Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quảng bá văn hóa ẩm thực: Không chỉ chờ “hữu xạ tự nhiên hương”

Hoàng Lân| 01/03/2019 16:33

(HNMO) - Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội đã kết thúc. Dư âm về các hoạt động quảng bá văn hóa, đặc biệt là ẩm thực đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Bản sắc văn hóa Việt qua các món ăn

Đến giờ, chị Nguyễn Thị Lan - chủ thương hiệu bánh khúc Cô Lan vẫn còn nguyên cảm xúc phấn khởi vì là một trong chín thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội được góp mặt quảng bá văn hóa Việt Nam tại Trung tâm Báo chí quốc tế của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên. Với chị, những ngày tham gia quảng bá, giới thiệu ẩm thực đến các nhà báo quốc tế đã mang đến nhiều niềm vui và tự hào.

Chị Nguyễn Thị Lan trong gian hàng tại Trung tâm Báo chí quốc tế.


Chị kể, từ tờ mờ sáng đã dậy để chuẩn bị thực phẩm mang vào Trung tâm Báo chí quốc tế. Sự háo hức, hồi hộp không giống mọi lần, bởi lần này thực khách là hơn 2.600 phóng viên quốc tế và 500 phóng viên trong nước, những người có thể giúp truyền đi thông điệp về văn hóa, nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam.

Chị Lan cho biết, món bánh khúc Cô Lan đã nổi tiếng với người Hà Nội nhưng với nhiều vị khách quốc tế, đó vẫn là một món ăn mới. Để bánh ngon, chị mang số lượng vừa phải - khoảng 300 chiếc vào gian hàng, số còn lại bảo quản cẩn thận ở nhà. Khách ăn đến đâu bánh được hấp đến đấy.

“Nhiều vị khách tỏ ra thích thú khi bánh được hấp nóng tại chỗ, bốc hơi nghi ngút, rồi được gói bằng lá chuối tươi, để trên những chiếc mẹt bằng tre xinh xắn. Họ thưởng thức với sự hào hứng và lịch sự”, chị Lan cho biết. Theo chị Lan, với những món bánh truyền thống của Hà Nội, chị cố gắng mang đến những hình ảnh thật về Việt Nam từ khâu trang trí món ăn cho đến cách thức bày biện gian hàng.

Còn với hai nghệ nhân ẩm thực làng Phú Thượng, chị Nguyễn Thị Tuyến và Nguyễn Thị Loan, đây không phải là lần đầu tiên xôi chè Phú Thượng được mời tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa, chiêu đãi khách nước ngoài, nhưng lần này sự chờ đợi từ hai nghệ nhân cũng khác trước.

Hai nghệ nhân ẩm thực làng Phú Thượng, Nguyễn Thị Tuyến và Nguyễn Thị Loan.


“Hơn 2.600 phóng viên quốc tế đến Hà Nội dịp này, cơ hội tốt để chúng ta quảng bá, giới thiệu món ăn Việt Nam ra thế giới”, chị Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Phú Thượng nói. Trong những ngày phục vụ tại Trung tâm Báo chí quốc tế, hai nghệ nhân làng Phú Thượng đã mang đến nhiều hương vị đậm đà như: Xôi xéo, xôi vò, xôi ngô, xôi ngũ sắc... Chị Tuyến bảo, vì muốn các vị khách quốc tế thấy được xôi chè Phú Thượng có thể sáng tạo ra những món ăn phong phú, đa dạng, được làm từ cây, cỏ, hoa, lá của Việt Nam chứ không phải là từ phẩm màu nên dù thời gian gấp nhưng các chị vẫn chuẩn bị tươm tất món ăn theo đúng phương thức truyền thống.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyến, quảng bá thương hiệu xôi chè không chỉ dừng ở việc phục vụ sao cho tốt nhất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà các cơ sở ẩm thực cần có chiến lược quảng bá kỹ hơn, như có các poster giới thiệu món ăn bằng tiếng Anh.

“Sau lần phục vụ này, chúng tôi rút thêm nhiều kinh nghiệm trong khâu quảng bá. Chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu bằng cả tiếng Anh để truyền tải thông tin tốt hơn về xôi chè Phú Thượng tới các vị khách nước ngoài”, chị Tuyến tâm sự.

Bún thang được nhiều phóng viên quốc tế lựa chọn. 


Trong hoạt động quảng bá ẩm thực Hà Nội lần này, bún thang là một trong ba món ăn được phóng viên quốc tế lựa chọn nhiều nhất. Chị Minh Nguyệt, cháu của nghệ nhân ẩm thực Đoàn Văn Lai – đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện món ăn cho biết, bún thang được nhiều vị khách quốc tế tìm hiểu và ăn thử.

