Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người bạn Triều Tiên giúp tạo dựng nền móng nghệ thuật múa Việt Nam

Th.s. NSƯT Như Bình| 03/03/2019 07:21

(HNM) - Giới nghệ thuật múa vô cùng xúc động nhớ lại, bày tỏ lòng tri ân đối với các thầy cô giáo đạo diễn của Triều Tiên đã nhận lời mời của Bộ Văn hóa Việt Nam sang giúp mở lớp diễn viên, sau đó dàn dựng 2 kịch múa cho Việt Nam.

Những ký ức về một thời được nghệ sĩ Chu Huệ Đức dạy kỹ thuật, huấn luyện cơ bản, còn Giáo sư Kim Tế Hoàng dàn dựng kịch múa Tấm Cám cho Đoàn ca múa trung ương và Ngọn lửa Nghệ Tĩnh cho Đoàn ca múa quân đội luôn còn mãi. Nhiều nghệ sĩ múa của năm 1957 còn nhớ mãi hình ảnh cô giáo Chu Huệ Đức từ sáng sớm đã có mặt lên lớp giờ cơ bản cổ điển châu Âu, sau 1h30 chuyển sang tập làm quen ngôn ngữ múa Triều Tiên. Ở múa cổ điển châu Âu tuy khó song còn tự tập tự ôn, vì đòi hỏi độ mở của cơ bắp, đòi hỏi sức bật, độ dẻo dai và nhảy cao, nhảy xoay vòng trên không... Nhưng giờ múa truyền thống của Triều Tiên đòi hỏi tiết tấu âm nhạc sử dụng trống, tay trái ôm và giữ trống còn tay phải cầm dùi trống. Dùi trống Triều Tiên làm bằng một cần dài, mỏng, khi sử dụng thì vung lên rồi phẩy vào mặt trống. Phải nói, thực hiện các điệu múa này là khó và rất khó bởi nghe được tiết tấu thì chân cần nhịp nhàng bước đi uyển chuyển, còn người phải vặn theo dáng của trống và tay phải vung lên, thậm chí còn xoay tròn một vòng, sau đó lướt nhẹ lên mặt trống tạo âm thanh không âm vang như trống của ta. Đặc trưng của múa Triều Tiên là dùng toàn bộ cơ thể uyển chuyển, nhịp nhàng hài hòa, kể cả cổ phải xoay ngang, xoay dọc, tay vung vẩy, cả khuỷu tay uốn lượn, không căng cứng mà chuyển động có lực ở bên trong theo tiết tấu, ánh mắt cũng có thể biểu hiện nội dung động tác múa. Chính độ kết hợp toàn thân đã tạo nên những màn múa tuyệt vời hấp dẫn và chuẩn xác, kể cả những màn đồng diễn của hàng nghìn diễn viên trên sân vận động cũng đều tăm tắp của Triều Tiên.

Học viên lớp của nghệ sĩ Chu Huệ Đức hồi đó không còn trẻ, hầu hết là diễn viên các đoàn Ca múa quân đội như Ngân Quý, Kim Loan, Ngọc Loan, Tuấn Hồng, Ngọc Bích; Ca múa trung ương có Phùng Nhạn, Lệ Cung, Thúy Quỳnh, Hồng Quỳ, Vân Quyên; Ca múa miền Nam có Kim Anh, Phan Thị Đành; Đoàn Tây Nguyên có Y Bơ Rơm; Ca múa miền Nam có Đặng Hùng. Nam của Ca múa quân đội có Trần Minh, Ngọc Canh, Vũ Toàn, Xuân Sơn; Ca múa trung ương có Mạnh Hùng, Anh Nghiêm, Thanh Hùng, Như Bình…

Hầu như học trò của nghệ sĩ Chu Huệ Đức đều đã từng tham gia trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trẻ nhất cũng 15-16 tuổi, còn lớn tuổi cũng ngoài 30 rồi. Do vậy tập kỹ thuật thật vất vả, nhưng do phương pháp và nhiệt tình mà cô giáo đã rèn nên một đội ngũ diễn viên solit của các đoàn và Giáo sư Kim Tế Hoàng thì đã sáng tác dàn dựng thành công 2 kịch múa.

Nói đến kịch múa là nói đến tác phẩm quy mô đồ sộ, các chương, đoạn, rồi khi múa duo (nam nữ hai người), lúc trio (múa ba người), có lúc tạo màn dư hứng, có khi tạo màn quần vũ. Có thể nói kịch múa là đỉnh cao của nghệ thuật múa, có cốt truyện, có mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn... Thông thường độ dài của kịch múa chừng 45-60 phút nhưng có khi đến 2 giờ.

