Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thân thương tà áo dài

Tuệ Diễm| 03/04/2019 06:57

(HNM) - Từ 6 năm trước, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ hội Áo dài để vận động các nhà thiết kế, người dân, các công ty du lịch quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam.

Tạo nên một thói quen

Là một thành phố năng động, sầm uất và có "độ mở" lớn, gần đây thành phố Hồ Chí Minh đang hồi phục phong trào giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống qua việc vận động người dân sử dụng trang phục áo dài. Cuộc vận động bắt đầu từ tháng 3-2014, khi thành phố tổ chức Lễ hội Áo dài lần đầu tiên nhằm tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, vẻ đẹp dịu dàng của tà áo dài. Ngày ấy, lễ hội được tổ chức tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 1 và Ban Tổ chức miễn phí vé vào cổng nếu khách tham quan mặc áo dài. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các cán bộ, nhân viên, các tổ chức, ban, ngành được vận động mặc áo dài đi làm.

Hoa hậu H’Hen Niê (bên trái) là một trong những đại sứ Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh.


Cuộc vận động lập tức được đông đảo người dân hưởng ứng.

Nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng - người có 6 năm gắn bó với lễ hội trong những vai trò như giới thiệu các bộ sưu tập, giám khảo các cuộc thi thiết kế áo dài... cho biết: “Lễ hội Áo dài làm sống lại những giá trị xưa, khiến nhiều người trẻ ngày càng hướng đến trào lưu mặc áo dài. Hình ảnh tà áo dài đã góp phần làm lan tỏa lòng tự hào dân tộc, tình yêu văn hóa, trách nhiệm với cộng đồng”. Tuy là lễ hội hiện đại, mới hình thành từ năm 2014, nhưng qua thời gian, sức hút của Lễ hội Áo dài ngày một lan tỏa. Càng về sau, quy mô của lễ hội càng lớn, số lượng công chúng tham gia đồng diễn mặc áo dài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tăng dần theo cấp số nhân. Nếu như năm 2017 ghi nhận kỷ lục có 1.000 người mặc áo dài đồng diễn thì đến năm 2019, con số này tăng lên 3.000 người.

Một tinh thần "yêu áo dài" đã lan tỏa trong lòng thành phố hiện đại. Giờ đây, không chỉ phụ nữ mặc áo dài đẹp mà nam giới cũng không còn e ngại khi quyết định may cho mình chiếc áo dài để mặc trong những dịp lễ, Tết. Góp phần giữ gìn nét đẹp của trang phục truyền thống người Việt, mỗi mùa lễ hội còn có thêm những đại sứ, họ là người vận động người dân mặc áo dài và quảng bá áo dài Việt Nam ra thế giới. Đại sứ áo dài, hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ: “Mãi sau này, khi học đại học, Hen mới có cơ hội mặc áo dài. Từ đó, Hen rất yêu tà áo dài và mong muốn áo dài Việt Nam sẽ phát triển ra thế giới”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Lễ hội Áo dài năm 2019 tổ chức quy mô lớn, có 2.700 thí sinh tham gia cuộc thi về áo dài, tăng 80% so với năm 2018, trong đó thí sinh cao tuổi nhất đã 78. Lễ hội có nhiều chương trình biểu diễn, truyền cảm hứng tại các điểm du lịch. Nhưng điều đặc biệt và ý nghĩa hơn là việc Ban Tổ chức đã vận động nguồn tài trợ, để trao tặng hơn 5.000 áo dài và vải may áo dài cho chị em công nhân, phụ nữ khó khăn để ai cũng có cơ hội mặc áo dài. Đây là nét đẹp nhân văn, giúp lan tỏa giá trị của áo dài đến cộng đồng".

Giữ gìn hồn cốt

Áo dài góp phần giữ gìn phong cách thời trang riêng của người Việt Nam. Ngày nay, dù đã được may thêm nhiều kiểu cách tân, điển hình như áo dài mặc cùng váy đụp, nhưng trào lưu này duy trì không lâu. Song, dù theo trào lưu gì, áo dài muốn tồn tại vẫn phải giữ được hồn cốt, giữ được cái gốc của áo dài là duyên dáng và trang trọng. Chị Nguyễn Thị Liên, thành viên Câu lạc bộ phụ nữ phường 7, quận 3, chia sẻ: “Áo dài như một di sản văn hóa mà thế hệ trước để lại. Những người mặc áo dài sẽ có ý thức hơn trong lời ăn, tiếng nói. Họ tự “điều chỉnh” hành vi của mình sao cho dịu dàng, hiền hòa, nữ tính hơn”.

Hơn 3.000 người đồng diễn áo dài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tại Lễ hội Áo dài lần thứ 6-2019.


Với vẻ đẹp riêng có ấy, áo dài không chỉ thu hút sự sáng tạo của các nhà thiết kế trong nước mà cả các nhà thiết kế nước ngoài. Một trong những nhà thiết kế ngoại quốc, đóng góp những bộ áo dài đặc sắc quảng bá tại Lễ hội Áo dài 2019 phải kể đến là anh Park Jeong Sang đến từ Hàn Quốc. Anh tâm sự: “Trong thiết kế áo dài, tôi tôn trọng nét truyền thống của áo dài Việt Nam. Tôi chỉ đưa thêm những yếu tố đặc trưng về hoa văn của Hàn Quốc kết hợp trên tà áo dài Việt. Áo dài Việt Nam là nguồn cảm hứng sáng tạo để tôi có thể viết nên câu chuyện thời trang".

Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, trách nhiệm bảo vệ áo dài không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý văn hóa, tổ chức nhà nước mà còn thuộc về đội ngũ nhà thiết kế. “Cuộc sống năng động, hiện đại, tà áo dài có nhiều biến thể và liên tục thay đổi qua thời gian. Nhưng chúng ta cần quảng bá để du khách, bạn bè quốc tế không nhầm lẫn giữa áo dài với các trang phục khác. Chuyện này phụ thuộc vào vai trò của các nhà thiết kế. Họ phải có trách nhiệm trong sáng tạo. Những thiết kế phù hợp sẽ mãi tồn tại cùng thời gian. Giám khảo công minh nhất chính là công chúng và thời gian”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng nhấn mạnh.

Là hoạt động với nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho cộng đồng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Lễ hội Áo dài sẽ tiếp tục được tổ chức để chuyển tải những thông điệp đến người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế: "Đó là ngợi ca nét đẹp duyên dáng và vẹn nguyên của áo dài Việt Nam qua mọi thời đại, với mọi đối tượng. Chúng tôi đã tạo ra một lễ hội du lịch văn hóa thường niên uy tín, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thân thương tà áo dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.