Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ Di chỉ Vườn Chuối - Việc không thể chậm trễ

Thanh Thủy| 22/07/2018 08:11

(HNM) - Bất chấp yêu cầu bảo vệ, gìn giữ nguyên trạng của UBND TP Hà Nội, mới đây công tác san lấp mặt bằng lại tiếp tục được tiến hành tại Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức với nhiều hố khảo cổ bị xóa sổ.

Công tác khảo cổ tại Di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức). Ảnh: Linh Anh


Bấp bênh số phận một di sản

Được phát hiện từ năm 1969, Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối với tổng diện tích khoảng 19 nghìn mét vuông đã chứng minh giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng lớn từ hàng nghìn hiện vật, dấu vết quý hiếm còn tồn tại từ thời văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho hay, Di chỉ Vườn Chuối là một trong những di tích chứa đựng dấu tích sinh sống của cư dân từ hơn một nghìn năm trước hiếm hoi còn sót lại, thể hiện nơi đây từng là trung tâm tụ cư, trung tâm văn hóa phía Tây Hà Nội thời Hùng Vương và tiền Hùng Vương. Đây là nguồn tư liệu đồ sộ giúp hậu thế hiểu rõ hơn về thời kỳ này. Cho đến nay, 90% di tích kiểu này không còn. Điều này cho thấy những nguy cơ đang đe dọa Di chỉ Vườn Chuối là rất đáng báo động.

Với giá trị văn hóa, lịch sử to lớn như vậy, nhưng sau nhiều năm tiến hành khảo cổ, nghiên cứu, được nhiều nhà khoa học lên tiếng bảo vệ, Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vẫn nằm ngoài danh sách di tích được kiểm kê của TP Hà Nội, kéo theo nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Là khu vực canh tác của người dân, Di chỉ Vườn Chuối chịu nhiều áp lực từ việc đào hố trồng cây cũng như tình trạng rễ cây xâm lấn phá vỡ nhiều tầng văn hóa của di tích.

Dấu tích của quá trình khảo cổ cũng thu hút sự chú ý của nhiều người. Tiến sĩ Bùi Hữu Tiến (Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong nhiều năm, đặc biệt từ khoảng năm 2008 đến 2014, địa chỉ này bùng phát tình trạng đào trộm đồ cổ, khiến Di chỉ thất thoát nhiều di vật quý.

Việc không thuộc diện được bảo vệ còn khiến một phần Di chỉ nằm trong Dự án Quy hoạch đường nối từ quốc lộ 32 đến Đại lộ Thăng Long. Đáng nói, từ năm 2007, khu vực Di chỉ này đã được giao cho một đơn vị thi công Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch khiến "số phận" của Di chỉ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai xây dựng của chủ đầu tư cũng như bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, bà Đoàn Thị Thanh Thảo cho biết, hiện chủ đầu tư đã trình Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhưng không đề cập đến Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Sở đang tiến hành thẩm định, lấy ý kiến của các ngành liên quan để trình thành phố thời gian tới. Nếu ngành Văn hóa không khẩn trương tham gia ý kiến, sẽ không có cơ sở để đề xuất bảo tồn.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Thực tế, ngay trong thời gian chờ đợi quyết định từ cơ quan chức năng, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 6496/UBND-KGVX ngày 21-12-2017 yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phối hợp với Ban quản lý Dự án “Bảo vệ, gìn giữ nguyên trạng Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối”, nhưng từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến nay, phía chủ đầu tư Khu đô thị mới vẫn tiến hành san lấp mặt bằng, vùi lấp nhiều hố khảo cổ, đe dọa xóa sổ di tích. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần có thêm nhiều giải pháp mới, quyết liệt hơn và đặc biệt là không thể chậm trễ cho vấn đề bảo tồn Di chỉ.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, cần nhanh chóng tiến hành một số giải pháp cấp bách, trước mắt là tiến hành sưu tầm, tập hợp toàn bộ các hồ sơ di tích, di vật đã nghiên cứu, đưa ra đánh giá sơ bộ, đồng thời tiến hành điều tra, thám sát khảo cổ học kỹ lưỡng để đánh giá đúng hiện trạng và tiềm năng, từ đó đưa ra hướng bảo tồn phù hợp Di chỉ Vườn Chuối.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Văn Huy cho rằng, giá trị đa phương diện của Di chỉ Vườn Chuối là không thể phủ nhận. Vì vậy, cần khẩn trương có những nghiên cứu, đánh giá phù hợp, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng để Di chỉ được nằm trong diện bảo vệ của các bộ luật hiện hành.

Cùng với đó, cần tiếp tục tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ học để tham mưu với thành phố hướng bảo vệ tốt hơn, như đề xuất chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch khu đô thị nhằm giữ lại Di chỉ hoặc có thể định hướng Di chỉ trong khu vực không gian xanh như vườn hoa, công viên để vừa bảo tồn, vừa bảo đảm lợi ích cho khu đô thị.

Đại diện Sở VH-TT Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Trương Minh Tiến cho biết, sẽ sớm xây dựng kế hoạch trình UBND TP Hà Nội cho triển khai thám sát tổng thể 19 nghìn mét vuông Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối; tập hợp, hoàn thiện hồ sơ khoa học cũng như thu thập hiện vật trong quá trình 8 lần khai quật khảo cổ để trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Sở cũng đề xuất UBND thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc yêu cầu chủ đầu tư tính toán điều chỉnh quy hoạch chi tiết mới thông qua hội đồng thẩm định quy hoạch kiến trúc nhằm có hướng bảo tồn Di chỉ hài hòa với phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ Di chỉ Vườn Chuối - Việc không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.