Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quảng bá văn hóa Việt với tất cả khả năng của mình

Trà Giang| 16/04/2019 17:00

(HNMCT) - Nhân dịp Festival văn hóa truyền thống và giao lưu văn hóa quốc tế 2019 tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Saadi Salama về cuộc sống cũng như dự định quảng bá văn hóa Việt.


- Thưa Đại sứ, được biết ngài đã có gần 40 năm gắn bó với đất nước, con người Việt Nam. Ngài có thể chia sẻ đôi chút về “hành trình” đó không?

- Tôi sang Việt Nam cách đây 39 năm, là du học sinh theo học bổng Việt Nam dành cho Palestine và đã học ở đây 4 năm. Sau khi học xong, tôi sang Lào làm việc 5 năm, sau đó lại về Việt Nam 3 năm, rồi đi các nước khác gần 18 năm, đến đầu năm 2010 tôi trở lại đất nước của các bạn với cương vị Đại sứ Palestine tại Việt Nam.

Tuy có lúc xa Việt Nam nhưng bên cạnh tôi luôn có hình bóng Việt Nam, đó là người vợ mà tôi quyết định kết hôn từ rất sớm, năm tôi mới 24 tuổi và hiện chúng tôi đã có 4 người con, 3 gái, 1 trai. Các con tôi là những người con của 2 dòng máu Palestine và Việt Nam.


- Là một chàng rể Việt, vậy điều gì trong văn hóa gia đình Việt Nam mà Đại sứ thích nhất?

- Gia đình Việt Nam có kỷ cương rất tuyệt vời, ai cũng biết được vị trí của mình, ai trên ai dưới, đó là điều quan trọng. Khi người Việt ngồi xung quanh bàn ăn, trẻ em không được động vào thức ăn trước khi mời ông bà, bố mẹ; khi đi đâu phải xin phép, về nhà phải chào hỏi... Đó là những nét văn hóa mà tôi rất thích ở Việt Nam. Điều thứ hai là các gia đình Việt đối xử với nhau vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn.

Tôi đặc biệt trân trọng vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong cả việc xây dựng, bảo vệ đất nước lẫn trong xây dựng gia đình. Nếu như người đàn ông Việt Nam xây dựng hiện tại thì người phụ nữ Việt Nam xây dựng cả hiện tại và tương lai, vì họ là người nuôi dưỡng, dạy bảo các con. Trong cuộc đời của chúng ta, vợ là nguồn động lực để chúng ta thành công hoặc thất bại. Phụ nữ Việt Nam cần duy trì nét văn hóa đó vì nó sẽ giúp con cháu mình duy trì văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival văn hóa truyền thống và giao lưu văn hóa quốc tế 2019.


- Không chỉ là một nhà ngoại giao, ngài còn là một chuyên gia về văn hóa Việt Nam. Từ khi đặt chân tới Việt Nam lần đầu và đến bây giờ, Đại sứ thấy văn hóa truyền thống của người Việt có thay đổi gì không?

- Cũng có những sự thay đổi nhưng tôi rất vui mừng vì người Việt vẫn luôn giữ được bản sắc. Người Việt Nam thích thử những cái mới, chẳng hạn khi thấy starbucks hay hotdog... thì cũng rộ lên đi thử, nhưng sau đó người ta lại thấy không thể thiếu nước mắm, mắm tôm hay phở, bún thang... Đó là điều tôi thích ở người Việt Nam, họ vẫn duy trì được những nét văn hóa, ăn mặc, cách cư xử với nhau rất tốt. Như người Việt Nam hay nói: Khi mở cửa sẽ có nhiều gió vào và cũng có cả một chút bụi, nên chúng ta thỉnh thoảng phải quét nhà cho nó sạch, để bảo vệ môi trường mà chúng ta đang sống.

- Đại sứ từng nói có mong muốn xây dựng một trung tâm văn hóa để góp phần quảng bá văn hóa Việt. Ngài có thể chia sẻ kỹ hơn về dự định này?

- Tôi đã là người sống ở Việt Nam, gắn bó và coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Tôi sang Việt Nam khi mới 18 tuổi. “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm với Việt Nam, điều đó xuất phát từ cả lý trí và tình cảm. Những gì có thể làm cho Việt Nam, mang hình ảnh Việt Nam đến bất cứ nơi nào thì tôi sẽ làm với tất cả khả năng của mình. Chẳng hạn như Festival văn hóa truyền thống và giao lưu văn hóa quốc tế 2019, tuy do một đơn vị tư nhân thực hiện nhưng tôi vẫn sẵn lòng hỗ trợ, bởi tôi cho rằng đây là hành động đáng để động viên. Chúng ta phải huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực vào việc phát triển văn hóa. Tôi sẽ tiếp tục đóng góp những gì mình có thể làm theo từng giai đoạn, theo từng điều kiện của mình.

Trong giai đoạn tiếp theo, tôi mong muốn thành lập một trung tâm truyền thông và văn hóa để có thể xây dựng những cơ sở thực chất như các trang web về Việt Nam bằng tiếng Ả rập, làm những bộ phim tài liệu ngắn giới thiệu về Việt Nam, về văn hóa, du lịch, di sản, phong cảnh đẹp, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam..., những thứ mà người Ả rập rất quan tâm nhưng lại chưa biết nhiều. Đấy là một mục tiêu, một ước mơ mà tôi hy vọng còn sức khỏe sẽ làm bởi quan hệ của tôi với Việt Nam không phải là một quan hệ quá cảnh, nó là một quan hệ bền vững, lâu dài.

- Cảm ơn Đại sứ đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng bá văn hóa Việt với tất cả khả năng của mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.