Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gọi "vong" trong nhà chùa để thu tiền là trái với giáo lý Phật giáo

Hoàng Lân| 21/03/2019 12:19

(HNMO) – Vụ việc một phật tử của chùa Ba Vàng tổ chức gọi



Nhà chùa không có chức năng gọi hồn


Ngày 20-3, báo chí phản ánh hiện tượng phật tử Phạm Thị Yến tổ chức truyền bá "vong báo oán", thu tiền của nhân dân từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói, theo ghi nhận của báo chí, hoạt động của phật tử Phạm Thị Yến được tổ chức bài bản, diễn ra từ lâu tại chùa Ba Vàng.

Hoạt động gọi "vong" gây xôn xao dư luận tại chùa Ba Vàng. (ảnh: Báo Lao động)


Sáng 21-3, trao đổi với HNMO về vấn đề này, Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam khẳng định: Đây là hành động mê tín, dị đoan bởi việc "gọi vong, gọi hồn" không gắn với hoạt động của nhà chùa. “Giáo lý nhà Phật chỉ hướng con người sống tu tập, phải đạo, hướng thiện, làm việc tốt thì sẽ nhận được điều tốt đẹp. Việc phật tử tổ chức gọi "hồn" giải oan nghiệp rồi thu tiền của nhân dân tại chùa Ba Vàng là hành động trục lợi, bôi nhọ giáo lý nhà Phật. Phật tử, nhân dân đến chùa với mục đích cầu an, tu nhân tích đức chứ không phải là nộp tiền để được gọi "vong". Đây tuyệt nhiên không phải là tinh thần của Phật giáo”, Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, vụ việc diễn ra tại chùa Ba Vàng đang gây xôn xao dư luận cần phải được làm rõ để giúp nhân dân hiểu đúng giáo lý, tinh thần Phật giáo, tránh mê muội, đặt niềm tin mù quáng vào những hành động không đúng với Phật pháp.

Giáo sư Trần Lâm Biền


Trả lời báo chí, Đại đức Thích Đạo Hiển, đại diện Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh cho biết, phật tử Phạm Thị Yến thường tổ chức thuyết pháp tại chùa, đưa lên mạng xã hội nhiều điều không đúng chính pháp đạo Phật. Giáo hội cũng đã nhiều lần có ý kiến với Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng nhưng hoạt động này vẫn diễn ra. Ban Trị sự cũng đã nhắc nhở chùa Ba Vàng không nên để hiện tượng gọi "vong", mê tín diễn ra trong nhà chùa, bởi đây là việc làm không đúng chính pháp của đạo Phật. Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh cũng đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Công an, các tổ chức tôn giáo và chính quyền TP Uông Bí phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc này, để nhân dân không bị sa đà vào những niềm tin mù quáng.

Cơ quan quản lý khẩn trương vào cuộc

Ngay khi vụ việc này được phản ánh sâu rộng trên báo chí, chiều 20-3, UBND tỉnh Quảng Ninh lập tức có công văn gửi UBND TP Uông Bí, yêu cầu TP Uông Bí chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở VH-TT, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung thông tin bài báo phản ánh; có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có); thông tin cho các cơ quan báo chí biết kết quả giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25-3.

Bộ VH,TT&DL cũng kịp thời ra hai văn bản đề nghị làm rõ vụ việc nói trên. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo Cục Di sản văn hóa phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh yêu cầu báo cáo làm rõ vấn đề dư luận quan tâm.

Thanh tra Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở thành lập đoàn công tác, làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Ninh để xác minh làm rõ các vấn đề, đề xuất giải pháp cụ thể chấn chỉnh những sai phạm (nếu có). 

Công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ninh vào chiều 20-3.


Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL cũng có văn bản số 1014/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Nội vụ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị xử lý một số thông tin liên quan đến lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.

Được biết, hôm nay (21-3), đoàn công tác của Bộ VH,TT&DL đã xuống Quảng Ninh để làm rõ vụ việc tại chùa Ba Vàng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gọi "vong" trong nhà chùa để thu tiền là trái với giáo lý Phật giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.