Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách tiếp cận kịch mới cho khán giả Việt

Thụy Du| 09/12/2018 07:41

(HNM) - Sau 3 đêm diễn được khán giả Thủ đô tán thưởng, vở kịch kinh điển “Cậu Vanya” của nhà văn Nga Chekhov, do Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Không tường (Nhật Bản) hợp tác thực hiện, tiếp tục hành trình chinh phục khán giả Quảng Ninh, Hải Phòng và đất nước “Mặt trời mọc” trong năm 2019.


- Khán giả Việt Nam đã gặp đạo diễn và Nhà hát Không tường tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội năm 2016 với vở “Chim hải âu” giành giải Vàng. Có phải từ đây ông muốn hợp tác dàn dựng kịch tại Việt Nam?

- Tôi đã làm việc với nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ từ trước đó rồi, khi các diễn viên sang Nhật Bản tập huấn và lưu diễn. Chúng tôi đã cùng hợp tác chính vở “Chim hải âu” của Chekhov rất thành công, nên lần này, hai nhà hát “bắt tay” làm vở kịch nữa của tác giả này.

- Một vở kịch Nga, một đạo diễn Nhật Bản với diễn viên của Việt Nam và Nhật Bản cùng đứng trên sân khấu, có vẻ như không ăn nhập lắm...

- Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm chung. Việt Nam và Nga hay Nhật Bản và Nga nhìn sâu sẽ thấy nhiều nét tương đồng về mặt văn hóa. Bản thân tôi đã từng sống và học tập kịch nghệ tại Nga. Một số diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ trong vở kịch cũng đã từng học tập tại Nga nên chúng tôi nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa, vở kịch “Cậu Vanya” dù được Chekhov viết vào thế kỷ XIX, nhưng không xác định bối cảnh cụ thể. Chúng ta có thể đặt nó ở bất cứ đâu, một vùng quê nào đó ở Việt Nam hay Nhật Bản đều hợp lý.

- Như đạo diễn nói, vở kịch viết vào thế kỷ XIX, vậy ông làm thế nào để thuyết phục khán giả ngày nay?

- “Cậu Vanya” chứa đựng những thông điệp vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay về cái đẹp, niềm tin cần được khơi lên... Đó chính là lý do vở kịch xếp vào hàng kinh điển và được dàn dựng ở nhiều quốc gia. Với sự kết hợp lần này, tôi chọn những chi tiết, những điểm nổi bật, phù hợp với thời kỳ hiện đại và dàn dựng theo lối đương đại ước lệ. Nên so với những trang viết trong kịch bản thì “Cậu Vanya” trên sân khấu sôi động hơn, giàu sức sống hơn.

- Thú vị là trên sân khấu, diễn viên Việt Nam nói tiếng Việt, diễn viên Nhật Bản nói tiếng Nhật, song họ kết hợp khá nhuần nhuyễn. Quá trình tập luyện thế nào để đạt được kết quả như vậy, thưa đạo diễn?


- Nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ Nhật Bản đều có những tố chất phù hợp với kịch Chekhov, đó là khả năng diễn nội tâm và hình thể. Trong 3 tháng luyện tập, chúng tôi cùng nhau chia sẻ về ngôn ngữ, cách diễn. Tôi tôn trọng sự sáng tạo của mỗi diễn viên để nhập vai và hòa cùng bạn diễn. Vì thế, khán giả sẽ được tiếp cận với một vở kịch mới mẻ, đa dạng văn hóa, đa dạng ngôn ngữ, nhiều thủ pháp sân khấu hiện đại. Họ cũng làm quen với việc vừa đọc phụ đề vừa xem diễn xuất.

- Vở kịch ra mắt đã được khán giả khen ngợi nhiều, vì có những chi tiết rất Việt Nam. Chắc ông đã tìm hiểu rất kỹ văn hóa Việt Nam?

- Chi tiết làm nên vở kịch. Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều cách xưng hô như ông, bà, anh, em, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ… Đấy là nét riêng của các bạn, là điều tạo nên “chất” Việt cho vở kịch. Vì thế tôi đã làm việc nhiều với người phiên dịch và diễn viên để chuốt lời thoại, giúp khán giả Việt dễ bước vào vở kịch và cảm nhận những điều mới mẻ khác.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách tiếp cận kịch mới cho khán giả Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.