Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cách gìn giữ và nâng tầm văn hóa

Đoan Trang| 02/05/2019 06:48

(HNMCT) - Thời gian gần đây, việc đưa những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc vào các sản phẩm đang được định hình như một xu hướng. Điều này khác xa với định kiến của nhiều người khi cho rằng, truyền thống là những gì thuộc về xưa cũ và không phù hợp với các yếu tố hiện đại.


Những cái tên như "Họa sắc Việt", "Hoa văn Đại Việt", S River Nguyễn Khánh Dương, Xuân Lam... đang được nhắc đến như một minh chứng cho hành trình lội ngược dòng trở về quá khứ, làm sống dậy hồn dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, giải trí, kinh doanh; đánh thức những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.

Văn hóa dân tộc khi được lồng ghép vào những sản phẩm hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống mới, sẽ kéo gần khoảng cách giữa những điều xưa cũ và mới mẻ.


Biến những điều xưa cũ thành mới mẻ

Năm 2014, khi cuốn truyện tranh thuần Việt "Truyền thuyết Long Thần Tướng" lần đầu tiên xuất hiện đã gây xôn xao trong giới xuất bản. Họ xôn xao bởi nó bao gồm nhiều cái “đầu tiên”: Là cuốn truyện tranh thuần Việt từ nội dung đến hình thức đầu tiên, là cuốn tranh ra đời hoàn toàn từ việc gây quỹ trong cộng đồng đầu tiên và là cuốn truyện tranh đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá Japan International Manga Award của Bộ Ngoại giao Nhật Bản...

Sự kiện đó còn làm tiền đề cho những cuốn sách mang đậm dấu ấn truyền thống dân tộc sau này như: Bộ sách tranh "Lĩnh Nam chích quái" của Tạ Huy Long (ra mắt đầu năm 2017), "Cánh hoa trôi giữa hoàng triều" của ComiCola (ra mắt năm 2018)...

Gần đây, những họa tiết mang đậm nét truyền thống còn thấy trên những lĩnh vực luôn khát khao cái mới như thời trang, hội họa... Những tên tuổi trong làng thời trang như nhà thiết kế Thủy Nguyễn, Minh Hạnh, Quỳnh Paris... đã kết hợp tài tình giữa hoa văn truyền thống, những sắc màu đậm tính dân tộc của tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... trên các bộ váy, áo dài thành những bộ sưu tập đầy cảm xúc với nhiều góc nhìn mới lạ.

Yếu tố dân tộc còn xuất hiện trong một triển lãm mang tên “Vẽ lại tranh dân gian” bao gồm các sản phẩm đương đại nhưng mang đậm văn hóa truyền thống của Nguyễn Xuân Lam - một nghệ sĩ sinh năm 1993, đang làm việc tự do tại Hà Nội. Ở đó, một tấm bình phong bằng voan trắng mỏng tang căng trên khung gỗ nâu trầm được làm nổi bật bởi ba bức tranh dân gian: "Thiên hạ thái bình" (tranh Đông Hồ), "Gà và hoa hồng" (tranh Đông Hồ) và "Chim hạc" (tranh thờ tỉnh Nghệ An).

Ở đó, một chiếc váy đỏ theo phong cách thời thượng nhưng được in hình chú gà trống của bức "Gà và hoa hồng" (tranh Đông Hồ) và còn nhiều sản phẩm khác như sổ ghi chép, tranh treo tường, túi vải, lịch để bàn... được khoác lên mình “màu dân tộc” bằng những bức tranh dân gian.

Các bạn trẻ thực hiện những bộ ảnh trong trang phục cổ của dự án “Dệt nên triều đại”.


Văn hóa dân tộc còn được lồng ghép vào những sản phẩm hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống mới, kéo gần khoảng cách giữa những điều xưa cũ và mới mẻ. Với mong muốn biến đổi dòng tranh dân gian sang dạng thức phù hợp để phát triển trong thời đại công nghệ số, cô gái 9x Trịnh Thu Trang và nhóm bạn đã cùng biên soạn cuốn Họa sắc Việt, với hy vọng xây dựng một bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết, màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật đương đại. Và đúng như mong muốn từ khi ra đời, dự án “Họa sắc Việt” được coi như một cách tiếp cận mới về việc bảo tồn những giá trị truyền thống.

Không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử, không bê nguyên quá khứ đặt vào thực tại, nhóm S River đã chắt lọc những chất liệu dân gian, lựa chọn nhiều chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu từ các bức tranh nổi tiếng như "Cá chép vượt vũ môn", "Canh nông vi bản", "Ngũ hổ"... rồi sắp xếp, phối trộn chúng trở thành những họa tiết có giá trị thẩm mỹ mới, có khả năng ứng dụng vào thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ đương đại...

Cùng một mục đích giống như “Họa sắc Việt” nhưng cách làm của nhóm bạn trẻ trong dự án “Hoa văn Đại Việt” đã khiến cộng đồng ngỡ ngàng. Từ thực tế lâu nay, người ta vẫn nói mỹ thuật Việt có nhiều mô-típ trang trí, nhiều hoa văn đẹp, độc đáo, nhưng khi muốn ứng dụng vào một sản phẩm hiện đại thì lại... không có công cụ, nhóm bạn trẻ đã dày công khảo sát, nghiên cứu những mẫu hoa văn phổ biến nhất của người Việt, chọn ra 250 mẫu để biến thành hoa văn dạng véc-tơ. Tức là số hóa những hoa văn ấy, để có thể ứng dụng trong bất cứ lĩnh vực nào từ trang phục, cho đến bao bì sản phẩm, bao lì xì, trên gốm, sứ...

