Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một thời hồ dễ mấy ai quên!

Vương Tâm| 28/03/2019 10:40

(HNMCT) - Mới đó mà đã 30 năm, ngày ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (HNMCT) ra đời. Biết bao ký ức thân thương tràn về. Cho dù phần lớn những người làm việc từ số báo đầu tiên, với cái tên Hànộimới Chủ nhật (HNMCN), đã không còn hiện diện, nhưng mọi hình ảnh vẫn còn đó, náo nức, sôi nổi, tươi mới trong tôi..

.

Cán bộ, phóng viên Ban Hànộimới Chủ nhật/Hànộimới Cuối tuần qua các thời kỳ.


Tờ báo HNMCN số 1 (khổ rộng, cỡ giấy A1) phát hành vào ngày 2-4-1989, nhưng tới đầu tháng 8-1989 tôi mới từ cơ quan khác chuyển về Hànộimới. Mặc dù đứng vào đội ngũ HNMCN muộn hơn 4 tháng, nhưng thực tế tôi đã tham gia viết cho tờ báo từ những ngày đầu tiên. Truyện ngắn Món hàng bí ẩn của tôi, do họa sĩ Thanh Toàn minh họa, đã được in mấy tháng trước đó.  


Ban HNMCN thời điểm đó do Phó Tổng Biên tập Dương Linh kiêm làm Trưởng ban. Biên chế ban đầu có Mai Thục, Nguyễn Triều, Thanh Toàn. Tôi được nhà báo Dương Linh phân công, theo dõi mảng văn hóa văn nghệ Thủ đô.

Nhà báo Dương Linh còn là một dịch giả văn học nổi tiếng nên tôi cảm phục, học hỏi được ở ông nhiều điều. Ông vừa trực tiếp đọc báo tiếng Pháp, vừa chọn tin thời sự quốc tế để viết, cho in liền vào số báo đang làm.

Ông dạy tôi phải nghĩ ra những chuyên mục mới lạ, hấp dẫn để bán báo, vì tờ HNMCN ra đời với nhiệm vụ làm kế hoạch 3, kiếm tiền cho cơ quan, nên tờ báo phải bán được, càng nhiều càng tốt. Vậy nhưng chỉ chừng nửa năm sau nhà báo Dương Linh đã nghỉ hưu, bàn giao công việc cho Phó Tổng Biên tập Thanh Thủy.

Tuy vậy, nhà báo Thanh Thủy cũng chỉ kiêm phụ trách ban, vì vẫn bận làm Trưởng ban Kinh tế. Lúc này, tôi được coi là “chân chạy” cho nhà báo Thanh Thủy, vừa lo công việc trong ban, vừa tổ chức bài vở cộng tác viên (CTV).

Nhưng cũng chỉ được khoảng nửa năm thì mọi việc lại xáo trộn. Phó Tổng Biên tập Thanh Thủy nghỉ hưu, rồi Mai Thục chuyển công tác, Nguyễn Triều cũng chuyển ban. Tôi được lệnh của Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn tìm người gấp.

Trong số CTV thì Nguyễn Ngọc Tiến là cái tên đầu tiên được đề cập, sau đó các nhà báo Nguyễn Tuấn Đức, Hồ Mạnh Hùng, Nguyễn Hồng Hải, Phạm Thúy Quỳnh, Cẩm Bình cũng lần lượt về ban. Tờ báo phát triển mạnh, được bạn đọc hồ hởi đón nhận, bước đầu tạo được thương hiệu.

Đặc biệt, báo còn được trao nhiệm vụ in các trang quảng cáo (năm 1991) và phát hành ở phía Nam nên cần mở rộng mạng lưới CTV. Song song với việc làm quảng cáo, báo còn ra thêm những trang báo nội dung về đề tài miền Nam. Số lượng phát hành tăng vọt, có số báo số lượng in lên tới 42.000 bản, do các đại lý đặt mua nhiều.

