Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện tiêu chí văn hóa: Cần sự góp sức từ nhiều phía

Nguyễn Mai| 05/04/2019 07:28

(HNM) - Thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa: Cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) và văn hóa (tiêu chí số 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở nhiều xã khu vực ngoại thành Hà Nội đã có nhiều khởi sắc.

Một buổi sinh hoạt văn hóa tại Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Thái Hiền


Còn nhiều vướng mắc

Trưởng thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) Lưu Bá Xiêm vui mừng cho biết: Năm 2017, nhà văn hóa thôn Thanh Lương đã được các cấp đầu tư xây dựng với kinh phí 3 tỷ đồng trên khuôn viên rộng 1.800m2. Để nhà văn hóa hoạt động hiệu quả, người dân còn đóng góp kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị như: Bàn, ghế, loa đài, quạt... Từ khi hoàn thành đến nay, nhà văn hóa là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của cả thôn. Trong khi đó, tại xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ), Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Huy Sáng cho biết, cùng với sự giúp đỡ của các cấp, ngành của huyện và thành phố, các thôn của xã đã tập trung củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao trên địa bàn; tạo lập cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân...

Tương tự các địa phương trên, thời gian qua, việc xây dựng nhà văn hóa, làng văn hóa đã diễn ra rộng khắp ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2018, toàn thành phố có 371/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí số 6; 349/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí số 16. Tuy nhiên, có thực tế là số xã chưa đạt 2 tiêu chí về văn hóa không còn nhiều nhưng để hoàn thành, một số xã đang gặp vướng mắc cần tháo gỡ. Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho rằng, đối với tiêu chí số 6, để đầu tư xây dựng các nhà văn hóa cần kinh phí khá lớn nên nhiều xã chưa đạt tỷ lệ 100% thôn có nhà văn hóa hoặc đã có nhà văn hóa nhưng chưa đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đáng chú ý, với chỉ tiêu nhà văn hóa, khu thể thao trung tâm xã, rất ít địa phương thực hiện được.

Riêng với tiêu chí số 16, mặc dù không cần nhiều kinh phí, nhưng mỗi địa phương lại có những khó khăn riêng. Đơn cử, tại xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kim Ngân chia sẻ: Phụng Châu mới có 1/5 thôn, làng đạt làng văn hóa. Để được công nhận làng văn hóa, ngoài thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cần phải đạt cả những chỉ tiêu khác, như: Không để xảy ra trọng án trên địa bàn, không có hộ dân sinh con thứ 3, không phát sinh người nghiện ma túy... Đây là các chỉ tiêu rất khó bởi chỉ một người không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng đến thành tích cả thôn...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, để đạt điểm tối đa tiêu chí số 6, các xã phải thực hiện được 2 chỉ tiêu: Có nhà văn hóa, khu thể thao quy mô xã đạt chuẩn; 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn. Đối với tiêu chí số 16 các xã phải bảo đảm yêu cầu: Có từ 70% số thôn, làng trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Thực hiện 2 tiêu chí này, ngay từ đầu năm 2019, các địa phương trên địa bàn thành phố đã tích cực vào cuộc. “Tại Chương Mỹ, huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức nỗ lực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, các cấp chính quyền địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân", Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.

Nhà văn hóa thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) mới được xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Ảnh: Khuê Diệp


Đối với tiêu chí số 6, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên lưu ý: Các địa phương cần có chính sách đầu tư phù hợp, có giải pháp huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ. Đối với các thôn, xã chưa đủ nguồn lực, nhưng trong quy hoạch, cần dành quỹ đất cho nhà văn hóa và có giải pháp thực hiện. "Còn với tiêu chí số 16, ngay từ đầu năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc đăng ký làng văn hóa theo trình tự, thủ tục quy định. Nếu như trước đây, 3 năm mới tổ chức xét công nhận danh hiệu Làng văn hóa một lần thì hiện nay, việc xét công nhận được tổ chức hằng năm, thuận lợi cho các địa phương khi phấn đấu đạt xã nông thôn mới", Nguyễn Thành Tuyên nhấn mạnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kiêm Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để hỗ trợ các địa phương còn khó khăn về kinh phí xây dựng nhà văn hóa, thành phố Hà Nội đã phát động phong trào "nội thành hỗ trợ ngoại thành" trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả, trong hơn 3 năm qua, 12 quận đã hỗ trợ hơn 421 tỷ đồng cho các huyện (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức...) xây dựng hàng chục nhà văn hóa khang trang. Đến nay, phong trào ý nghĩa này vẫn tiếp tục được triển khai hiệu quả. Cùng với nỗ lực của từng địa phương, sự chung sức của nhân dân, việc hỗ trợ của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là các quận và các huyện kinh tế - xã hội phát triển đang là một trong những giải pháp thiết thực giúp những nơi còn khó khăn của Hà Nội hoàn thiện các tiêu chí văn hóa nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện tiêu chí văn hóa: Cần sự góp sức từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.