Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứ đốt đuốc mà đi

An Định| 21/03/2019 08:02

(HNMCT) - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tu sửa thành công 4 tác phẩm mỹ thuật quý giúp Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào). Đây là một dấu mốc có tính lịch sử đối với ngành bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (bìa phải) bàn giao tác phẩm Chân dung Hoàng thân Souphanouvong cho đại diện Bảo tàng Kaysone Phomvihane.


Nơm nớp lo như người giữ kho

Được thành lập năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện là nơi lưu giữ những bảo vật vô giá của nền mỹ thuật nước nhà với số lượng gần 20.000 hiện vật, gồm khoảng 18.000 hiện vật lưu giữ trong các kho bảo quản (tại Cơ sở 2) và 2.000 hiện vật đang trưng bày thường xuyên tại Cơ sở 1 (số 66, Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). Những hiện vật này phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình và tiêu biểu cho nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền sử cho đến ngày nay.

Tài sản càng lớn bao nhiêu thì công việc của người “giữ kho” càng nặng nề bấy nhiêu. Thời tiết khắc nghiệt, nóng ẩm mưa nhiều, nhiệt độ thay đổi nhanh cộng với điều kiện bảo quản kém đã khiến cho nhiều hiện vật bị hư hỏng nặng, đặc biệt là với các chất liệu dễ tổn thương như giấy, lụa, sơn dầu...

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng chia sẻ: “Giấy là một chất liệu được sử dụng phổ biến trong việc chế tác, lưu giữ các văn bản cũng như sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, nhưng chất liệu này rất dễ bị tổn thương, hư hại bởi tác động của con người và thời tiết, khí hậu, đặc biệt là tại Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ khoảng 5.000 tác phẩm chất liệu giấy, trong đó có nhiều tác phẩm mỹ thuật của các danh họa nổi tiếng”.

Đứng trước đòi hỏi của thực tế, năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thành lập Phòng Phục chế với các bộ phận chuyên môn khác nhau như: Tranh sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, giấy, lụa... nhưng công việc chủ yếu cũng chỉ mang tính bảo quản hay tu sửa những thứ đơn giản. Lý do bởi thiếu cả con người lẫn máy móc, kỹ thuật, kinh nghiệm, chi phí... trong khi mỗi hiện vật ở bảo tàng đều là bảo vật quốc gia nên ít ai dám liều. Thế là rất nhiều tác phẩm quý giá của mỹ thuật Việt Nam được cất kho trong nơm nớp lo toan.

Không chỉ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cả triệu hiện vật thuộc hơn một trăm bảo tàng trên khắp cả nước, cùng hàng triệu tác phẩm hội họa được lưu giữ tại các gallery, các bộ sưu tập của cá nhân cũng đang phải chịu đựng sự khắc nghiệt của khí hậu cũng như điều kiện bảo quản kém.

Họa sĩ Võ Bình, một chuyên gia trong lĩnh vực phục chế nhận xét: “Các sáng tác của họa sĩ Việt đa dạng, đẹp, nhưng vì nhiều lý do cá nhân, thời cuộc, kinh tế, mà chất liệu không được chú trọng khiến thị trường tranh hiện nay có thể nói đến 80% kém chất lượng. Chỉ sau 10 năm là bộc lộ các khuyết điểm như nứt sơn, giòn mặt, bong tróc, nấm mốc...”.

Từ “học việc”...

Năm 2004, được sự tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Hội đồng Nghệ thuật Australia và Tổ chức ASIALINK, chuyên gia Caroline Fry của Đại học Tổng hợp Melbourne đã đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để thực hiện dự án tu sửa, phục chế bức tranh Em Thúy - một kiệt tác của danh họa Trần Văn Cẩn.

Không lâu sau đó, hai bức tranh sơn mài khổ lớn là Nam Bắc một nhà của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Hội Chùa của họa sĩ Lê Quốc Lộc - Nguyễn Văn Quế cũng được tu sửa nhờ sự giúp đỡ từ Quỹ Bảo tồn văn hóa của Chính phủ Hoa Kỳ.

