Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị to lớn sau 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam

Hoàng Lân| 18/04/2019 10:01

(HNMO) - Sáng 18-4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị tổng kết về Ngày sách Việt Nam.


Tới dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lan tỏa phong trào đọc sách ở 63 tỉnh, thành phố

Phát biểu tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời đại công nghệ số, tỷ lệ người đọc sách ngày một giảm. Theo thống kê, năm 2016 chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% người không đọc sách, 44% người thỉnh thoảng đọc sách. Mỗi người Việt Nam thụ hưởng trung bình 4,2 cuốn sách mới một năm, trong đó 2,3 cuốn là khách giáo khoa. Như vậy, mỗi năm một người Việt Nam chỉ đọc gần 2 cuốn sách mới, thuộc nhóm thấp trên thế giới.

Trước vấn đề này, cách đây 5 năm Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-4-2014 và lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Ngày sách Việt Nam nhằm hướng tới các mục tiêu: Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, phong trào đọc sách đã được phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Nhiều địa phương thực hiện đường sách, phố sách, ngày sách, hội sách… thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng. Hiện nay đã có Nhà Xuất bản xuất bản sách điện tử; tổ chức nhiều giải thưởng sách quốc gia; giờ đọc sách được thực hiện trong các lớp học từ cấp mầm non đến THCS…

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngày sách Việt Nam đã được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn. Hiện có 99% số tỉnh, thành phố đã triển khai hoạt động Ngày sách Việt Nam xuống các quận, huyện; 30% số tỉnh, thành phố tổ chức Ngày sách Việt Nam xuống tận cấp xã, phường; 100% cơ sở giáo dục đã chủ động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của Ngày sách Việt Nam. Cả nước có hơn 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và hơn 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam; 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc…

Qua 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, ngành Xuất bản thực hiện được 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản, tăng 20% về số cuốn và số bản sách; tốc độ tăng trưởng của xuất bản phẩm từ 10-15%...

Tại hội nghị, nhiều tham luận của đại diện các bộ, ngành, địa phương khẳng định ý nghĩa to lớn của việc thực hiện Ngày sách Việt Nam cũng như phát triển văn hóa đọc. Nhiều kiến nghị thiết thực về việc làm thế nào để phong trào đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà xuất bản

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sự hiếu học là điều vô cùng quý giá với từng con người, gia đình, cộng đồng, dân tộc và là đặc trưng chung của nhân loại. Dân tộc ta có 4000 năm văn hiến và là dân tộc có truyền thống hiếu học. Vì thế, việc phát triển, nhân rộng văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của Ngày sách Việt Nam trong 5 năm qua.


Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ngày sách Việt Nam (21-4) được quyết định tổ chức hằng năm trở thành dấu mốc có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân và xã hội. Trong 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, doanh nghiệp và những cá nhân có tấm lòng đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, làm cho văn hóa đọc có sự khôi phục và phát triển đáng mừng. Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến với nhiều vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo. 

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, bên cạnh những kết quả đáng mừng trong việc tổ chức Ngày sách Việt Nam, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thì đâu đó vẫn còn những đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa tích cực, còn nhiều nơi tổ chức ngày sách mang tính hình thức.

“Để phong trào đọc và học lan tỏa trong giới trẻ thì trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần nêu gương, nâng cao việc đọc sách, đọc tài liệu. Có vậy, mỗi người mới mong lĩnh hội thêm nhiều kiến thức, làm việc tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề ra một số nhiệm vụ cho các bộ, ngành, đơn vị để phát huy hiệu quả hơn nữa Ngày sách Việt Nam và phát triển văn hóa đọc. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức Ngày sách Việt Nam cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản trong hoạt động xuất bản phẩm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị chủ trì phát triển đề án văn hóa đọc tập trung thực hiện tốt những công việc liên quan đến vấn đề này.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: Xây dựng văn hóa, khuyến học...; tiếp tục tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phát huy tốt hơn vai trò của các hội, đặc biệt là hội xuất bản, hội khuyến học; tăng cường hơn nữa vai trò của truyền thông trong tuyên truyền văn hóa đọc; tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế; mời nhiều nhà xuất bản, hiệp hội sách quốc tế tham gia Ngày sách Việt Nam…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị to lớn sau 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.