Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ cho được bản sắc của nghệ thuật truyền thống

Lý An| 23/05/2019 12:03

(HNMCT) - Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2019 đã khép lại trong niềm hân hoan của những nghệ sĩ “sinh nghề, tử nghiệp”.


Bên lề Liên hoan, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về những vấn đề của nghệ thuật Tuồng.

- Mặc dù không hạn chế về đề tài nhưng đa số các tác phẩm tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2019 là những tác phẩm về đề tài lịch sử. Qua đó có thể thấy điều gì về sân khấu tuồng hiện nay, thưa ông?

- Điều này cho thấy đề tài lịch sử là một mặt mạnh của sân khấu tuồng, phải làm sao khai thác được những nhân vật lịch sử mà người xem hiện nay quan tâm. Chẳng hạn Nhà hát Tuồng Việt Nam đề cập tới Lê Văn Duyệt, Trần Khánh Dư, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiền Đĩnh cùng thể hiện nhân vật Lê Đại Cang. Hay Nhà hát Bội thành phố Hồ Chí Minh làm về vụ án Lệ Chi Viên, Nhà hát Tuồng Khánh Hòa cũng đề cập tới nhân vật lịch sử Đặng Đại Độ, người dám diệt trừ những tên tham quan lộng hành. Nhà hát Thanh Hóa dựng vở về Triết vương Trịnh Tùng, một nhân vật thời nhà Trịnh mà trước nay chúng ta ít đưa lên sân khấu. Những vấn đề, nhân vật lịch sử ấy sở dĩ được công chúng hiện nay quan tâm bởi bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, vẫn rất thời sự. Có những vấn đề lịch sử còn bỏ ngỏ được nghệ sĩ hôm nay khai thác, tạo ra trò diễn. Đó cũng là tính hiện đại của sân khấu truyền thống.

- Nhưng cũng phải chia sẻ thật rằng, qua Liên hoan cũng như tâm sự của những người nghệ sĩ, có thể thấy bức tranh đời sống sân khấu tuồng hiện nay không mấy khởi sắc, cũng không thu hút được người xem. Theo ông nguyên nhân nằm ở đâu?

- Vấn đề này, ngoài tác phẩm là yếu tố cốt lõi còn phải kể tới công tác quảng bá, giới thiệu và truyền thông. Chúng ta không có những chiến dịch truyền thông có tính hấp dẫn và mời khán giả đến để xem, giao lưu, trao đổi. Khán giả cần được biết vì sao dựng vở này, nhân vật, sự việc ấy như thế nào, lý giải nhân vật lịch sử như vậy đúng hay sai, có những vấn đề gì phù hợp cách nhìn nhận ngày hôm nay, chứ không phải làm về lịch sử như mở trang sách. Điều đó tạo ra không khí của nghệ thuật, nếu không sẽ rơi vào cảnh "chợ chiều".

- Ngoài đề tài, nhiều vở tại Liên hoan vẫn bị chê vì dàn dựng theo lối cũ, không còn hợp với khán giả hôm nay. Tuy nhiên, nếu cách tân quá nhiều người lại lo ngại sẽ không giữ được bản sắc của nghệ thuật Tuồng. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?


- Với sân khấu truyền thống, điều đầu tiên là phải giữ được bản sắc của nghệ thuật. Điều thứ hai là phải tạo ra tính hiện đại cho mỗi tác phẩm. Về hình thức biểu diễn thì diễn viên phải diễn cho hay, nhuần nhuyễn; đạo diễn, tác giả phải tạo ra những trò hấp dẫn. Ngoài ra, phải cách tân nhiều những làn điệu để vừa giữ bản sắc, vừa có không khí mới ở trong đó. Nếu cứ ề à ê a mãi thì khán giả không thích là đương nhiên.

- Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc nhưng tính bác học cao, khiến nhiều người nghĩ nó khó gần gũi, ngại tiếp cận. Ông có ý tưởng gì để sân khấu tuồng giao lưu rộng rãi hơn nữa với khán giả?

- Khi tính bác học đạt đến tiêu chuẩn như: Ngôn ngữ thơ phải chuẩn mực, các trò diễn phải khúc chiết, giữ được bản sắc của sân khấu tuồng, khai thác được kịch tính của vở diễn... thì nó làm cho sân khấu càng thêm hấp dẫn chứ không hề khó hiểu.

Chúng tôi đã đưa tuồng vào sân khấu học đường, có thể công chúng thích hay không thích nhưng họ phải hiểu được giá trị của sân khấu truyền thống trước đã. Các cháu học sinh phải biết tại sao ngày xưa ông cha ta lại xây dựng nhân vật đó, nghệ thuật đó có giá trị gì mà thế giới ca ngợi, vì sao lại hóa trang, phục trang, múa, hát hay xử lý không gian sân khấu như thế. Khi đã hiểu họ sẽ thích xem và sẽ yêu nghệ thuật truyền thống.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2019 diễn ra từ ngày 11 đến 19-5 tại Thanh Hóa đã thu hút 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước tham gia với 16 vở (9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch). Liên hoan có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc của Việt Nam và tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm; tìm tòi, phát hiện những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, phương pháp sáng tạo từ đó tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp cho mỗi đơn vị.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ cho được bản sắc của nghệ thuật truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.