói chung và lịch sử kiến trúc của thành phố nói riêng.

Việc lựa chọn phương án xóa bỏ tòa nhà để nhường chỗ cho công trình mới là không thỏa đáng, nhất là với lý do “không nằm trong danh sách bảo tồn”. Với những di sản kiểu này, cần có cách ứng xử thận trọng, linh hoạt để không xảy ra những điều đáng tiếc, mà trước hết là cần đưa những công trình có giá trị như trên vào diện bảo tồn.

Cũng giống với công trình Dinh Thượng Thư, Di chỉ Vườn Chuối thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội với dấu vết hàng nghìn năm lịch sử đang đứng trước nguy cơ biến mất, bởi một dự án xây dựng khu đô thị mới. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa bày tỏ: "Di chỉ Vườn Chuối là một trong rất ít di chỉ ở khu vực Hà Nội có niên đại hàng nghìn năm, suốt từ thời tiền Đông Sơn đến Đông Sơn".

Tuy nhiên, dù trải qua nhiều đợt khảo cổ với khối lượng di vật đồ sộ được phát hiện, góp phần làm rõ nhiều bí ẩn trong lịch sử, đến giờ di chỉ vẫn chưa được đưa vào danh sách kiểm kê di tích, dẫn tới nguy cơ bị phá hủy bất cứ lúc nào. Để ngăn chặn tình trạng này, việc cần thiết bây giờ là các cơ quan liên quan cần phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ, đánh giá tình hình khai quật di chỉ trong những năm qua làm cơ sở xếp hạng, từ đó đưa di sản vào khuôn khổ pháp luật để có hướng bảo vệ, phát huy cho phù hợp.

Tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn

Di chỉ Vườn Chuối và công trình Dinh Thượng Thư chỉ là hai trong số nhiều di sản văn hóa, lịch sử đang đứng trước nguy cơ mai một do không nằm trong diện khoanh vùng bảo vệ. Thực tế này khiến không ít di tích có tuổi đời từ trăm đến nghìn năm tuổi với những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa không thể phủ nhận, rơi vào tình trạng không được quan tâm đúng mức, yếu thế trước những lựa chọn, cân nhắc giữa bảo tồn và phát triển, gây nhiều tiếc nuối. Có thể kể đến di tích “Nhà thờ đổ” ở Nam Định đã và đang bị "bỏ mặc" cho thời gian và thủy triều tàn phá, dù giá trị và tiềm năng phát triển du lịch rất lớn; hay tòa nhà Hòa Giải, Xưởng cơ khí Ba Son (TP Hồ Chí Minh) đã bị biến mất hoàn toàn vì những lý do phát triển...

Tuy nhiên, cũng trong thực tế, có không ít di tích thoát khỏi nguy cơ bị phá hủy hay di dời nhờ phản ứng từ dư luận xã hội mà câu chuyện của Nhà máy Kẽm Quảng Yên (Quảng Ninh) là ví dụ điển hình... Điều đáng nói, điểm chung của những di sản này là đều chưa phải di tích nhưng lại có vai trò quan trọng trong cấu trúc không gian, tạo lập giá trị lịch sử, văn hóa của đô thị đã được cộng đồng quan tâm, thừa nhận.

Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, kiến trúc sư Lê Thành Vinh nhận định: "Tiếp cận một di sản, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn". Nếu nhìn nhận giá trị di sản chỉ dựa trên phương diện hành chính (xếp hạng) thì sẽ dễ dẫn đến cực đoan. Bởi trong thực tế, nhiều di sản chưa được xếp hạng nhưng giá trị văn hóa, lịch sử của nó là không thể phủ nhận, chưa kể còn có nhiều di sản khác có vai trò quan trọng trong cấu trúc không gian, tạo lập giá trị lịch sử, văn hóa.

Khắc phục tình trạng này, cần có những danh sách khác, những cách phân loại khác để khẳng định giá trị của các di sản phụ trợ thông qua việc bổ sung các quy định chi tiết hơn về di sản đô thị, các nhân tố cấu thành di sản đô thị trong Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, trong phạm vi đô thị của mình, các nhà quản lý ở các góc độ khác nhau: Đô thị, kiến trúc, văn hóa… cũng cần có những quy định phù hợp để giữ lại giá trị của các nhân tố đã trở thành di sản.

Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho rằng: "Không bảo tồn di sản văn hóa tức là đang xóa bỏ lịch sử của vùng đất đó. Các cơ quan truyền thông cần phát huy vai trò đặc biệt của mình bằng việc thông tin kịp thời những kiến thức tri thức khoa học mới về di sản, phản ánh ý kiến nhiều chiều từ người dân, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư… để ngăn chặn những hành vi vi phạm hay phá hoại di sản văn hóa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản chưa được xếp hạng: Cần được bảo vệ, tôn trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.