Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người hơn nửa thế kỷ giữ nghề nặn phỗng đất

Ảnh và bài: Thanh Nhàn - Thanh Huyền| 01/02/2019 15:01

(HNMO) - Ba đời gắn bó với nghề nặn phỗng đất, gia đình ông Phùng Đình Giáp ở làng cổ Đông Khê (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn miệt mài lưu dấu giá trị truyền thống xứ Kinh Bắc.


Canh cánh nghề cổ truyền của cha ông 

Tôi gặp ông Giáp vào một chiều cuối năm tại gian hàng trưng bày đồ chơi dân gian trên đường Phùng Hưng. Cách ông say sưa nói về phỗng đất làng Hồ, cách ông nâng niu đứa con tinh thần của mình đã họa nên chân dung một con người nặng lòng với nghề truyền thống. Hơn 60 năm làm bạn với đất thó, tượng phỗng không còn đơn giản là nghề mà đã trở thành một phần tâm hồn, máu thịt trong ông. 

Ông Phùng Đình Giáp - người cuối cùng ở làng Đông Khê còn giữ nghề nặn phỗng đất.


Trong kí ức của ông Giáp, phỗng đất từng là món đồ chơi yêu thích của lũ trẻ thôn quê. Mỗi độ rằm tháng Tám, bên cạnh mâm ngũ quả, ông tiến sĩ, đèn ông sao, nhiều gia đình ở một số tỉnh phía Bắc thường bày một bộ phỗng đất. Đó là hình ảnh đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt. 

Từ xa xưa, ông cha ta đã gửi gắm điều hay, ý đẹp, những giá trị văn hoa truyền thống lâu đời vào cỗ phỗng, để dạy dỗ, nhắc nhở con cháu về lối sống và đạo lý làm người. Một bộ phỗng đất thường có năm nhân vật: Chim bồ câu thể hiện khát vọng hòa bình; con rùa gắn với biển cả bao la cùng truyền thuyết về Thần Kim Quy; người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống; còn con phỗng hình Phật đặt ở vị trí trung tâm với mong muốn nhắn nhủ con cháu sống thiện lành, đúng mực...

Cỗ phỗng truyền thống dịp Tết Trung thu


Theo truyền thống, phỗng đất chỉ bày bán vào dịp rằm tháng Tám hoặc Tết Nguyên đán. Do lợi ích kinh tế đem lại không cao, nhiều người dân trong làng chuyển dần sang làm vàng mã. Nghề làm phỗng đất cũng vì thế mà mai một dần. Canh cánh nghề cổ truyền của cha ông, ông Giáp vẫn quyết tâm bám nghề. Đồng hành cùng ông trên cuộc hành trình giữ nghề truyền thống là vợ ông, bà Nguyễn Thị Điểu. Ông trải lòng: “Tôi đến với nghề cũng vì một chữ duyên. Tôi làm nghề này không vì kinh tế, chỉ mong giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc, giữ lại những điều đẹp đẽ cho con cháu sau này”.

Người thổi hồn vào đất 

Tuy mang hình dáng đơn giản, nhưng hành trình từ hòn đất trở thành ông phỗng đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Theo lời ông Giáp, đất dùng để làm phỗng phải là đất thó (hay còn gọi là đất sét) được đào sâu dưới lòng đất, mang về phơi khô rồi giã nhỏ, sàng lấy phần mịn để ngâm cùng giấy bản cho nhuyễn. Giấy được ngâm trong nước khoảng một tuần cho mùn ra, tạo thành chất sền sệt đặc quánh. Giấy và bột đất thó được trộn với nhau bằng tay, đến khi hòa quyện tới độ dẻo, mịn, không dính tay thì đạt yêu cầu. 

Tuỳ theo thời tiết và kích cỡ mà sau khi nặn xong, tượng phỗng sẽ được đem phơi nắng từ 3 - 5 ngày và hoàn toàn tránh nước. Do tính đặc trưng của đất thó, tượng phỗng không thể làm khô bằng phương pháp nung hay sấy ở nhiệt độ cao. Tuy vậy, phỗng đất vẫn có độ cứng và bền nhất định. Khi đã khô, tượng phỗng được phủ một lớp hồ trắng. Đó là hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỷ lệ chuẩn, lọc qua khăn cho đến khi thật mịn. Lớp hồ này sẽ giúp cho tượng phỗng đất thêm bóng và đẹp mắt hơn. 

Công đoạn cuối cùng là vẽ màu. Tông màu chủ đạo để tô cho phỗng là đỏ, vàng, xanh, đen. Đây là những gam màu truyền thống, khi vẽ lên sẽ tạo cảm giác thân thuộc, gắn bó. Ngoài ra, gia đình ông Giáp còn sản xuất thêm loại phỗng không vẽ màu mà chỉ được phủ hồ trắng rồi đánh bóng bằng cật tre, tuy đơn giản nhưng lại được nhiều người ưa chuộng. Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, bộ tượng phỗng đất hình lợn được nhiều người đặt làm nhất. Hình tượng lợn mẹ và năm chú lợn con quây quần bên nhau thể hiện sự sung túc, ấm no, đủ đầy trong năm mới.

Hình tượng lợn - linh vật của xuân Kỷ Hợi được nhiều người tìm mua

Phỗng đất có bề ngoài đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có kĩ thuật nặn tinh xảo và cầu kỳ. Từng công đoạn, từ chuẩn bị đất sét đến vẽ màu đều được hai nghệ nhân già làm một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Ông Giáp dùng kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo để cảm nhận độ mịn của đất và tạo nên tổng thể hình dáng của phỗng bằng việc nắn, vuốt. Đường nét trên tượng phỗng không góc cạnh mà mềm mại, tự nhiên. Phỗng đất không có quá nhiều chi tiết phức tạp mà toát lên vẻ dân dã, thanh thoát, mang đậm hồn cốt của làng quê Việt Nam xưa.

Trong thời đại 4.0, đồ chơi hiện đại đang lấn át dần những sản phẩm truyền thống. Thế nhưng, phỗng đất vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng những con người trân quý nghệ thuật dân tộc. Bởi nó không chỉ là một phần ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ mà còn cất giữ những giá trị văn hóa lâu đời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người hơn nửa thế kỷ giữ nghề nặn phỗng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.