Không khí làm việc trong ban những ngày đó luôn tất bật. Ai cũng chúi mũi vào công việc. Các CTV “ruột” cũng hăng say, chăm chỉ chẳng khác người trong cơ quan. Mỗi người tham gia một chuyên mục nên họ cũng thường xuyên đến, trao đổi đề tài hoặc lấy giấy giới thiệu đi cơ sở. Các anh Trương Nhuận, Cao Minh, Lê Quang Vinh, Nghiêm Nhan... luôn gắn bó, thân thiết, quấn quýt như người nhà. Đi đâu cũng có nhau. Sáng nào cũng đến báo.

Chị Ngọc thủ quỹ của báo khi ấy còn làm thường trực, nói vui: “Đúng là ngày nào cũng “tứ tử trình làng”, bốn con tốt đỏ của anh Tâm đấy”. Lúc đó ai cũng ở cái tuổi ba mươi “đang xoan”, xốc vác, mê mải với chữ nghĩa. Riêng CTV Trương Nhuận có thêm bút danh Tứ Mục, chuyên viết cho mục “Quanh sàn diễn”. Đây là chuyên mục mới lạ, giống như chuyện trong giới showbiz bây giờ, nên hấp dẫn bạn đọc.

Bên cạnh mục này còn có mục “Tác giả tác phẩm”, chuyên khai thác những câu chuyện vui, có thật trong giới văn chương. Nhiều chuyện vui nhưng đôi khi cũng đụng chạm. Có lần nghệ sĩ Minh Vượng cùng nghệ sĩ Minh Hòa “có ý kiến” vì đã lôi chuyện kiện hàng của hai chị bị con chủ nhà rút lõi, ăn cắp đưa lên mặt báo, vì thế mà hai chị bị cắt hợp đồng thuê cửa hàng. Giải thích mãi, rằng là cũng chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của hai chị, rằng là..., cuối cùng cả hai nữ diễn viên cũng vui vẻ ra về.

Rắc rối nhất hồi đó là chuyện nhà thơ Bằng Việt bực mình, ngoài gọi điện còn viết thư cho Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn, rằng can cớ gì mà đưa chuyện ông ngày còn trẻ đến nhà người yêu, nói những câu rất ngô nghê với bà mẹ vợ tương lai... lên mặt báo, thật là bêu riếu! Người viết chuyện đó chính là CTV - nhà thơ, nhà báo Vũ Đình Minh bên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Tổng Biên tập bảo tôi: “Ông cứ để mọi người đến kiện thế này thì sập mất báo à?” rồi yêu cầu phải giải quyết cho êm. May là nhà thơ Bằng Việt sau khi nghe tôi tỉ tê nguồn cơn cũng tủm tỉm nói: "Thì hắn (tác giả) nghe lỏm ở đâu đó, ai mình lại đi nói vô duyên đến thế. Nhưng mà hắn viết cứ như thật, kể cũng đáng yêu phết”...

Vậy nên sự đổi mới nội dung để bạn đọc bỏ tiền mua báo không phải dễ dàng. Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn, người khởi xướng ý tưởng nội dung của tờ báo, đã định hướng tờ báo hướng tới đời sống dân sinh, đồng cảm, đồng hành với người dân Thủ đô.

“Muôn mặt đời thường” của đời sống xã hội cùng các nội dung giải trí, văn chương bao trùm khắp các trang báo. Hình thức trình bày cũng được cải tiến mạnh dạn, làm nổi bật bản sắc một ấn phẩm văn hóa cuối tuần, tạo sức hút mạnh mẽ với bạn đọc. Đây là một bước tiến mang phong cách mới lạ trong đời sống báo chí Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, sau thời kỳ bao cấp kéo dài hàng chục năm. Không những đón mua mà bạn đọc còn sôi nổi góp ý kiến, tham gia viết bài.

Chính từ “bầu không khí” đó, HNMCN được bạn đọc coi là “hot” nhất vào thời kỳ 5 năm đầu tiên. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn, dường như luôn có sự đổi mới trong từng số báo, với những chuyên mục mà chỉ HNMCN mới có như “Muôn mặt đời thường”, “Mỗi tuần một chuyện”, “Hà Nội tạp văn”, “Quanh sàn diễn”, “Những bài hát được nhiều người yêu thích”, “Tác giả tác phẩm”, “Chuyện tình của những người nổi tiếng”, “Nhà văn kể chuyện”.

