Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần ứng xử phù hợp với di sản

Nguyễn Thanh| 09/04/2019 07:07

(HNM) - Diễn ra trong 5 ngày (từ 5 đến 9-4), Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long gây không ít thất vọng với du khách do có nhiều hoạt động không phù hợp với nội dung đăng ký và Quy chế hoạt động của di sản.

Mặc dù những hiện tượng trên đã được loại bỏ ngay khi có phản ánh từ dư luận, song đây cũng là bài học cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội đương đại nhằm bảo đảm chất lượng cũng như ý nghĩa mà sự kiện hướng tới.

“Mở chợ” trong không gian di sản

Tiếng quảng cáo từ loa đài; từng dãy đồ may mặc, gia dụng xếp ngổn ngang; nhân viên bán hàng liên tục mời gọi khách thử sản phẩm… là những gì du khách chứng kiến được tại không gian Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019. Sự kiện tổ chức tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long càng gây nên những bất ngờ và thất vọng, bởi trước đó không ít người đã rất kỳ vọng vào thông tin quảng bá từ Ban Tổ chức: Festival là sự kiện tôn vinh các giá trị di sản truyền thống; gắn kết tinh hoa văn hóa ba miền, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa, hữu nghị với bạn bè quốc tế.


Hình ảnh bày bán một số mặt hàng không phù hợp vào sáng 6-4. Ảnh: VnExpress


Tuy nhiên, không giống với những gì Ban Tổ chức thông báo, không gian Festival về văn hóa này lại bị lấn át bởi các hoạt động thương mại, dịch vụ không liên quan với chủ đề đã giới thiệu. Đơn cử như, trong không gian quảng bá sản phẩm truyền thống, rất khó để tìm ra những sản phẩm liên quan đến chủ đề bởi sự xuất hiện của các sản phẩm may mặc gia dụng, máy massage, bấm huyệt, đồ dùng nhà bếp, đồ thông tắc vệ sinh… Tại không gian ẩm thực chợ quê, các món quà quê bị lấn át bởi hàng loạt gian hàng thực phẩm công nghiệp, như: Xúc xích, trà sữa, khoai tây chiên, cơm cuộn…

Chứng kiến những cảnh này, nhiều du khách không khỏi thất vọng bởi cái họ tìm kiếm là những nét tinh hoa văn hóa truyền thống, đã bị thay thế bằng những hoạt động dịch vụ, thương mại bát nháo, không mấy liên quan. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (58, Yên Ninh, Ba Đình), cho biết: "Tôi rất hẫng hụt khi tới Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019. Không gian giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghề truyền thống ngập tràn các mặt hàng sản xuất hàng loạt, hàng khuyến mãi, hàng đồng giá… khiến chúng tôi cảm giác như đang lạc vào một hội chợ hàng gia dụng thuần túy chứ không phải một không gian tôn vinh giá trị di sản". Còn ông Bùi Đăng Quân (Chung cư Home City, Trung Kính, Cầu Giấy) cho biết: "Dự định giới thiệu với người bạn nước ngoài về văn hóa truyền thống của tôi đã bị "phá sản" khi đặt chân vào không gian này. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tại đây không thể là đại diện cho tinh hoa văn hóa của đất nước được...".

Chấn chỉnh kịp thời và không để thành tiền lệ

Thực tế cho thấy, những hoạt động bên lề Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019, như: Thương mại, dịch vụ… diễn ra nhộn nhạo, thiếu quy củ, sản phẩm bày bán không phù hợp với nội dung thông báo đã gây không ít bức xúc, thất vọng cho công chúng và du khách. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã có Quy chế quản lý, tổ chức sự kiện, lễ hội và tổ chức hoạt động, nhằm tôn vinh giá trị di sản. Hoạt động thương mại, dịch vụ bát nháo, bày bán sản phẩm không phù hợp vừa rồi đã tác động tiêu cực tới không gian di sản, làm giảm giá trị di sản".

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhận định: Hiện tượng mượn danh di sản để tổ chức các hoạt động kinh doanh, thu lợi đã xuất hiện ở không ít nơi, cho thấy dấu hiệu thiếu trân trọng di sản thông qua cách ứng xử chưa phù hợp. Việc này cần có những biện pháp cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý kịp thời để không tạo thành tiền lệ, góp phần gìn giữ, phát huy di sản một cách hiệu quả nhất.

Về vấn đề trên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019 do Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát triển văn hóa di sản Việt phối hợp với Queen Group thực hiện. Ngay sau khi nhận được phản ánh từ dư luận, đơn vị đã giao Thanh tra Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh. Các hoạt động thương mại, dịch vụ không phù hợp với nội dung chính cũng như Quy chế quản lý, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, ngay lập tức đã được Ban Tổ chức loại bỏ.

Ban Tổ chức cũng đã thực hiện chỉnh trang, sắp đặt các gian hàng, bày bán sản phẩm phù hợp, bảo đảm đúng cam kết, mỹ quan cũng như vệ sinh môi trường. Sau kiểm tra, Thanh tra Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vẫn theo sát các hoạt động, bảo đảm Festival được tổ chức theo đúng nội dung đã được cấp phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần ứng xử phù hợp với di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.