Cũng trong thời điểm này, Bộ Văn hóa - Thông tin (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay) ra quyết định thành lập Trung tâm Bảo quản - Tu sửa các tác phẩm nghệ thuật (trực thuộc Bảo tàng Mỹ thuật) để vừa kết hợp với các tổ chức quốc tế trong bảo quản, tu sửa tác phẩm, vừa để học hỏi, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm phục chế mỹ thuật cho cả nước.

Trong một thời gian khá dài sau đó, Trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Đức thông qua sự hợp tác với Viện Goethe và Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức). Các chuyên gia Đức sang làm việc tại Bảo tàng, đồng thời cán bộ, nhân viên của Trung tâm cũng được sang Đức để tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn.

Nhiều tác phẩm mỹ thuật thuộc các chất liệu như sơn dầu, giấy tiếp tục được tu sửa, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như: Bức tranh sơn dầu Mẹ con của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, Rượu cần của họa sĩ Kà Kha Sam, Tan ca mời chị em ra họp thi chọn thợ giỏi của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung...

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập Trung tâm, ông Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo quản - Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Thời điểm đó mọi thứ còn rất mới mẻ, chúng ta phải phụ thuộc vào chuyên gia, vừa xem vừa học cách làm vì trước đó có ai dạy đâu. Thấy người ta chống mốc bằng hành tây, mình cũng học theo, rồi vận dụng thêm những kinh nghiệm bản thân, học hỏi họ kỹ thuật, cũng như cách sử dụng những vật tư, vật liệu của nước ngoài”.

Tuy nhiên, không phải cái gì có chuyên gia cũng xong. Với những chất liệu truyền thống như sơn mài, gần như chúng ta phải tự lực hoàn toàn. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm hầu hết đều xuất thân là họa sĩ sáng tác, họ dùng luôn kinh nghiệm làm nghề của bản thân để tu sửa. Với những chất liệu có nguồn gốc châu Âu như sơn dầu, hay khó tu sửa như giấy, lụa, dù phải nhờ đến chuyên gia, nhưng đôi khi chuyên gia cũng cảm thấy khó xử bởi sự sáng tạo trong chất liệu của họa sĩ Việt Nam.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Trong thời kỳ kháng chiến, nguyên vật liệu dùng cho mỹ thuật hết sức khó khăn, chủ yếu dựa vào viện trợ của các Hội Mỹ thuật Liên Xô, CHDC Đức hay những nguyên vật liệu của Việt Nam sản xuất được cũng đều phải phân phối”. Chính vì vậy các họa sĩ vẽ bằng mọi chất liệu, thậm chí pha trộn, không tính đếm đến công thức như thế nào.

“Họ vẽ để thỏa đam mê sáng tác nên có chất liệu nào vẽ chất liệu đó mà khi tu sửa chúng tôi cũng không lường được. Chẳng hạn một số tranh của họa sĩ thời Đông Dương và thời chống Mỹ cứu nước, người ta pha trộn cả dầu lanh với bột màu và vẽ trên mọi chất liệu, thậm chí trên bìa nên ngay cả chuyên gia cũng cảm thấy rất khó xử khi gặp tình trạng như thế”, ông Trần Dũng Tiến chia sẻ.

Thế là các chuyên gia đến từ Australia, Mỹ, Đức... cùng với đội ngũ cán bộ Trung tâm phải vừa làm, vừa mò mẫm, “Đông Tây y kết hợp” mà “chữa trị” cho hàng trăm tác phẩm mỹ thuật quý giá.

...đến giấc mơ thành chuyên gia

Cách đây vài năm, khi sang tập huấn phục chế tranh sơn dầu cho Bảo tàng Mỹ thuật, bà Marina Langner, chuyên gia phục chế của Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức) gợi ý, Trung tâm cần có một cái kính hiển vi điện tử loại tốt mới có thể tiến hành được công việc, kỹ thuật đã học hỏi được, mà cái kính đó cũng không quá nhiều tiền. Kể lại chi tiết này để thấy, chúng ta đã bắt đầu lĩnh vực tu sửa mỹ thuật từ chỗ thiếu thốn trăm bề. Đến cái bàn là chuyên dụng để làm phẳng mặt tranh cũng không có mà phải dùng... gạch.