Bên cạnh đó, các trang truyện ngắn, thơ trẻ, cùng những góc vui, hài hước, câu đố, trò chơi ô chữ cũng được bạn đọc hưởng ứng, tìm đọc. Đặc biệt, để làm nên diện mạo của tờ báo, đội ngũ họa sĩ thời kỳ này như: Thanh Toàn, Hoàng Hồng Cẩm, Lý Trực Dũng, Lê Bá Dũng, Nguyễn Đăng Phú... đã hình thành phong cách riêng của HNMCN. Trong số đó họa sĩ Thanh Toàn chính là “kiến trúc sư” tạo dựng nên phong cách mỹ thuật cho tờ báo, ngay từ những số đầu tiên.

Đáng chú ý, thời kỳ đó HNMCN và cả HNMCT sau này đã xây dựng được đội ngũ CTV khá đông đảo, góp phần làm nên sự phong phú trong nội dung từng trang báo. Tiêu biểu trong số đó là những tác giả tên tuổi như Tô Hoài, Mai Ngữ, Đồ Phồn, Ngô Văn Phú, Ma Văn Kháng, Hồ Quang Lợi... Họ là những cái tên góp phần khẳng định chất lượng và uy tín của tờ báo HNMCN.

Đặc biệt, nhà báo Hồ Quang Lợi là người có nhiều gắn bó với HNMCN và sau là HNMCT, bởi hồi đó dù rất bận rộn với công việc ở báo Quân đội Nhân dân nhưng hằng tuần anh vẫn viết bài đều đặn cho mục “Bình luận quốc tế” của HNMCN. Thường thì tôi sang tòa soạn báo Quân đội Nhân dân để lấy bài, lắm hôm còn ngồi chờ anh viết xong thì cầm bản thảo về.

Hồ Quang Lợi viết tay, bao giờ cũng vậy, đúng 1.800 từ. Hồi đó công nghệ làm báo, kể cả in ấn, xuất bản còn thô sơ, đâu đã được hiện đại như bây giờ. Sau khi nhận bài tôi mang về để Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn biên tập, rồi tôi lại nhảy tắt qua cửa sổ mang bài sang nhà in cho họ đánh máy... Rồi tôi và họa sĩ Thanh Toàn lại theo bên nhà in đọc bản kẽm, lắm hôm mờ mắt, mụ cả người...

Bên cạnh những cây bút nổi tiếng trên, các tác giả trẻ Phạm Khải, Nguyễn Thanh Bình, Hồ Thị Hải Âu, Phạm Thị Xuân Hà, Bùi Sim Sim, Nguyễn Thu Hằng cùng đội ngũ đông đảo các nhà báo - CTV như Nguyễn Hoàng Long, Lê Hoàng Anh, Trương Nhuận, Lê Quang Vinh, Cao Minh, Nghiêm Nhan... đã khẳng định được sức hút đối với bạn đọc qua những bài viết khá sinh động.

Nhà thơ Phạm Khải lúc đó nghĩ ra chuyện mục “Chuyện tình của những người nổi tiếng” cho báo rồi phụ trách luôn. Phải nói là độc đáo. Anh viết kỳ công, kỹ lưỡng và rất hấp dẫn với cách kể chuyện hóm hỉnh, vui nhộn. Sau này, các cuốn sách Hà Nội tạp văn, Những bài hát được nhiều người yêu thích được Hànộimới xuất bản, tuyển chọn từ các bài đăng trên chuyên mục cùng tên của HNMCN, đã được đông đảo bạn đọc nhiệt tình tìm đọc.

Khi nhìn về quá khứ, bao giờ ta cũng thấy bồi hồi, với một tình cảm thân thương nhất. Cho dù sau này tôi tiếp tục làm tờ HNMCT, tới cuối năm 2006 mới nghỉ hưu, nhưng vẫn không bao giờ quên những năm tháng đầu tiên. Chặng đường ấy, thật sự say mê, pha chút lãng mạn, bay bổng của một kẻ làm báo “tay ngang” như tôi.

Vậy đó, đã ba mươi năm. Ngẫm lại thấy giật mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thời hồ dễ mấy ai quên!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.