“Món ăn cầu kỳ này được chúng tôi giới thiệu bằng tiếng Anh trong thời gian 2-3 phút. Nhiều vị khách quốc tế sau khi nghe giới thiệu đã tỏ ra thích thú vì màu sắc của bát bún đẹp, lại có hương vị rất riêng”, chị Minh Nguyệt cho biết.

Một số đài truyền hình cũng ghi hình món ăn đậm phong cách của người Hà Nội.


Theo bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó phòng Quản lý di sản của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội, hoạt động quảng bá ẩm thực truyền thống của Hà Nội tại Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các vị khách quốc tế. Văn hóa ẩm thực Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam giàu truyền thống và văn hóa.

Những “đại sứ” quảng bá văn hóa

Trưa 28-2 vừa qua, nhiều người dân Hà Nội đã bất ngờ, thích thú khi nhìn thấy phái đoàn cấp cao của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên vào nhà hàng Ngon Garden (70, Nguyễn Du) để dùng bữa trưa. Phái đoàn đã lựa chọn thực đơn là những món ăn đậm văn hóa Việt Nam để thưởng thức như: Phở, bánh xèo, nem cua bể, chè tổ yến… Ngay lập tức, hình ảnh của những món ăn Việt Nam được giới truyền thông trong nước và quốc tế cập nhật trên các trang báo.

Món nem cua bể được nhắc đến nhiều vì xuất hiện trong thực đơn ăn trưa của phái đoàn Triều Tiên.


Bà Phạm Thị Hạnh, chủ quán Ngon Garden cho biết, những món ăn truyền thống Việt Nam rõ ràng có sức thu hút đặc biệt với các vị khách. Ẩm thực Việt Nam tinh tế và khi được trình bày khéo léo có thể thành những món ăn cao cấp để đãi khách quý.

Còn nhớ vào tháng 5-2016, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tới quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu và cùng ăn với đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông trong nước và thế giới. Món bún chả Việt Nam trở nên nổi tiếng toàn cầu. Đến nay, du khách đến Hà Nội cũng coi bún chả như một món ăn đặc trưng của Hà Nội.

Sự kiện cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ăn bún chả tại cửa hàng ở Lê Văn Hưu đã khiến cho món ăn này có sức thu hút với nhiều du khách quốc tế.


Rõ ràng, với sự xuất hiện của những chính khách cùng truyền thông quốc tế đã góp phần rất lớn trong việc quảng bá văn hoá ẩm thực Việt, đồng thời cũng góp sức để quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Dù vậy, việc quảng bá văn hóa ẩm thực cũng không thể chỉ chờ vào những sự kiện như vậy mà còn cần hơn nữa những kế hoạch quảng bá bài bản. Cũng vì lẽ đó, nhân dịp gần 3.000 nhà báo quốc tế có mặt tại Hà Nội đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, nhiều địa chỉ ẩm thực của Hà Nội đã có chính sách miễn phí cho các phóng viên có thẻ thác nghiệp về hội nghị. 

Theo đó, các địa chỉ ẩm thực phục vụ miễn phí phóng viên quốc tế là: Bún chả Hà Nội của Nhà hàng Ẩm thực quà quê, bánh cuốn Thanh Trì bà Hoành (số 66 Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng); bún thang Hà Nội của Công ty TNHH Lai Nhật Linh (số 43 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm); phở Thìn của Phở Thìn Bờ Hồ (số 61 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm); xôi chè của Câu lạc bộ Xôi chè Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ); bánh khúc của cơ sở Bánh khúc Cô Lan (số 1, ngõ 4, Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình); giò chả của cơ sở sản xuất kinh doanh giò chả nem chua bánh chưng Đức Tín (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai); chả cốm của làng cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); chè sen Tây Hồ của một cơ sở ẩm thực tại quận Tây Hồ, cà phê trứng của Cafe Giảng (39 Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm).

Cafe Giảng là địa chỉ hấp dẫn nhiều khách quốc tế.


Văn hoá ẩm thực Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có sức hấp dẫn nhất định với khách nước ngoài, góp phần không nhỏ thu hút du lịch. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khâu quảng bá hiệu quả và thu hút hơn nữa chứ không chỉ chờ vào sự "hữu xạ tự nhiên hương". Mặt khác, những món ăn truyền thống này cần phải được nâng cấp cả về chất lượng và hình thức để hấp dẫn hơn với khách du lịch quốc tế mỗi khi đến Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng bá văn hóa ẩm thực: Không chỉ chờ “hữu xạ tự nhiên hương”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.