Vậy mà chỉ ít năm sau, Trung tâm Bảo quản - Tu sửa các tác phẩm nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có thể tự tin cho biết, họ đã giải quyết tương đối bài toán bảo quản, tu sửa với số lượng khoảng hơn một trăm hiện vật mỗi năm mà không cần phải tốn tiền thuê chuyên gia nước ngoài.

Và mới đây nhất, Trung tâm đã tu sửa thành công 4 tác phẩm mỹ thuật bị hư hại nặng của Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào). Đó là 4 tác phẩm thuộc 4 chất liệu khác nhau, gồm bức Chân dung Lê Nin bằng gỗ ép, Chân dung Fidel Castrobằng giấy, Chân dung Hoàng thân Suphanouvong bằng chất liệu sơn dầu và bức tranh lụa Vịnh Hạ Long của họa sĩ Trần Đông Lương.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện một số dự án tu sửa cho các tổ chức khác như: Bảo quản tu sửa các hiện vật cho Hội trường Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Nhà Rồng, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng - Điềm Phùng Thị...

Tuy nhiên, với nhân sự chỉ có 11 người, hoạt động của Trung tâm Bảo quản - Tu sửa thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ cho nhu cầu của riêng Bảo tàng, chưa nói đến việc có thể đảm nhận trách nhiệm cho hệ thống hơn 160 bảo tàng trên khắp cả nước, trong đó có 125 bảo tàng công lập, với hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ. Và đáng nói hơn, hành trình của những người làm bảo quản, tu sửa ở Việt Nam hiện nay vẫn là “đốt đuốc tìm đường” bởi ngoài học chuyên gia, ngoài những khóa đào tạo ngắn hạn thì trong nước chưa có bất cứ một trường, một khoa nào có đào tạo chính quy về lĩnh vực này.

Không chỉ ở Trung tâm mà hầu hết chuyên gia trong lĩnh vực phục chế tranh tại Việt Nam đều trưởng thành theo con đường tự học. Chẳng hạn như họa sĩ Nguyễn Lâm, người phục chế thành công bức tranh sơn mài Đám rước của danh họa Nguyễn Gia Trí cũng là một thầy dạy vẽ tranh sơn mài. Ông phục chế bức tranh hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm với sơn mài và sự hiểu biết sâu sắc về cách dùng màu của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Chuyên gia phục chế tranh Võ Bình từng cho biết: "Dù anh đã chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn sang châu Âu thọ giáo nghề phục chế tranh tại các lớp học ngắn hạn ở Bỉ, Pháp nhưng khi trở về Việt Nam, những kỹ thuật bài bản học được nơi trời Tây tựa như muối bỏ biển, bởi không thể áp dụng rập khuôn vào thực tế".

Nguyên nhân, theo họa sĩ Võ Bình là do môi trường sáng tác của họa sĩ Việt Nam hoàn toàn khác biệt, tranh vẽ khi là giấy tập học sinh, tấm bìa cứng, bao bố, toan kém chất lượng, sơn vẽ pha dầu hôi, có tác phẩm nghiền cả nếp bánh chưng trộn màu rồi vẽ... Những kỹ thuật học được ở châu Âu với quy tắc chuẩn mực đều không tương thích khi áp dụng phục chế tranh Việt.

Bởi vậy, để có thể tự chủ nguồn nhân lực cho ngành phục chế, tu sửa tranh, để những người làm phục chế thực sự là chuyên gia trong nước và khu vực chứ không phải họa sĩ tay ngang, cứ mò mẫm đi theo kiểu góp nhặt kinh nghiệm Đông - Tây thì công tác đào tạo phải được đặt ra một cách cấp thiết!

