Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về việc mặc phản cảm ở Cannes: Có cần biện pháp quản lý?

Hoàng Lân| 21/05/2019 14:08

(HNMO) - Liên hoan phim Cannes 2019 đang diễn ra, một vài người đẹp Việt, dù không có đóng góp gì cho ngành điện ảnh, cũng góp mặt tại sự kiện này với trang phục hở hang khiến công chúng “đỏ mặt”.


Muôn nẻo đường đến Cannes


Việc Ngọc Trinh đến LHP Cannes 2019, khoe cơ thể bằng những bộ đồ cắt xẻ táo bạo đang khiến công chúng yêu điện ảnh trong nước phản ứng với nhiều sắc thái khác nhau. Nhiều ý kiến gay gắt rằng, với bộ trang phục “không thể hở hơn”, Ngọc Trinh đang làm xấu hình ảnh phụ nữ Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Mặc trang phục quá hở hang trong ngày thứ 5 của LHP Cannes, Ngọc Trinh khiến công chúng trong nước bức xúc.


Không có dự án điện ảnh nào liên quan đến LHP Cannes, Ngọc Trinh và vài người mẫu có mặt tại Cannes để làm gì? Thực ra, nhóm “chân dài” tham dự theo vé mời của một đại diện nhãn hàng thời trang, quảng cáo - đối tác của Cannes - chứ không theo đường “chính ngạch” từ Ban tổ chức.

Thực tế, việc các nghệ sĩ, "chân dài" Việt xuất hiện ở LHP Cannes đến nay không còn là điều mới lạ, nhưng đi bằng “ngạch” nào, theo tiêu chí nào để có thể đứng trên thảm đỏ LHP Cannes, đó lại là câu hỏi lớn.

Năm 2010, lần đầu tiên nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện tại LHP Cannes, gồm các diễn viên Trương Ngọc Ánh, Trần Bảo Sơn, Mai Thu Huyền, Lã Thanh Huyền, Minh Hương, đạo diễn Phạm Việt Thanh, Hồ Quang Minh, Nguyễn Vinh Sơn và ca sĩ Ngân Khánh.

Từ đó đến nay, gần như năm nào cũng có nghệ sĩ Việt Nam góp mặt tại LHP Cannes. Điều đáng nói là cả 5 chuyến đi tới LHP Cannes kể từ năm 2010 đến 2014 của nghệ sĩ Việt Nam đều được thực hiện theo lời mời của nhà tài trợ, nhãn hàng rượu.

Những nghệ sĩ Việt lần đầu tiên tham dự LHP Cannes nhưng theo lời mời của một nhãn hàng.


Năm 2016, Angela Phương Trinh góp mặt tại LHP Cannes dù không có bộ phim nào tham gia tranh giải. Lý do cô xuất hiện tại sự kiện điện ảnh lớn này là Cục Điện ảnh Việt Nam nhận được lời mời tham dự buổi giới thiệu bộ phim “Julieta” của nữ diễn viên nổi tiếng Dương Tử Quỳnh, sau đó đã chuyển giấy mời cho đoàn làm phim "Taxi, em tên gì?" để quảng bá cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Angela Phương Trinh đi cùng đoàn phim này.

Cho đến nay, những nghệ sĩ Việt Nam dự LHP Cannes theo lời mời chính thức của Ban tổ chức liên hoan chỉ có đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp khi hai bộ phim “Bi, đừng sợ” và “Đập cánh giữa không trung” nằm trong chương trình song hành của liên hoan.

Lý Nhã Kỳ được mời vào năm 2016 và 2017 với tư cách là nhà bảo trợ cho hạng mục phim Cinéfondatio (dành cho các tài năng điện ảnh mới); năm 2018 được mời vì là nhà đầu tư của bộ phim Angel Face. Nhưng những lần xuất hiện trước đó của cô (từ năm 2013) là do một hãng rượu mời.

Làm gì thì cũng cần ứng xử văn hóa

Ngày 21-5, trả lời HNMO, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) khẳng định, Ngọc Trinh và các người mẫu Việt Nam tham dự LHP Cannes 2019 với tư cách cá nhân chứ không phải do cơ quan quản lý cử đi. Vì thế, sau khi xuất hiện hình ảnh “khó coi” tại LHP Cannes, họ phải tự chịu trách nhiệm với chính bản thân và với công chúng.

Ông Nguyễn Thái Bình cũng cho biết, những LHP quốc tế diễn ra trước đó, nhiều nghệ sĩ, cá nhân người Việt Nam tham dự sự kiện là do được mời riêng hoặc tự mua vé. Đó là quyền của mỗi người nếu họ có đủ năng lực để tham dự.

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Bộ VH,TT&DL bày tỏ quan điểm: “Bộ VH,TT&DL không quản lý những hoạt động mang tính cá nhân, nhưng khi tham gia các sự kiện văn hóa trong nước hay quốc tế thì những “người của công chúng” cần nêu cao ý thức giữ gìn hình ảnh. Những người cố tình sử dụng “chiêu trò” phản cảm vì mục đích nào đó thì chính họ phải chịu hậu quả. Đó là sự chê trách, thậm chí tẩy chay của cộng đồng”.

Lý Nhã Kỳ từng bị công chúng trong nước phản ứng vì tấm pano tại LHP Cannes 2017.


LHP Cannes là sự kiện điện ảnh lớn của thế giới, thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế. Đây cũng là cơ hội để không ít người lọt vào ống kính của giới truyền thông, qua đó “đánh bóng” bản thân. Bởi vậy, không khó hiểu khi nhiều người cố tình gây chú ý bằng những bộ trang phục hở hang, phản cảm. Tuy nhiên, việc xuất hiện với hình ảnh xấu xí giống như “con dao hai lưỡi”, bởi sau đó có rất nhiều nghệ sĩ quốc tế đã phải hứng chịu “gạch đá” từ phía công chúng.

Tại Việt Nam, những sự việc như Ngọc Trinh mặc phản cảm tại LHP Cannes 2019 hay Lý Nhã Kỳ quá lộ liễu khi sử dụng pano tấm lớn cùng slogan “Lý Nhã Kỳ - Tiếng nói mới của Việt Nam” tại LHP Cannes 2017 cũng đã và đang phải nhận sự phê phán từ phía công chúng.

Hiện nay, trong lĩnh vực điện ảnh, chưa có quy định nào về việc quản lý các cá nhân tham gia sự kiện, hoạt động văn hóa mang tính quốc tế. Nhiều cá nhân tự tham dự các sự kiện lớn như các liên hoan phim mà không cần thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Liệu đó có phải là “kẽ hở” để cho các cá nhân tự do trục lợi, “đánh bóng” tên tuổi?

Cá nhân có quyền làm những gì mà luật pháp không cấm. Tuy nhiên, với những hành vi “quá lố”, gây ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thì trong khi chờ đợi giải pháp tiếp theo của cơ quan quản lý, sự lên tiếng của công chúng, cách tỏ thái độ đúng mức của người trong giới điện ảnh nói riêng và giới nghệ thuật nói chung có ý nghĩa rất lớn.

Sự xa lánh của công chúng có lẽ là sự trừng phạt có sức răn đe lớn hơn nhiều so với mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về việc mặc phản cảm ở Cannes: Có cần biện pháp quản lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.