Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Có cơ chế hỗ trợ thì nghệ thuật đương đại mới phát triển được”

Trà Giang| 18/07/2019 14:05

(HNMCT) - NSƯT Trần Ly Ly được xem như là người gắn liền với sự trưởng thành của múa đương đại tại Việt Nam. Hơn chục năm trước, chị cùng nhiều nghệ sĩ đã chập chững những bước đầu tiên tiếp cận múa đương đại, đưa lên sân khấu những tác phẩm mới lạ khiến công chúng ngỡ ngàng. Từ vị trí của một biên đạo, chị trở thành người thầy của nhiều biên đạo trẻ. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với chị xung quanh sự tiếp nối của thế hệ trẻ với múa đương đại, cũng như bước phát triển của ngành nghệ thuật này hiện nay.

NSƯT Trần Ly Ly

- Liên hoan Múa đương đại Hanoi dance fest 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội đánh dấu sự thay đổi vai trò của chị, từ một biên đạo múa trở thành một giám đốc nghệ thuật. Chị có thể chia sẻ đôi chút về bước chuyển này của mình?

- Tôi rất tự hào được tham dự Liên hoan này với tư cách khác, không phải nghệ sĩ sáng tạo nữa mà là Giám đốc nghệ thuật. Sự thay đổi này với cá nhân tôi là kết quả sau một quá trình nhiều năm nỗ lực. Đối với Viện Goethe hay Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - những đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện này, tôi có một mối quan hệ vô cùng sâu sắc. Trước đây, khi còn đang học tập ở Việt Nam, cũng như sau khi đi học tập nước ở ngoài trở về, chính những đơn vị này đã cho tôi cơ hội mới.

Tôi chỉ là một diễn viên, một biên đạo thực hiện những chương trình rất nhỏ nhưng lãnh đạo các trung tâm này đã yêu cầu tôi bắt đầu sáng tác. Yêu cầu đó như là cách đặt niềm tin rằng tôi có thể làm được và tôi cứ thế bước đi, chậm rãi trên con đường đầy khó khăn của mình cho dù lúc đầu múa đương đại bị “ném đá”, thậm chí có người còn không muốn cho chúng tôi diễn. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sáng tác, sáng tác và sáng tác, tham gia rất nhiều vào Liên hoan Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á - Âu với tư cách một nghệ sĩ độc lập.

Năm 2017, Giám đốc Viện Goethe đến gặp tôi và bảo chúng ta hãy làm điều gì đó khác đi. Cái khác đó là phải tạo ra một sân chơi mới cho những biên đạo trẻ. Năm ngoái chúng tôi có 2 tuần “thu gom” những biên đạo trẻ có năng lực và những nhạc sĩ, nhạc công để tạo sân chơi riêng cho họ là Hội trại năm 2018. Chúng tôi tạo cơ hội cho họ gặp nhau, ngồi lại với nhau xem có thể làm được gì cho múa đương đại Việt Nam.

Tôi nghĩ đó là điều rất cần thiết đối với nghệ thuật biểu diễn đương đại tại Việt Nam hiện nay. Sau khi trở thành Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, bản thân tôi cũng không ngần ngại đứng lên cùng các anh em nghệ sĩ, hỗ trợ họ hết sức với tinh thần tre già thì măng phải mọc. Tôi hy vọng các em sẽ trở thành những đại diện mới mẻ hơn, hay hơn cho múa đương đại trong tương lai.

Tại Liên hoan Múa đương đại vừa diễn ra, tôi vô cùng tự hào khi thấy lứa học trò của mình đã có thể đứng riêng trên sân khấu. Tôi hy vọng đó là những bước đi vững chãi của nghệ thuật biểu diễn đương đại Việt Nam.

Tác phẩm Đáy giếng của Vũ Ngọc Khải. Ảnh: Khiếu Minh

- Từ chỗ khá mới lạ với công chúng, thậm chí có những tác phẩm bị đánh giá là “copy” từ nước ngoài, hiện nay chúng ta đã có một thế hệ biên đạo vượt ra khỏi biên giới Việt. Đa số các biên đạo múa tham gia liên hoan năm nay đều đang hoạt động ở nước ngoài. Tác phẩm của họ cũng cho thấy bản sắc văn hóa Việt rất rõ nét. Chị nhận xét sao về xu hướng này?