Các năm 1959-1960, giáo sư Kim Tế Hoàng dựng cho Việt Nam 2 vở kịch múa. Nếu kịch múa Tấm Cám theo câu chuyện truyền thuyết dân gian, nội dung chính diễn tả cái thiện thắng cái ác, còn Ngọn lửa Nghệ Tĩnh là bài ca cách mạng, diễn tả cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt của công nhân Bến Thủy - Tràng Thi cùng nông dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đòi độc lập tự do, phá tan ách nô lệ của bọn chủ Tây và chính quyền thực dân, phong kiến. Hai kịch múa này là cơ sở để phát triển nền nghệ thuật múa cách mạng, bởi những năm kháng chiến chống Pháp nghệ thuật múa của chúng ta chưa phát triển. Các đoàn văn công quân đội hay Ca múa nhạc trung ương cũng chỉ có dăm ba điệu múa như múa lụa, múa trống ngũ lôi, múa nón đồng bằng hay múa cánh bướm rừng ban. Còn Ca múa quân đội có: Múa vui sản xuất, múa sạp... Thời kỳ đó chủ yếu là truyền vai, chưa có lớp hay sàn tập. Nhưng khi đến lớp múa của nghệ sĩ Chu Huệ Đức thì ngành múa dần nâng tầm vào quy củ, tập cơ bản, tập kỹ thuật, từ đó các diễn viên giải phóng cơ thể, làm chủ kỹ thuật và tham gia biểu diễn kịch múa.

Lớp múa của nghệ sĩ Chu Huệ Đức đào tạo hạt nhân làm nòng cốt cho xây dựng kịch múa Tấm Cám, Ngọn lửa Nghệ Tĩnh vào thời điểm năm 1960 - Đại hội lần thứ III của Đảng ta. Để chào mừng Đại hội, hai đoàn Ca múa quân đội và Ca múa trung ương dàn dựng 2 kịch múa đều do Giáo sư Kim Tế Hoàng trực tiếp xem xét nghiên cứu kịch bản và tìm hiểu ngôn ngữ múa dân tộc Việt Nam để tạo nên 2 kịch múa đậm đà tính cách dân tộc Việt Nam mà cũng thể hiện sâu sắc nội dung của tác phẩm.

Hai tác phẩm kịch múa được khởi công và dàn dựng khẩn trương để kịp chào mừng thành công Đại hội, là biểu hiện tình cảm của chuyên gia Triều Tiên yêu quý nhân dân Việt Nam. Riêng kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh còn được quay thành phim để chiếu rộng rãi, phục vụ công chúng.

Hai kịch múa đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Những nghệ sĩ trưởng thành từ lớp múa của nghệ sĩ Chu Huệ Đức và lớn lên trong hai kịch múa thời đó phải kể đến có Trần Minh, Vũ Toàn, Trần Phúc, Thanh Nga, Hoàng My, Nguyệt Ba… ở kịch Ngọn lửa Nghệ Tĩnh. Còn ở kịch Tấm Cám nổi lên Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Vân Quyên, Trịnh Thi, Anh Nghiêm, Mạnh Hùng, Như Bình, Mạnh Cường…

Nhờ sự huấn luyện kỹ thuật cơ bản, sự chỉ dẫn chi tiết từng động tác của chuyên gia Triều Tiên, các diễn viên Việt Nam đã tham gia luyện tập và biểu diễn thành công, tạo nên bước ngoặt phát triển mới của nghệ thuật múa nước nhà. Chúng ta có thể vui mừng tự hào và biết ơn các thầy cô Kim Tế Hoàng, Chu Huệ Đức là những người đặt nền móng cho sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Thành công 2 kịch múa đi cùng với sự trưởng thành của thế hệ nghệ sĩ từ những năm 1950 đến nay, chúng ta không thể nào không nhắc đến các nghệ sĩ nhân dân: Ngọc Canh, Trần Minh, Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Hồng Quỳ, Lê Khình, Y Bơ Rơm, Đặng Hùng… và các nghệ sĩ ưu tú: Vũ Toàn, Thanh Nga, Ngân Quý, Xuân Sơn, Hoàng My, Trần Phúc, Lệ Cung, Vân Quyền, Anh Nghiêm, Mạnh Hùng, Như Bình, Thanh Hùng, Xuân Ngọc, Sơn Viên, Hiền Minh… Những nghệ sĩ thế hệ học trò của thầy cô Kim Tế Hoàng, Chu Huệ Đức mãi mãi ghi sâu tấm lòng hết sức phục vụ cho sự nghiệp múa Việt Nam ngày càng phát triển. Công ơn của các thầy cô là nguồn động viên cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi cũng bày tỏ tấm lòng biết ơn Đảng và nhân dân Triều Tiên đã cử những người con ưu tú sang giúp nhân dân Việt Nam đào tạo những nghệ sĩ múa có năng lực phục vụ cho cuộc kháng chiến và kiến quốc của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng tình hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam - Triều Tiên sẽ mãi mãi xanh tươi, rực rỡ, đậm đà sắc hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người bạn Triều Tiên giúp tạo dựng nền móng nghệ thuật múa Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.