Theo dõi Báo Hànộimới trên

IKEBANA - Nghệ thuật cắm hóa truyền thống Nhật Bản

Bài và ảnh: Thanh Huyền| 31/03/2019 07:48

(HNMO) - Ngày 30-3, tọa đàm “Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản” đã diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (số 50, Đào Duy Từ) với sự tham gia của nhà Ikenobo Lê Phạm Việt Hà và họa sĩ Đỗ Vy Anh.


Ikebana là nghệ thuật cắm hoa sống của Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Ikebana nghĩa là “đem lại sự sống cho hoa”. Ikebana có lịch sử lâu đời, vào khoảng thế kỷ VI, khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Bắt đầu từ những bông hoa cúng dâng lên đức Phật, tới thế kỷ XV, Ikebana dần phát triển với cấu trúc phức tạp hơn, là sự kết hợp hài hòa giữa hoa và ngoại cảnh. Tới nay, Ikebana đã trở thành loại hình nghệ thuật quen thuộc với người dân xứ sở hoa anh đào.

Nhà Ikenobo Lê Phạm Việt Hà và họa sĩ Đỗ Vy Anh chia sẻ về nghệ thuật Ikebana tại buổi tọa đàm.


Bị chinh phục bởi vẻ đẹp của Ikebana, Lê Phạm Việt Hà đã dành 14 năm tại Nhật Bản để nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Với chị, Ikebana không chỉ đơn giản là kỹ năng sắp xếp, bố trí các loại hoa mà còn mang những nét đẹp văn hóa, gửi gắm tình yêu thiên nhiên. Khi sáng tạo nên một tác phẩm Ikebana, người cắm hoa phải thấy được nét đẹp của hoa đang chuyển động theo hướng nào, bông hoa đó đẹp nhất ở hướng nào để truyền sức sống cho tác phẩm của mình. Chính bởi lẽ đó, Ikebana còn được biết đến với cái tên “hoa đạo”. Chữ “đạo” ở đây ngoài ý nghĩa là “con đường” còn là “đạo đức”, hay nói cách khác là tâm thế của người học khi tiếp cận với Ikebana. Đó là sự trân trọng, yêu mến thiên nhiên.

Nhà Ikenobo Lê Phạm Việt Hà, họa sĩ Đỗ Vy Anh và 10 học viên của lớp học nghệ thuật Ikebana


Khác với nghệ thuật cắm hoa của người phương Tây, luôn nhấn mạnh vào các màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp của các bông hoa, người Nhật Bản lại chú trọng về các đường nét của cách xếp đặt, lối bố cục, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa bao gồm cả cành, cuống, lá cũng như hoa. Ngay cả khi chỉ một loại hoa được sử dụng thì người cắm hoa cũng cố gắng để biến bình hoa đó thành một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên. Người Nhật quan niệm, mỗi vị trí của hoa và lá mang một ý nghĩa riêng trong tác phẩm.

Nghệ thuật Ikebana có 3 phong cách cơ bản là: Rikka, Shoka và Jiyuka. Rikka là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và phổ biến nhất. Một bình hoa theo phong cách Rikka sử dụng nhiều nguyên liệu, trong đó luôn có 7 cành. Rikka giống như một bức tranh phong cảnh thể hiện núi rừng, hoa cỏ, làng mạc. Một tác phẩm theo phong cách Rikka chứa đựng những triết lý âm dương, triết lý nhân sinh của con người.

Phong cách cắm hoa Shokka giản lược hơn nhiều so với Rikka. Shoka thể hiện vẻ đẹp giản dị của tự nhiên bằng việc sử dụng ít cành lá nhưng thể hiện sự vươn lên hướng về Mặt trời. Shoka theo thuyết thiên - địa -nhân, trong đó có 3 cành chính với tên gọi là Shin - Soe - Tai, tượng trưng cho sự hòa hợp của trời, đất và con người. Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu năm mới.

Jiyuka là phong cách cắm hoa tự do, mang hơi hướng hiện đại. Jiyuka không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc truyền thống nào, người thực hiện có thể sử dụng bất kỳ vật liệu nào để tự do sáng tạo theo cá tính của mình.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:


Nghệ thuật cắm hoa Ikebana như một biểu trưng của thiên nhiên giúp người cắm hoa và người thưởng hoa thanh sạch đầu óc, thanh thản tâm hồn. Chị Phạm Nụ (thành viên lớp học Ikebana) chia sẻ: “Tôi coi việc học Ikebana giống như một cách thiền. Tôi gửi gắm cảm xúc của mình vào trong tác phẩm. Việc cắm hoa giúp tôi sống chậm lại, yêu thiên nhiên hơn, tâm thanh tịnh hơn”.

Đặc biệt, tại tọa đàm, khách tham dự còn có cơ hội tự tay sáng tạo một tác phẩm Ikebana với sự hướng dẫn của họa sĩ Đỗ Vy Anh. Thông qua tọa đàm lần này, anh cũng bày tỏ mong muốn đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này của Nhật Bản đến gần hơn với người yêu nghệ thuật tại Việt Nam.

Họa sĩ Đỗ Vy Anh hướng dẫn khách tham dự cách cắm một bình hoa nghệ thuật Ikebana.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IKEBANA - Nghệ thuật cắm hóa truyền thống Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.