- Đến nay, tất cả các bạn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại đều nhìn nhận truyền thống là cốt lõi, nếu chúng ta không bám vào truyền thống thì chúng ta không có chất để đi sâu, xa hơn trong tương lai. Nhận ra điều đó, các nghệ sĩ sẽ tự định hướng cho mình ngay từ góc độ tiếp cận để sáng tác vì càng đi xa, càng làm nhiều thì càng muốn quay về với truyền thống, càng thấy sự lấp lánh của nó.

- Chị vừa chia sẻ rằng chị rất tự hào về đội ngũ biên đạo trẻ tài năng hiện nay, nhưng có một thực tế là đa số những tên tuổi xuất sắc lại không hoạt động trong nước. Có vẻ như sau hơn 30 năm múa đương đại vào Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có được môi trường thuận lợi cho các biên đạo thể hiện tài năng?

- Đúng là nói về điều kiện làm nghề thì vẫn còn rất khó khăn đấy. Vẫn là cơ hội với những nghệ sĩ biết tìm kiếm môi trường để phát triển bản thân, chứ không phải là tất cả bởi xã hội nói chung chưa thật ủng hộ múa đương đại. Các nghệ sĩ muốn có cơ hội phát triển phải tự liên kết để tạo ra những nhóm, hỗ trợ nhau làm sản phẩm, rồi phải tự tìm cách kết nối với các đơn vị tài trợ để công bố sản phẩm.

Không giống nhiều ngành nghệ thuật khác, nghệ sĩ múa đương đại phải đảm đương khá nhiều việc chứ không chỉ chuyên tâm cho sáng tác. Các nghệ sĩ gắn bó với một nhà hát nào đó thì đỡ hơn nhưng cũng vẫn rất vất vả. Ngay như tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, chúng tôi cũng dựng khá nhiều chương trình, nhưng cơ chế và tiền lương, đãi ngộ vẫn chưa thật xứng đáng. Tuy nhiên, đa số chúng tôi vẫn chấp nhận, chấp nhận làm thêm những thứ khác để nuôi đam mê.

- Nhiều nghệ sĩ, chẳng hạn như Vũ Ngọc Khải có mong muốn trở về Việt Nam làm việc với tư cách một nghệ sĩ tự do. Nhưng phải thừa nhận, câu chuyện thu hút khán giả cho múa đương đại là hết sức khó khăn. Nguồn tài trợ của các quỹ văn hóa, trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam cho hoạt động này cũng không còn nhiều như trước. Vậy theo chị, có giải pháp nào để nuôi dưỡng lớp nghệ sĩ tiềm năng này?

- Cứ nhìn Liên hoan Múa đương đại vừa diễn ra, chúng ta bán vé chỉ từ 100.000 đồng, có tài trợ mà còn khó. Số tiền bán vé đó chỉ hỗ trợ phần nào chi phí tổ chức và để tạo thói quen cho khán giả mua vé xem nghệ thuật chứ không thể đủ cho một buổi biểu diễn. Khi chưa bán vé được thì làm sao nghệ sĩ tự do có thể tự sống được? Bản thân chúng tôi cũng phải rất vất vả, tâm huyết để có được sân chơi này. Đây không phải là một sự kiện biểu diễn mà là một cuộc chơi, một thử nghiệm của nghệ sĩ về các trải nghiệm cá nhân của họ.

Các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam như Viện Goethe hay Trung tâm Văn hóa Pháp là những đơn vị tiên phong và rất kiên trì trong việc giới thiệu nghệ thuật trình diễn như là múa đương đại đặc sắc của Pháp, Đức đến Việt Nam, cũng như hỗ trợ nghệ sĩ Việt Nam đưa nghệ thuật đương đại lên sân khấu. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể dựa mãi vào sự tài trợ này.

Do vậy, theo tôi phải có một cơ chế. Ví dụ ở nhiều nước, mỗi bang đều có một nguồn vốn cho phát triển văn hóa. Ở Việt Nam, các tỉnh, thành phố cũng nên có những quỹ hỗ trợ nghệ sĩ sáng tạo thì những loại hình nghệ thuật đương đại mới có cơ hội phát triển được. Còn chuyện thỉnh thoảng tổ chức buổi biểu diễn để bán vé hay những sân chơi như vậy thì ít lắm, không đủ tạo ra những điều kiện cơ bản cho nghệ thuật đương đại phát triển.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Có cơ chế hỗ trợ thì nghệ thuật đương đại mới phát triển được”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.