Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động tại các thiết chế văn hóa: Được và chưa được

Nguyễn Thanh| 23/06/2019 06:34

(HNM) - Trong các yếu tố để nâng cao đời sống văn hóa, thì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng. Chính vì vậy, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại thiết chế văn hóa cơ sở đang ngày càng được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Bên cạnh công tác đầu tư xây dựng, cần tổ chức tốt hoạt động ý nghĩa tại các thiết chế văn hóa. Trong ảnh: Phòng đọc sách tại Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (huyện Thường Tín).Ảnh: Bá Hoạt


Thiếu nguồn lực “nuôi” phong trào

Những ngày này, Nhà văn hóa thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) luôn tấp nập người tới vui chơi, sinh hoạt văn hóa. Mọi người tập trung thành từng nhóm, hòa mình vào các hoạt động. Người cao tuổi tập thái cực quyền; trẻ nhỏ luyện hát, múa chuẩn bị cho ngày hội vui hè. Ông Lê Văn Nhật, Trưởng thôn Lai Xá chia sẻ: “Đây là thời gian hoạt động cao điểm của nhà văn hóa, do thiếu nhi được nghỉ hè tập trung về đây để sinh hoạt, vui chơi. Nhưng ngoài dịp hè, nơi đây vẫn luôn sáng đèn, do có nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm thường xuyên hoạt động. Phổ biến nhất là ca, múa, hát rồi đến tập luyện cầu lông, bóng bàn, cờ tướng… Nhà văn hóa thôn đã thực sự là điểm đến văn hóa, gắn kết người dân, nâng cao đời sống tinh thần”.

Cũng như Nhà văn hóa thôn Lai Xá, Nhà văn hóa cụm Bắc Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) đang trong thời gian hoạt động hết công suất, từ câu lạc bộ bóng chuyền hơi, cầu lông, dưỡng sinh, văn hóa đọc… đến các hoạt động hè cho thiếu nhi. Ông Nguyễn Duy Vang, Tổ trưởng tổ dân phố 28, phường Nghĩa Tân cho biết, trong những ngày này, một số câu lạc bộ phải nhường không gian cho trẻ nhỏ sinh hoạt hè.

Những nhà văn hóa nêu trên là ví dụ tiêu biểu cho việc phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở bằng các hoạt động hấp dẫn ở Hà Nội. Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Thành Tuyên, từ mái nhà chung này, nhiều câu lạc bộ, nhóm sở thích được hình thành, phát triển, góp phần đưa nơi đây thành điểm đến yêu thích của nhiều người dân.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các thiết chế văn hóa cơ sở vẫn chưa được như kỳ vọng. Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, vẫn còn tới 34% nhà văn hóa chỉ tổ chức hoạt động được 1 lần/tháng, bởi thiếu nguồn lực “nuôi” phong trào. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây Phan Thị Thu Hương cho biết, nhiều địa phương mong muốn khai thác công trình để có nguồn tái đầu tư cho các hoạt động, song chưa có hướng dẫn, nên không biết tổ chức thế nào cho hợp lý. Ngay cả việc chọn người trông coi, tổ chức các hoạt động cũng còn bất cập; mạnh ai nấy làm, nơi có bồi dưỡng, nơi không, thiếu ràng buộc trách nhiệm.

Không khó để nhận thấy những bất cập này trong thực tế. Chẳng hạn, tại tổ dân phố số 7, phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây), nhà văn hóa tổ dân phố rất khang trang, to đẹp, nằm ngay mặt đường Ngô Quyền, nhưng ngoài một số giờ hội họp, sinh hoạt văn hóa thì luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài". Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Trưởng ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa Dương Hồng Chính chia sẻ: “Chúng tôi hầu như không có kinh phí, "bí" từ tiền điện, nước đến tổ chức các hoạt động. Bản thân người phụ trách cũng là kiêm nhiệm, không có chuyên môn ở lĩnh vực này”.

Bên cạnh nguyên nhân thiếu kinh phí tổ chức hoạt động, nhiều địa phương (phổ biến là khu vực nội thành) còn gặp khó khăn về quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, khiến nhiều tổ dân phố phải dùng chung công trình, như trên địa bàn các quận: Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy... Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, thiếu quỹ đất là trở ngại chính khiến địa phương thiếu hụt nhà văn hóa, trong đó khu vực phố cổ đang “trắng” thiết chế văn hóa này.

“Mở lối” cho hoạt động tại thiết chế văn hóa cơ sở

Hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở là một trong những mục tiêu được Hà Nội quan tâm đặc biệt. Sau nhiều năm thành phố dồn lực và tích cực huy động xã hội hóa, đến nay, các thiết chế văn hóa đã “phủ sóng” tại 143/584 xã; 2.330/2.528 thôn, làng và 1.689/5.452 tổ dân phố. Để khai thác hiệu quả các công trình này, từ năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai đề án “Nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”, từ đó có những nghiên cứu, đánh giá, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động tại thiết chế văn hóa này được tốt hơn.

Người dân chơi thể thao tại Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Thái Hiền


Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, từ những mô hình đầu tiên được thí điểm tại Nhà văn hóa thôn Đoài, huyện Đông Anh như Câu lạc bộ Di sản và ký ức, Câu lạc bộ Nghệ thuật trình diễn, Câu lạc bộ Làm hoa giấy..., đến nay, đề án đã được triển khai ở một số quận, huyện, thị xã: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Sơn Tây... “Các mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương trong thời gian tới, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô”, bà Bùi Thị Thu Hiền khẳng định.

Về việc huy động nguồn lực “nuôi” phong trào, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Lê Thị Minh Lý, có thể tổ chức riêng một quỹ văn hóa cho nội dung này, cũng như áp dụng hình thức tổ chức hoạt động dịch vụ để huy động nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Từ đó, có điều kiện để duy trì các hoạt động miễn phí, phục vụ người dân. Ngoài ra, các địa phương có thể tận dụng những hạt nhân văn hóa, văn nghệ ngay tại cơ sở để gây dựng phong trào. Còn đối với các quận nội thành, cần có chiến lược dài hơi trong việc quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng nhà văn hóa của các tổ dân phố, phục vụ mục tiêu phổ cập thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Để phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở, bà Bùi Thị Thu Hiền nhận định, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được Quy chế quản lý, hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện tại, dự thảo quy chế đã được xây dựng và đang trong giai đoạn khảo sát, đánh giá thực tế để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Về quy chế này, Tổ trưởng tổ dân phố 27 (phường Phương Mai, quận Đống Đa) Đặng Thị Liên mong muốn, có những quy định hướng dẫn cụ thể, từ vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý, tổ chức hoạt động… đến việc huy động kinh phí, sử dụng nguồn thu. Ngoài ra, thành phố cần có chế độ động viên, khích lệ cho đội ngũ quản lý nhà văn hóa, giúp họ yên tâm công tác, phát huy năng lực, sáng tạo hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động tại các thiết chế văn hóa: Được và chưa được

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.