Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị văn hóa làng - kinh nghiệm từ Hà Lan

Thùy Liên| 18/09/2019 15:10

(HNMCT) - Nhờ thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các làng cổ khu vực nông thôn ngoại thành, nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ cùng những phong tục, truyền thống văn hóa đặc sắc, Hà Lan đã trở thành một điểm đến du lịch được ưa chuộng nhất thế giới.

       Mỗi ngôi nhà ở làng Zaanse Schans là một bảo tàng sống về nghề truyền thống ở xứ sở hoa tuylip.

Dấu ấn văn hóa Hà Lan

Hà Lan nổi tiếng với nền kiến trúc độc đáo, đạt đến trình độ cao của thế giới. Cùng với đó, đất nước của hoa tulip và cối xay gió rất lưu tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có những ngôi làng cổ tích.

Ở nông thôn Hà Lan, triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên được thể hiện rất rõ trong kiến trúc và lối sống. Những ngôi nhà ở làng quê thường được xây 2 tầng, tầng trệt và tầng áp mái. Không gian nhà ở và vườn tược được bài trí giống như biệt thự, có khuôn viên nhưng không đóng kín với thế giới bên ngoài. Mỗi một ngôi nhà mang đậm dấu ấn phong cách, sở thích của chủ nhân về màu sắc các bức tường, mái lợp, tiểu cảnh... thể hiện rõ sự chăm chút nhằm tạo dựng một không gian sống đẹp, thoải mái nhất có thể.

Hà Lan có rất nhiều ngôi làng đẹp ở khắp đất nước, được cộng đồng thừa nhận là những hình mẫu làng quê nông thôn thời hiện đại.

Nổi tiếng nhất có lẽ là làng Giethoorn (tỉnh Overijssel), được coi là ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới, một “Venice của Hà Lan”. Ngôi làng này được phát hiện từ những năm 1230, nằm trong vườn quốc gia De Weerribben-Wieden, hầu như không có đường bộ mà chỉ có đường thủy với phương tiện di chuyển là thuyền và ca nô chạy bằng động cơ điện.

176 cây cầu vòm được xây dựng dọc hệ thống kênh để kết nối những ngôi nhà với đường phố chính của ngôi làng. Trong làng có nhiều ngôi nhà truyền thống với mái rạ, bao quanh là vườn hoa rực rỡ sắc màu, tạo nên một không gian cổ tích, thơ mộng và yên bình. Sau khi thăm thú cảnh đẹp của ngôi làng, du khách vào thăm bảo tàng Museumboerderij't Olde Maat Uus để tìm hiểu cuộc sống và phương thức canh tác của người dân từ xa xưa; chiêm ngưỡng nhiều loại đá quý và hóa thạch.

Một ngôi làng khác mà du khách cũng không thể bỏ qua là Zaanse Schans (ngoại ô thành phố Zaandam, chỉ cách thủ đô Amsterdam chừng 20 phút đi ô tô hoặc tàu), một quần thể văn hóa gồm nhiều cối xay gió cổ và hơn 30 căn nhà gỗ truyền thống được sơn xanh, kẻ viền trắng, với mảng trắng ở đỉnh đầu hồi nhà. Nhiều cối xay gió có từ thế kỷ XVII vẫn đang hoạt động để cưa gỗ, ép dầu, xay gia vị... Không chỉ là "ngôi làng cối xay gió", Zaanse Schans còn được quy hoạch trở thành một bảo tàng sống về cuộc sống nông thôn Hà Lan, nơi mà mỗi ngồi nhà là một bảo tàng về một nghề truyền thống của xứ sở hoa tuylip. Khách du lịch trên khắp thế giới đến đây được tìm hiểu văn hóa, lịch sử Hà Lan, tham quan, trải nghiệm quá trình người thợ thủ công làm ra các sản phẩm làng nghề, như guốc gỗ - một vật dụng truyền thống đặc trưng của người Hà Lan, chế biến các loại phomat, chocolate hay nghề rèn truyền thống...