Họa sĩ Nguyễn Văn Thuật, chuyên gia bảo quản, tu sửa của Trung tâm Bảo quản - Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam:

Các hiện vật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều là bảo vật quốc gia nên chúng tôi không thể sơ suất. Trước khi tu sửa bất cứ tác phẩm nào, cũng phải tự nghiên cứu xem tác phẩm ấy hỏng đến đâu, rồi đưa ra các phương án cho hội đồng đánh giá, khi phương án đã được duyệt, anh em mới bắt tay vào làm. Đây là một công việc đòi hỏi hết sức tỉ mỉ. Chẳng hạn như với bức tranh lụa Vịnh Hạ Long của họa sĩ Trần Đông Lương, khó ở chỗ tranh này được bồi lên tấm gỗ, trong khi tranh lụa và giấy tối kỵ bồi trên gỗ, chỉ bồi trên giấy nên khi hỏng gỡ tranh ra khỏi gỗ là rất khó khăn. Tôi phải mất gần một tháng để gỡ từng bộ phận một sau đó mới tiến hành tu sửa.

Làm tu sửa mỹ thuật cũng giống như sáng tác là phải có đam mê. Bản thân tôi là một họa sĩ sáng tác tranh lụa, tốt nghiệp Khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tôi bắt tay vào công việc này bằng chính trải nghiệm tự sửa tranh cho mình bởi ở Việt Nam chưa có trường, khoa nào đào tạo về lĩnh vực này. Chúng tôi hầu hết đều phải tự mày mò, tự tìm tài liệu trong và ngoài nước để đọc, sau đó kết hợp với kinh nghiệm cá nhân áp dụng vào công việc. Bên cạnh đó, phương tiện kỹ thuật máy móc cũng thiếu thốn nên đa phần đều phải tự khắc phục, làm theo những cách riêng để đạt hiệu quả tốt nhất cho tác phẩm.

TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa:

Công việc của cán bộ bảo quản, tu sửa tương tự như người thầy thuốc, kèm theo sự am hiểu về nghệ thuật là kỹ năng khéo léo của người thợ thủ công. Sự cộng tác liên ngành chính là đặc điểm của công việc bảo quản và tu sửa hiện vật ngày nay. Do vậy, các cán bộ bảo quản - tu sửa không làm việc một cách đơn độc với chuyên môn của riêng mình về khoa học nhân văn hoặc khoa học tự nhiên như nghệ thuật, lịch sử văn hóa, hóa học... mà họ thường làm việc theo nhóm với các chuyên gia để đưa ra những biện pháp bảo quản hiện vật trong từng trường hợp riêng.

Để thực hành chuyên môn đặc biệt này, cán bộ bảo quản - tu sửa ít nhất phải có trình độ đại học về nghệ thuật hoặc khoa học chuyên ngành. Sau đó được đào tạo thêm, nâng cao về một số lĩnh vực: Lịch sử nghệ thuật và lịch sử văn minh, phương pháp nghiên cứu và tư liệu hóa, kiến thức về công nghệ và vật liệu, lý thuyết và đạo đức nghề bảo quản, tính chất hóa học, sinh học và vật lý của quá trình hư hỏng hiện vật và phương pháp bảo quản. Điểm đặc biệt của cán bộ bảo quản - tu sửa là họ phải được thực hành nhiều để rèn luyện cho được sự nhạy cảm khi chẩn đoán hiện trạng của hiện vật và kỹ năng chuẩn khi thao tác trị liệu các hư hỏng của hiện vật. Hơn nữa, hiểu biết về hiện vật là điều kiện tiên quyết để quyết định cho phép hành nghề bảo quản. Các phương pháp bảo quản có thể là đầy thiện chí nhưng nếu không hiểu hiện vật, không có kỹ năng chuyên môn và đề xuất bảo quản không thích hợp thì có thể làm hỏng hiện vật tới mức không thể cứu vãn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứ đốt đuốc mà đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.