Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một đề tài hấp dẫn

An Nhi| 05/05/2019 07:15

(HNM) - Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với chiến thắng vang dội 65 năm trước của quân và dân ta luôn tạo cảm xúc mạnh mẽ cho các văn nghệ sĩ nước nhà.

Triển lãm “Điện Biên năm ấy” gồm nhiều tác phẩm giá trị và ý nghĩa với công chúng. Ảnh: Thụy Du


Còn nguyên giá trị

Họa sĩ Trần Khánh Chương có mặt từ rất sớm, khi triển lãm mỹ thuật “Điện Biên năm ấy” bắt đầu mở cửa đón công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vào chiều 3-5. Ở sự kiện này, ông đến dự không chỉ với tư cách là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, mà còn với vai trò tác giả của bức tranh sơn mài “Đường lên Điện Biên”. Tác phẩm được họa sĩ sáng tác năm 2005 với cảm hứng từ những chuyến về chiến trường xưa, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tranh được trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại ngay sau đó. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để ông ngắm lại tác phẩm và giới thiệu với mọi người một trong những sáng tác tâm huyết của mình.

Triển lãm “Điện Biên năm ấy” với 39 tác phẩm, chỉ là một phần trong kho tàng những sáng tác mỹ thuật về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở đây, công chúng gặp lại những tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến, như bộ ký họa “Đèo Lũng Lô”, “Bộ đội nghỉ trong hang”, “Hành quân qua suối”, “Hoan hô”… của danh họa Tô Ngọc Vân; ký họa “Bộ đội họp” của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp; tranh bột màu “Gặp nhau” của họa sĩ Mai Văn Hiến… Song, phần nhiều là các sáng tác sau chiến thắng, như tranh sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc” (Phan Kế An), tranh lụa “Hành quân mưa” (Phan Thông), tranh sơn dầu “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” (Thế Vỵ), sơn mài 3 tấm “Kéo pháo” (Dương Hướng Minh), tranh khắc “Trung tâm Điện Biên Phủ” (Huy Toàn), tranh sơn dầu “Bác đi chiến dịch” (Nguyễn Đức Dụ), tranh lụa “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” (Lê Vinh)…

Ngoài những tác phẩm này, tại khu trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công chúng vẫn được thưởng lãm nhiều tác phẩm giá trị về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiêu biểu nhất là Bảo vật quốc gia - bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng. Tác phẩm ghi lại thời khắc thiêng liêng của buổi lễ kết nạp Đảng cho chiến sĩ Điện Biên ngay trên chiến hào chật hẹp, hội tụ đầy đủ giá trị lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa...

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận định, trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ là đề tài hấp dẫn với nhiều thế hệ họa sĩ. Các tác phẩm còn lưu lại đến giờ đều trở thành tài sản vô giá của mỹ thuật nước nhà. Chúng không những ghi lại chân thực, sinh động từng thời khắc lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.

Vẫn không ngừng sáng tạo

Họa sĩ Cao Trọng Thiềm là người trực tiếp hòa mình vào cuộc chiến đấu khốc liệt và gian khổ của cả dân tộc hơn 65 năm trước. Sau này, có điều kiện về thời gian, vật tư, ông đã dồn vốn tư liệu quý giá đó vào các tác phẩm. “Điện Biên năm ấy”, “Nắng chiều” sáng tác năm 1994 và “Pha Đin” sáng tác năm 2003, đã tái hiện sống động cảm xúc khí thế toàn dân tham gia kháng chiến một thời. Đến nay, ông vẫn còn nhiều chất liệu sáng tác về đề tài này.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng, có hai thế hệ họa sĩ sáng tác nhiều về đề tài Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp và thế hệ họa sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Các tác phẩm của hai thế hệ này chủ yếu mang phong cách hiện thực. Song, những năm qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được nhiều nghệ sĩ tạo hình khai thác. Có thể kể đến tác phẩm điêu khắc đồng “Bác Hồ 1954” (Vũ Nguyễn Ngọc Chi - 2002), tranh in “Bác bảo thắng là thắng” (Nguyễn Phúc Khôi - 2004), tranh sơn dầu “Hồ Chủ tịch lội suối đi công tác” (Bùi Văn Hoan - 2009)…

Năm 2014, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động triển lãm kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở đó có rất nhiều tác phẩm của họa sĩ trẻ mang phong cách mới, dù vẫn chọn thể hiện những câu chuyện vượt đèo, lội suối vận tải đạn, pháo, lương thực và các trận đấu ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, theo họa sĩ Trần Khánh Chương, do Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lùi xa nhiều chục năm, nên các nghệ sĩ hiện nay, nhất là người trẻ muốn sáng tác về đề tài này cần tìm hiểu, xem, đọc nhiều tài liệu để làm dày thêm chất liệu. Bên cạnh đó, sự thay đổi góc nhìn, có kết nối với thời nay là một gợi ý cho người sáng tác đi đến thành công.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến bày tỏ, với nhiều gợi mở hướng khai thác, hy vọng, vốn sáng tác mỹ thuật về Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và chiến tranh cách mạng nói chung sẽ ngày một đầy thêm, giúp thế hệ ngày nay ghi nhớ, trân trọng quá khứ, đồng thời phát huy tinh thần cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một đề tài hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.