Nếu muốn chiêm ngưỡng nhiều hơn, kỹ hơn về cối xay gió, du khách tới thăm làng Kinderdijk (tỉnh Nam Holland). Cối xay gió là niềm tự hào của người dân Hà Lan vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước, cải tạo đất và Kinderdijk là nơi lưu giữ tốt nhất niềm tự hào ấy. Với 19 chiếc cối xay gió truyền thống, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1997, Kinderdijk được gọi là “Ngôi làng cối xay gió” mang nhiều giá trị lịch sử nhất tại Hà Lan.

Ở một dáng vẻ khác, “vùng đất cổ tích Schermer” là ngôi làng xinh đẹp có tất cả những gì đặc trưng cho đất nước Hà Lan truyền thống với cây cối rậm rạp, nhà gỗ nhỏ theo phong cách kiến trúc truyền thống, cầu gỗ bắc qua kênh đào, những chiếc cối xay gió lớn...

Còn rất nhiều ngôi làng đẹp và hấp dẫn nữa như: Volendam, làng chài cách Amsterdam hơn 20 cây số về phía Bắc đội tàu đánh cá kiểu cổ; gần đó là Marken, ngôi làng tĩnh lặng với những mái nhà gỗ đỏ, tường xanh, các ô cửa viền đen, đặc biệt là rất nhiều hoa...

Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Ấn tượng bao trùm các làng cổ Hà Lan là vẻ đẹp của kiến trúc, hình khối, màu sắc. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì sẽ thấy một điều rất đặc biệt là: Màu sắc nhà cửa, xưởng sản xuất, cối xay gió... đều tươi sáng và được bài trí rất sống động. Vì thế, du khách đến thăm làng cổ mà không bị sa vào tâm trạng hoài cổ. Đó là kết quả của quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng và bảo tồn di sản một cách quy củ. Chính quyền địa phương đã làm rất tốt nhiệm vụ, chức năng của mình trong việc thực hiện chính sách bảo tồn di sản của quốc gia; động viên nhân dân các vùng quê cùng gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Trong đó phải kể đến một chính sách được thực hiện thông suốt từ trên xuống dưới là: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo nguồn thu và tái đầu tư cho hoạt động này.

Không chỉ chính quyền mà người dân vùng nông thôn Hà Lan cũng làm du lịch rất tốt. Những ngôi làng cổ tích Hà Lan giữa thời hiện đại là những minh chứng sống động về việc kết hợp tài tình giữa bảo tồn và phát triển. Làng cổ không “đóng khung” mà vẫn hoạt động như đã từng hoạt động từ hàng trăm năm trước và du khách có thể cùng trải nghiệm thực tế sản xuất, khai thác với nông dân. Với người nông dân Hà Lan, quá khứ với hiện tại không tách rời nhau và niềm vui sống mỗi ngày của họ vẫn là đánh cá, trồng trọt, làm guốc... như ông cha ngày trước, chỉ thêm một việc mới là làm du lịch.

Thăm những ngôi làng cổ ở nông thôn Hà Lan, có thể thấy rõ chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa đúng đắn và việc thực thi nghiêm của các cấp chính quyền đã phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả cao. Chính quyền tích cực tổ chức phổ biến văn hóa, phân cấp rõ ràng trong quản lý, động viên và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đồng tài trợ hoặc chi trả cho các hoạt động bảo tồn di sản. Việc tăng cường xã hội hóa công tác bảo tồn di sản đã tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân. Người dân Hà Lan luôn tự hào về di sản mà tổ tiên họ truyền lại, từ đó sẵn sàng góp công sức, tiền của để lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân làm cho nền văn hóa Hà Lan ngày càng phát triển.

Có thể nói, sức hút của nền văn hóa Hà Lan được tạo nên nhờ một phần rất lớn từ khung cảnh nông thôn với thiên nhiên tươi đẹp, người dân yêu lao động và mến khách. Du lịch nông thôn ở Hà Lan thực sự là một “mỏ vàng” có trữ lượng vô tận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị văn hóa làng - kinh nghiệm từ Hà Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.