Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Hà Nội sẽ trở thành thành phố sáng tạo

Thanh Thủy| 18/04/2019 06:46

(HNM) - Không chỉ sở hữu nhiều di sản văn hóa, Hà Nội còn là mảnh đất ươm mầm không gian sáng tạo, nuôi dưỡng những ước mơ khởi nghiệp và cũng là mở đường cho sự phát triển của kinh tế khởi nghiệp.

Một không gian văn hóa sáng tạo cho các bạn trẻ tại Thủ đô Hà Nội.


Đánh thức tiềm năng, gieo mầm khởi nghiệp

Theo thống kê của Hội đồng Anh, hiện Hà Nội có 24 không gian sáng tạo, trong đó phần lớn là các không gian làm việc chung, không gian triển lãm, trò chuyện trao đổi, tổ chức sự kiện về nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc, điện ảnh, thư viện, cửa hàng thời trang...

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá: "Những không gian này chính là nơi truyền cảm hứng, năng lượng sáng tạo và kết nối mọi người; đồng thời là nền tảng nâng đỡ, khai mở thêm nhiều giá trị nguồn tài nguyên văn hóa sẵn có. Từ đây, công chúng có thêm cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đồng nghĩa với việc phát triển con người tốt hơn, toàn diện hơn".

Tuy nhiên, cũng giống với nhiều lĩnh vực khác, không gian sáng tạo ở Hà Nội đang phải đối mặt với không ít thách thức như thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương; sự bất ổn định từ nguồn vốn, mặt bằng… Sáng lập viên Tổ hợp Hanoi Creative City Đoàn Kỳ Thanh cho biết, đến nay, các không gian sáng tạo vẫn chưa có tư cách pháp nhân cụ thể, dẫn đến những trở ngại trong khâu cấp phép mà Hanoi Creative City, với tư cách pháp nhân là một công ty bất động sản, không có quyền tổ chức sự kiện, là một ví dụ.

Ông Hà Anh Tuấn, đại diện không gian sáng tạo The Vươn - Luxury Garden Office chia sẻ: "Đầu tư cho không gian sáng tạo là cuộc chơi lớn và nhiều rủi ro bởi mặt bằng thiếu ổn định, đối tượng thụ hưởng còn chưa mặn mà trong khi chi phí kiến tạo, duy trì rất tốn kém".

Gỡ khó cho doanh nghiệp, từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa, tháng 10-2018, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có cuộc trao đổi cởi mở với đại diện các nhà đầu tư không gian sáng tạo, thông qua hội thảo “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Không gian sáng tạo được thành phố xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh thành phố sáng tạo - mục tiêu mà Hà Nội đang vươn tới. Thủ đô sẽ tạo điều kiện hết mức có thể để các không gian này phát triển ở Hà Nội dưới nhiều mô hình sáng tạo khác nhau. Trước mắt, là việc xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thỏa đáng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi… Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình khởi nghiệp, kết nối với doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ xứng đáng các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo phù hợp, nhằm đánh thức tiềm năng, gieo mầm khởi nghiệp và mở đường phát triển cho kinh tế khởi nghiệp.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh


Nhắm vào tất cả những gì được coi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng tốt đẹp nhất, những năm qua, Hà Nội đã có nhiều chương trình, chính sách, kế hoạch đầu tư cho lĩnh vực này. Mới đây nhất là sự ra đời của Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển dài hơi, bài bản với nhiều giải pháp và lộ trình phù hợp.

Tiêu biểu, như: Xây dựng, ban hành Quy hoạch chiến lược đối với từng ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh; rà soát, bổ sung, kiện toàn cơ chế, chính sách; tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích phát triển không gian sáng tạo; triển khai Chương trình “Kết nối các doanh nghiệp với làng nghề truyền thống”; đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động của nghệ thuật biểu diễn;…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, việc tạo ra các cơ chế thông thoáng để đem lại môi trường tự do sáng tạo là điều kiện quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, cần xác định, nguồn lực tài chính chỉ là một phần trong đầu tư cho văn hóa. Việc đầu tư khác, quan trọng không kém, là đầu tư cho nguồn lực con người, vừa tạo nền tảng chung, có tính kế thừa, vừa chú ý đến các cá nhân đỉnh cao.

Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn cho rằng, nên áp dụng mô hình quản lý “cánh tay nối dài” theo kinh nghiệm một số nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Cụ thể, Hà Nội sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ, định hướng và cung cấp nguồn vốn nhất định rồi giao quyền quyết định tài trợ, phát triển các dự án cụ thể cho các hội đồng chuyên môn. Đồng thời, thành phố có thể thành lập một tổ chức hỗ trợ phát triển văn hóa và sáng tạo trực thuộc thành phố, gồm đại diện chính quyền thành phố và các hiệp hội âm nhạc, điện ảnh, nghệ sĩ, doanh nhân...

Có thể thấy rõ, phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, quảng bá hình ảnh, con người Thủ đô một cách hiệu quả, mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Người dân Thủ đô cũng đang kỳ vọng vào một bước tiến thật sự thông qua đề án nêu trên, hứa hẹn sẽ không chỉ mang đến những lợi ích về kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ẩn chứa trong mỗi ngành nghề sáng tạo.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh thành công, bên cạnh sự hỗ trợ, định hướng từ chính quyền, các đơn vị, cá nhân, những người nắm giữ "tài nguyên" cũng cần chủ động tìm tòi, sáng tạo cũng như sự đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực, nhằm hiện thực hóa đề án trên cơ sở hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao các giá trị văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Hà Nội sẽ trở thành thành phố sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.