Xa hơn, nhóm này mong muốn bộ véc-tơ hoa văn sẽ được cung cấp cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam để sử dụng trong các dự án mang tinh thần Việt. Từ đó tạo một nguồn tư liệu phong phú cho những người làm sáng tạo tại Việt Nam để có những tác phẩm đặc trưng văn hóa Việt.

Thẳm sâu một tình yêu nguồn cội

Bộ truyện tranh "Truyền thuyết Long Thần Tướng" do Nguyễn Khánh Dương, Thành Phong và Mỹ Anh sáng tạo.


Lý giải về sự xuất hiện ồ ạt những sản phẩm, dự án phục cổ, anh Nguyễn Khánh Dương - Quản lý Công ty ComiCola - một trong các tác giả của truyện tranh "Truyền thuyết Long Thần Tướng" và cũng là người vận hành các dự án gây quỹ cộng đồng cho “Hoa văn Đại Việt”, “Dệt nên triều đại”, “Họa sắc Việt” - cho biết: “Tôi có thể khẳng định, dựa trên quãng thời gian tôi làm vừa qua, vẫn còn nhiều người quan tâm đến văn hóa truyền thống Việt. Bằng chứng là khi tôi gây quỹ cộng đồng cho cuốn truyện tranh thuần Việt Truyền thuyết Long Thần Tướng chỉ sau 2 tháng đã thu về 400 triệu đồng cùng nhiều lời động viên khích lệ chân tình”.

Còn với Trịnh Thu Trang, dự án “Họa sắc Việt” ra đời xuất phát từ câu hỏi tại sao không sử dụng kho nguyên liệu phong phú về màu sắc và họa tiết đang có nguy cơ bị mai một của tranh dân gian Hàng Trống. Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu giữ nguyên tranh Hàng Trống ở bản gốc thì sẽ không còn phù hợp với thời đại công nghệ số, thời đại in ấn công nghiệp. Từ đó, tôi có ý tưởng kết nối những giá trị truyền thống với thiết bị số, cùng hướng dẫn màu sắc và các ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ để những giá trị dân gian sống lại ở bất cứ đâu trong đời sống”.

Với Xuân Lam, ý tưởng vẽ lại tranh dân gian đến trong một lần vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tìm tư liệu để làm bài tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật. Bước chân vào khu trưng bày tranh dân gian vốn đìu hiu so với khu vực bày tranh của các danh họa và nhận ra nét đẹp trong các bức tranh của nghệ nhân xưa, Xuân Lam tự hỏi tại sao vốn truyền thống của cha ông phong phú là vậy mà ngày nay không được nhiều bạn trẻ biết tới. Vốn là người từng theo học hai chuyên ngành hội họa và thiết kế, Xuân Lam sử dụng kỹ thuật đồ họa mình học được để “làm mới” tác phẩm. Anh chỉnh sửa các bản vẽ bằng máy cho phù hợp và có tính ứng dụng cao, rồi in ra các mẫu sản phẩm khác nhau sao cho hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống.

Kinh doanh văn hóa để phát triển văn hóa

Một sản phẩm của “Họa sắc Việt”.


Để đưa văn hóa truyền thống của dân tộc vào các sản phẩm, theo Nguyễn Khánh Dương, chỉ nhiệt huyết và đam mê là chưa đủ, những dự án, doanh nghiệp đi theo con đường riêng như anh đang gặp rất nhiều khó khăn. “Đầu tiên là nguồn vốn. Hầu hết dự án mà tôi đang hỗ trợ gây quỹ đều là của các bạn trẻ nên họ ít kinh nghiệm trong việc tìm nguồn vốn. Tiếp đến là cơ chế. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... họ rất mạnh tay trong việc bảo vệ văn hóa trong nước bằng việc chặn hầu hết “đường vào” của văn hóa nước ngoài. Nước mình thì đang thoải mái trong việc nhập khẩu văn hóa nước ngoài nhưng lại rất khắt khe với các sản phẩm trong nước. Điển hình như khi tôi làm một cuốn truyện tranh mua bản quyền nước ngoài việc xin giấy phép rất dễ dàng, chỉ vài hôm là xong. Còn khi sản xuất một cuốn truyện tranh làm về lịch sử trong nước, sẽ bị “soi” rất kỹ, nâng lên đặt xuống thêm bớt chi tiết rất nhiều lần”, Nguyễn Khánh Dương chia sẻ.

Nguyễn Khánh Dương cũng cho biết thêm: “Vì sao năm 2004 tôi ra mắt cuốn truyện tranh đầu tiên? Đó là vì ngày 26-10-2004 một sự kiện làm thay đổi toàn bộ nền xuất bản Việt Nam đó là Công ước Bern có hiệu lực. Ngay sau đó toàn bộ truyện tranh lậu trên thị trường không được phép lưu hành nữa, tạo một khoảng trống rất lớn trên thị trường và các công ty phát hành sách tại Việt Nam đã phải kêu gọi và tìm kiếm các tác giả Việt Nam tham gia. Và quả thực thời gian sau đó khá nhiều tác giả tâm huyết và sản phẩm chất lượng xuất hiện”.

Thêm vào đó, kinh doanh vẫn là câu chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Ở những lĩnh vực mà “đầu ra” cho sản phẩm khá hẹp, độ rủi ro của công việc rất cao. Chính vì thế Nhà nước nên có một cơ chế riêng cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Những chính sách tích cực sẽ khuyến khích cộng đồng dấn thân vào hoạt động bảo tồn di sản, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, có nhiều lợi thế hơn để kinh doanh văn hóa. Và như Nguyễn Khánh Dương khẳng định: “Kinh doanh văn hóa chính là cách tốt nhất để phát triển văn hóa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một cách gìn giữ và nâng tầm văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.