Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm hẹn của tình hữu nghị

Hoàng Lân| 02/04/2019 21:53

(HNMO) - Ngày 2-4, lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội 2019 kết thúc sau 5 ngày tổ chức. Ban tổ chức cho biết, đã có hơn 1 triệu lượt khách đến với lễ hội. Với rất nhiều hoạt động văn hóa, xúc tiến thương mại, du lịch, lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội đã trở thành điểm hẹn của tình hữu nghị giữa hai quốc gia.



Rực rỡ sắc hoa anh đào

Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội do UBND TP Hà Nội và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức đến nay là năm thứ 3. Theo Ban tổ chức, mỗi năm lễ hội lại được tổ chức với quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn.

Năm nay, Ban tổ chức tăng cường số lượng cây và cành hoa anh đào gấp đôi năm ngoái.


Năm nay, Ban tổ chức đã thiết kế một không gian lộng lẫy sắc hoa, đậm màu văn hóa Nhật Bản và Việt Nam tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và nhà Bát Giác. Số lượng hoa anh đào gấp đôi năm ngoái, với 20.000 cành và 300 cây. Không chỉ bố trí nhiều tiểu cảnh đậm phong cách Nhật Bản và Việt Nam, Ban tổ chức còn thiết kế mô hình các kỳ quan trên thế giới bằng hoa, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách như: Tháp Eiffel (Pháp), núi Phú Sĩ (Nhật Bản), chùa Một Cột (Việt Nam), kim tự tháp (Ai Cập)… Trong 5 ngày tổ chức, Ban tổ chức còn chuẩn bị hơn 1.000 cành hoa anh đào để thường xuyên thay mới.

Bà Bùi Hương Thủy, Phó phòng Di sản (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết, để hoàn thành không gian trưng bày, Ban tổ chức còn huy động gần 200 công nhân của Công ty MTV cây xanh Hà Nội và công viên Thống Nhất. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng mời các chuyên gia của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), cùng nhiều chuyên gia Việt Nam tham gia thiết kế, sắp đặt các tiểu cảnh hoa. Lễ hội hoa anh đào 2019 vì thế có nhiều điểm nhấn mới lạ hơn so với hai năm trước.

Bên cạnh hoạt động chính là trưng bày hoa anh đào, lễ hội còn thu hút nhiều người dân và du khách bằng các hoạt động văn hóa như: Trình diễn thư pháp, giới thiệu nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, múa Yosakoi tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm…

Lần đầu tiên, trong khuôn khổ lễ hội, cuộc thi Đại sứ hoa anh đào được tổ chức, tìm ra được hai Đại sứ hoa anh đào là Trần Diệu Anh và Phạm Ngọc Linh để tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa cho hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản.

Hoạt động múa Yosakoi tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.


Nổi bật trong số các hoạt động thuộc khuôn khổ lễ hội hoa anh đào là không gian giới thiệu ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam tại Cung Thiếu nhi với 21 gian hàng. Nhiều món tiêu biểu của Nhật Bản như bánh Takoyaki, mì Soba, mì Ramen, Sushi… được giới thiệu cùng những món truyền thống Việt Nam như: Phở, bánh chưng, bún thang bà Ẩm, bánh khúc cô Lan, xôi chè Phú Thượng, bánh cuốn bà Hoành, cà phê Giảng… đã làm nên một không gian ẩm thực hấp dẫn, nhiều màu sắc. Trong những ngày diễn ra lễ hội, hàng trăm suất ăn đã được phục vụ, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Một trong những hoạt động không thể thiếu tại lễ hội là lễ trao tặng và trồng cây hoa anh đào tại công viên Hòa Bình diễn ra vào sáng 30-3 với sự tham dự của lãnh đạo TP Hà Nội và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện nay, tổng số cây hoa anh đào được trồng tại công viên Hòa Bình là trên 3.000 cây, nhiều cây được trồng từ năm 2017 đã bắt đầu ra hoa.

Thắt chặt tình hữu nghị

Sau 3 năm tổ chức, lễ hội hoa anh đào Nhật Bản – Hà Nội đã trở thành hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hằng năm và là “điểm hẹn” văn hóa của nhân dân Thủ đô và du khách.

Chiều 2-4, Ban tổ chức lễ hội cho biết, sau 5 ngày tổ chức, lễ hội đã thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham quan, con số kỷ lục từ trước đến nay của lễ hội. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, Ban tổ chức đã 2 lần kéo dài thời gian trưng bày hoa, nhờ vậy người dân Thủ đô có thêm cơ hội để thưởng lãm không gian hoa tuyệt đẹp.

Lễ hội hoa anh đào kéo dài đến tối 2-4 nhưng vẫn thu hút nhiều người dân. 


Theo đánh giá của Ban tổ chức, mặc dù đón lượng khách tăng kỷ lục song công tác tổ chức và quản lý lễ hội vẫn được duy trì hiệu quả. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được bảo đảm; không xảy ra hiện tượng phản cảm như bẻ cành, ngắt hoa…

Tối 2-4, dù là ngày cuối diễn ra lễ hội, nhưng không gian hoa vẫn bảo đảm tươi tốt, người dân đã có ý thức cùng giữ gìn không gian văn hóa chung, không tự ý lấy hoa ngay cả khi lễ hội kết thúc.

Văn hóa đặc sắc của hai quốc gia Nhật Bản - Việt Nam hòa quyện trong các chương trình giao lưu không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ tới người dân Thủ đô và du khách mà còn góp phần thắt chặt tình hữu nghị, hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm hẹn của tình hữu nghị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.